Những bàn đá phản lưới nhà

ANTĐ - Tại cuộc họp mới nhất giữa Đài K+ và các thành viên của Hiệp hội Bản quyền truyền hình trả tiền (VNPayTV) về việc chia sẻ bản quyền giải ngoại hạng Anh (EPL) giai đoạn 2013-2016 không có đài nào chấp nhận những điều kiện từ K+ đưa ra. Các nhà đài cũng đã đồng thuận không quan tâm tới phần “xương” mà K+ “bỏ lại”. Nhưng theo nhiều chuyên gia, chuyện đã đến mức này, tức là khi K+ đã sở hữu gần như toàn bộ các gói phát sóng độc quyền lẫn không độc quyền thì không thể làm gì được nữa! 

Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, mọi sự can thiệp hành chính đều có khả năng vi phạm đến những luật hiện hành liên quan đến kinh doanh, đầu tư. Đây chính là nút thắt của câu chuyện độc quyền EPL kéo dài suốt 3 tháng qua, đồng thời cũng là nguyên nhân khiến giá bản quyền lên cao chóng mặt. Thực tế cho thấy một số nhà đài đã “lật kèo“ với những bàn “đá phản lưới nhà” khiến cuộc chiến chống độc quyền EPL gần như đổ vỡ hoàn toàn. Trong vài ngày gần đây, đã có ít nhất 2 đài tuyên bố đã hoàn tất việc đàm phán với Tập đoàn IMG (Mỹ) để mua gói 3 bản quyền EPL của 3 mùa giải tiếp theo (gồm 280 trận đấu diễn ra lúc 21h, 23h30 thứ Bảy và 2 giờ sáng thứ Hai cũng như các vòng đấu có những trận thi đấu vào giữa tuần. (Gói 1 và gói 2 độc quyền 100 trận đấu ngày Chủ nhật và trận đấu sớm ngày thứ Bảy đã được K+ mua độc quyền). VTVcab và Truyền hình Hà Nội đã phải chi khoảng 2,5 triệu USD (hơn 50 tỷ đồng) mỗi nhà đài để có bản quyền gói 3 EPL.

Theo VTVcab, hơn 1,5 triệu thuê bao của họ sẽ được xem các trận đấu EPL trên 2 kênh: Thể thao TV, Bóng đá TV. Người xem các đài: Truyền hình cáp TP.HCM, MyTV, AVG, SCTV cũng có thể xem được các trận đấu EPL qua 2 kênh kia với điều kiện phải đóng thêm khoảng 30 nghìn đồng/tháng.

Khi các nhà đài đã lần lượt “tung cờ trắng” trước VTV và K+ thì chỉ có người hâm mộ là những khổ chủ muốn thỏa mãn niềm đam mê EPL sẽ phải chịu thiệt khi sẽ phải dốc hầu bao. Những “running man” Việt Nam đang chạy theo các siêu sao bóng đá Anh sẽ không thể xem ở dạng miễn phí hoặc mức giá thấp. Hàng chục triệu người mê bóng đá Anh tại Việt Nam sẽ phải tốn thêm 150.000 đồng/tháng và cả chi phí cho thiết bị đầu thu. 

Nhìn sang láng giềng, chính phủ Singapore cũng phải ban hành luật để yêu cầu các đài truyền hình dù có độc quyền sản phẩm nào đi nữa, cũng bắt buộc chia sẻ cho đài khác nếu người tiêu dùng có nhu cầu. Còn ngay tại Anh, không có đài truyền hình nào được phép sở hữu quá 2/3 các gói phát sóng, cho dù trả bao nhiêu tiền đi nữa. Trong cơ chế thị trường, việc “chống độc quyền”, “hạn chế độc quyền” chỉ có thể bằng cách tạo ra những quy định và khung hành lang pháp lý để bảo vệ người tiêu dùng mà không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các công ty. Giá như ở ta cũng có các quy định bảo vệ quyền lợi các thuê bao của họ trong trường hợp một đài nào đó sẽ mua gói độc quyền vì quyền lợi người tiêu dùng có từ trước thì chắc chắn Chính phủ sẽ chỉ đạo từ đầu và chính các đài khi bỏ tiền mua độc quyền cũng phải cân nhắc trước những ràng buộc của pháp luật tại Việt Nam.

Có thể thấy là IMG Media đã “thắng đậm” vụ này khi “liên minh” giữa các đài truyền hình của VN “mỏng manh đến dễ vỡ” và đã bị… bẻ từng chiếc đũa một trong bó đũa để phải mua bản quyền với giá cao.

Trong khi đó, hiện tại, K+ vẫn chưa trả lời đề nghị của các đài khác về việc chia sẻ gói độc quyền cho các đài phát sóng trên hệ thống analog cũng như về việc đưa ra mức giá hợp lý hơn mức giá 150.000 đồng/tháng/thuê bao cho các đài mua kênh của họ. 

Nếu K+ trả lời “không” hoặc không trả lời (cứ im lặng cho đến khi bóng lăn) thì cuộc đấu tranh để mua bản quyền EPL với giá hợp lý của các nhà đài VN coi như thất bại hoàn toàn. 

Thật tiếc khi việc ngăn chặn độc quyền trong trường hợp bản quyền EPL tại Việt Nam đã không có ai chịu trách nhiệm, cuối cùng chỉ có người hâm mộ phải tự quyết định xem hay không xem.