Mức bồi thường khi gây tai nạn được quy định như thế nào?

ANTD.VN - Hiện nay, rất nhiều người khi gây tai nạn giao thông thường thường “bỏ của chạy lấy người” và nghĩ gây tai nạn rồi bồi thường. Nhưng tai nạn giao thông để lại nỗi đau cho người thân cả về tinh thần và tài sản, không chỉ cứ nói bồi thường là xong mà nó còn để lại nhiều hệ lụy. Vậy mức bồi thường khi gây quy định được quy định như thế nào, người gây tai nạn phải chịu trách nhiệm thế nào?

Sau khi gây tai nạn chết người tại km108+600 trên QL4D, đoạn qua xã Sa Pả (Sa Pa, Lào Cai), tài xế xe con đã bị người dân và người nhà nạn nhân kéo đến đòi bồi thường 400 triệu đồng, theo Báo ĐLO đưa tin.

Theo đó, vào khoảng hơn 11h30 ngày 1-3, anh Hạng A Câu (SN 2004, thường trú tại xã Sa Pả) điều khiển xe máy mang BKS 24B2-150.50 lưu thông theo hướng Lào Cai - Sa Pa đã đâm trực diện vào xe ô tô con mang BKS 24A-029.19 do anh Nguyễn Trọng Nghĩa (SN 1989, trú tại TP Lào Cai) điều khiển đi theo hướng Sa Pa - Lào Cai.

Mức bồi thường khi gây tai nạn được quy định như thế nào? ảnh 1 

Hiện trường vụ tai nạn tại Lào Cai

Cú va chạm mạnh khiến Hạng A Câu tử vong tại chỗ, cả 2 phương tiện đều bị hư hỏng nặng. Thời điểm đó, người nhà nạn nhân và người dân kéo ra hiện trường đòi tài xế lái xe ô tô con phải bồi thường 400 triệu đồng vì đã làm chết người.

Sau khi vụ tai nạn xảy ra, người nhà nạn nhân cùng nhiều người dân địa phương đã kéo ra khu vực hiện trường vụ tai nạn gây mất trật tự nhằm mục đích bắt đền tài xế. Do vậy tài xế xe con đã phải hỗ trợ ngay cho gia đình nạn nhân 200 triệu để giải quyết vụ tai nạn.

Sau đó, tình hình ổn định, người thân và bà con nhân dân không còn gây mất trật tự nữa. Đến hơn 18h, đoạn đường đã thông xe trở lại.

Hiện vụ việc đang được lực lượng chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.

Trách nhiệm bồi thường khi gây tai nạn giao thông

Trong trường hợp có xảy ra tai nạn giao thông, việc xem xét đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại và trách nhiệm hình sự trước pháp luật sẽ căn cứ vào yếu tố lỗi , bên nào có lỗi trong việc gây ra tai nạn thì bên đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc gây tai nạn của mình.

Tại khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại:

Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Và tại khoản 4 Điều 585 cũng có nêu:

Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

Theo quy định pháp luật, mức bồi thường thiệt hại sẽ được xác định dựa vào các yếu tố sau:

+ Xác định thiệt hại về tính mạng: chi phí mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người cấp dưỡng có nghĩa vụ cấp dưỡng; thu nhập thực tế của người bị thiệt hại, bù đắp tổn thất về tinh thần cho người thân người thiệt hại...

+ Xác định thiệt hại về tài sản: tài sản bị hư hỏng, mất; lợi ích gắn liền với việc khai thác, sử dụng tài sản…

Theo quy định tại khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ thì người nào tham gia giao thông mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà gây thiệt hại cho người khác sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự:

Mức bồi thường khi gây tai nạn được quy định như thế nào? ảnh 2 

Gây tai nạn chết người phải chịu trách nhiệm hình sự

Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.