Mỹ sắp bị Nga “nẫng tay trên” hợp đồng vũ khí 4 tỷ USD

ANTĐ - Ngày 7-11, báo mạng Donia Al-Watan của Palestine dẫn các nguồn tin quân sự cho biết, Ai Cập đang cân nhắc chi đến 4 tỷ USD cho việc mua các loại vũ khí hiện đại của Nga sau khi bị Mỹ đình chỉ một phần viện trợ quân sự và cung cấp vũ khí.

Theo trang mạng Donia Al-Watan, Nga đã đề xuất cho Ai Cập "một thỏa thuận lịch sử trao cho nước này một lựa chọn mua sắm những vũ khí hiện đại nhất mà không có bất kỳ hạn chế nào."

Trang báo mạng độc lập ở Palestine này cũng dẫn lời các nguồn tin cho rằng, một quốc gia vùng Vịnh Persian không được tiết lộ danh tính đã đồng ý cung cấp tài chính cho thỏa thuận này.

Thông tin này được đưa ra ngay trước thời điểm chuyến thăm Ai Cập của phái đoàn quân sự Nga do Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu dẫn đầu. Theo kế hoạch, phái đoàn quân sự Nga sẽ tới thăm Serbia và Ai Cập từ ngày 12 đến 15-11.

Những thông tin đồn đoán về việc Ai Cập quay sang Nga để tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh của họ đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông từ tuần trước và đặc biệt là quanh chuyến thăm gần đây tới Ai Cập của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Chuyến thăm này được cho là một nỗ lực nhằm hàn gắn mối quan hệ song phương đang suy yếu giữa hai nước và ngăn chặn các thỏa thuận quân sự tiềm năng với Nga.

Hôm 9-10, chính quyền Tổng thống Obama đã công bố quyết định tạm dừng cung cấp một số hệ thống vũ khí và viện trợ tiền mặt cho chính phủ Ai Cập.

Máy bay chiến đấu MiG-29 của Nga đang được Ai Cập hết sức ưng ý

Theo đó, Washington đã quyết định giữ lại 10 chiếc trực thăng Apache với chi phí khoảng 500 triệu USD, 4 chiếc F-16, hủy bỏ tập trận hai năm một lần và 260 triệu USD tiền mặt hỗ trợ cho Ai Cập cho đến khi chính phủ này đạt được "những tiến bộ đáng tin cậy".

Các nguồn tin cho rằng, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đề xuất với Ai Cập sẽ khôi phục lại tất cả các loại viện trợ quân sự, trị giá 1,5 tỷ USD hàng năm, và "đưa quan hệ song phương trở lại mức ban đầu," nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đã bác bỏ mọi đề xuất của Mỹ.

Hàng năm, Mỹ cung cấp cho Ai Cập gói viện trợ quân sự trị giá tương đương 1,5 tỷ USD, chủ yếu dưới dạng khí tài quân sự và đào tạo huấn luyện. Trên thực tế Mỹ đã ngừng chuyển giao những khí tài quân sự đắt tiền cho Ai Cập kể từ sau cuộc đảo chính hôm 3-7, lật đổ tổng thống dân cử Mohammed Morsi, và chiến dịch trấn áp đẫm máu sau đó nhằm vào phong trào Anh em Hồi giáo.

Đối với Moscow, việc nối lại các mối quan hệ quân sự với Ai Cập có thể là dấu hiệu của sự trở lại Trung Đông trong khi ngoại giao của Mỹ đang gặp trở ngại đối với toàn bộ khu vực này.

Trong những năm 1960 và đầu những năm 1970, Liên Xô và Ai Cập có mối quan hệ chặt chẽ với nhau khi ông Abdel Nasser lãnh đạo quốc gia Ả-rập này. Nhưng trong sau khi ông Nasser qua đời, Tổng thống mới Anwar Sadat đã bắt đầu đưa quan hệ của nước này chuyển hướng sang các nước phương Tây và trục xuất khoảng 20.000 cố vấn quân sự Nga tại Ai Cập về nước vào tháng 7-1972. Kể từ đó, quan hệ song phương giữa hai nước luôn ở mức lạnh nhạt.