Thủ tướng Mahathir Mohamad (4): Quay lại chính trường, thận trọng với Trung Quốc

ANTD.VN - Sau khi thắng cử và trở thành Thủ tướng Malaysia một lần nữa, ông Mahathir (92 tuổi) đã có những điều chỉnh trong quan hệ với Trung Quốc, đồng thời có khả năng làm lung lay vị trí của Trung Quốc tại ngã tư chiến lược của châu Á, nơi Mỹ cũng đang tích cực cụ thể hóa chiến lược "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

Thận trọng với Bắc Kinh

Nhìn nhận từ những bài học nhãn tiền của nhiều quốc gia trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, Thủ tướng Mahathir Mohamad đã đưa ra quyết định điều chỉnh một số chính sách với Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư. Bởi theo ông, nhiều hoạt động kinh tế của Trung Quốc ở nước này có nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh quốc gia như vấn đề an ninh tài chính, đặc biệt là vấn đề làn sóng di dân từ Trung Quốc tới Malaysia.

Mặc dù ông Mahathir cho biết, ông ủng hộ sáng kiến "Vành đai, Con đường" (BRI) của Trung Quốc, nhưng tuyên bố đàm phán lại một số điều khoản trong những thỏa thuận đã ký với Bắc Kinh nếu cần thiết.

Ông Mohamad Mahathir - Thủ tướng cầm quyền lâu nhất của Malaysia (Nguồn: TASS)

Cùng với tuyên bố trên, Chính phủ của ông Mahathir đã tạm đình chỉ 3 dự án hạ tầng trị giá 20 tỷ USD liên quan tới các công ty nhà nước Trung Quốc, bao gồm cả hệ thống đường sắt ven biển miền Đông và 2 dự án đường ống dẫn khí và dẫn dầu.

Ông Mahathir nhấn mạnh: "Nhiều người không thích đầu tư của Trung Quốc. Chúng tôi không muốn bán nhiều phần của đất nước này cho các công ty nước ngoài để phát triển thành phố".

Động thái này đã làm nảy sinh những quan điểm cho rằng, lãnh đạo Malaysia đang muốn thoát khỏi vòng ảnh hưởng ngoại giao của Bắc Kinh sau nhiều năm đẩy mạnh quan hệ song phương dưới thời ông Najib.

Nguyên do của động thái này được giới chuyên gia quốc tế nhận định như sau:

Thứ nhất, Thủ tướng Mahathir cho rằng có sự "bất bình đẳng" trong các thỏa thuận kinh tế giữa Malaysia và Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn tờ South China Morning Post ngày 20-6-2018, ông Mahathir cho biết: "Malaysia hoan nghênh đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc. Nhưng liên quan đến các hợp đồng ký kết với Trung Quốc, các nhà thầu đưa ra những điều khoản tiên quyết về việc sử dụng công nhân Trung Quốc, sử dụng mọi thứ từ Trung Quốc, thậm chí thanh toán cũng không được thực hiện ở Malaysia. Vì vậy, chúng tôi không đạt được gì từ những thỏa thuận trên, đó là loại hợp đồng mà tôi không hoan nghênh".

Thứ hai, sự gia tăng hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại Malaysia cũng làm gia tăng nguy cơ trong lĩnh vực an ninh kinh tế, vấn nạn tham nhũng ngày càng trở nên trầm trọng. Gánh nặng nợ công của Chính phủ Malaysia ngày càng lớn dần dưới thời kỳ cựu Thủ tướng Najib.

Năm 2009, khi ông Najib đảm nhiệm chức Thủ tướng Malaysia, tỷ lệ nợ trên GDP chính phủ liên bang tăng từ 27,8% lên tới 50,84%, nợ nước ngoài của quốc gia cũng tăng mạnh từ 57,4% lên tới 65,3%.

Gánh nặng nợ công tăng cao cũng chính là một trong những lý do quan trọng khiến ông Najib thất bại trong lần bầu cử hồi tháng 5-2018 tại Malaysia. Ông Mahathir đã tỏ rõ thái độ bất bình trước sự lệ thuộc của cựu Thủ tướng Najib Razak với Bắc Kinh và không ngần ngại tố cáo người tiền nhiệm là đã đặt lợi ích cá nhân lên trên quyền lợi quốc gia, dân tộc.

Trong thời kỳ ông Najib giữ chức Thủ tướng, vấn đề tham những ở Malsaysia ngày càng trầm trọng hơn, áp lực từ lạm phát và tăng trưởng thu nhập bị chậm lại, sự bất mãn của người dân ngày càng gia tăng. Mặc dù tăng trưởng GDP của Malaysia năm 2017 là 5,9%, nhưng tỷ lệ lạm phát lại đạt kỷ lục 3,8%. Tính đến tháng 3-2018, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên lên tới 12,4%.

Thứ ba, ông Mahathir lo ngại về tình trạng di dân do các công ty Trung Quốc đưa vào. Một ví dụ thường được nêu lên là dự án địa ốc Forest City trị giá 40 tỷ USD với diện tích khoảng 1.358 ha ở Johor. Trong dự án này, Trung Quốc là nhà đầu tư chính và công dân Trung Quốc là khách mua chủ yếu. Theo đó, dự án sẽ thu hút khoảng 700.000 người Trung Quốc tới đây định cư và ông Mahathir nhận định, dự án "không phải là Trung Quốc đầu tư mà là định cư", và đó chẳng khác gì Malaysia đã bán chủ quyền đất nước cho Trung Quốc.

Trung Quốc vẫn là đối tác quan trọng

Trung Quốc gia tăng đầu tư vào Malaysia từ năm 2012 đến năm 2016 là thời kỳ đỉnh cao của đầu tư Trung Quốc tại quốc gia Đông Nam Á này. Bắc Kinh đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong lĩnh vực chế tạo và trong 2 năm liền trở thành đối tác liên doanh chủ yếu nhất trong việc bao thầu các dự án thi công công trình tại Malaysia.

Năm 2017, có khoảng 2,36 tỷ USD vốn đầu tư từ Trung Quốc đổ vào Malaysia (chiếm khoảng 7% tổng số FDI ở Malaysia, xếp vị trí thứ 7 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại nước này), tăng khoảng 350% so với năm 2013. Các dự án đường sắt và cảng biển của nước này cũng dự kiến sẽ nhận được khoản đầu tư 101 tỷ USD trong hai thập niên tới.

Mặc dù ông Mahathir đã có những động thái cứng rắn với Trung Quốc, tuy nhiên, trong bối cảnh lịch sử quan hệ hai nước cũng như bối cảnh các quốc gia trong khu vực ngày càng gia tăng tiếp cận Trung Quốc nhằm tìm kiếm cơ hội phát triển, rất có thể, những động thái ban đầu của ông Mahathir chỉ nhằm thăm dò phản ứng của Bắc Kinh đối với chính phủ mới của ông.

Rõ ràng, Trung Quốc không chỉ là nhà đầu tư quan trọng mà còn là đối tác thương mại hàng đầu của Malaysia. Sự phụ thuộc lẫn nhau trong quan hệ kinh tế rất lớn giữa hai nước khiến cho dù bất kỳ nhà lãnh đạo nào của Malaysia cũng không thể không tính toán tới nhân tố Trung Quốc.

Trung Quốc có một vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế của Malaysia, và chính ông Mahathir là "kiến trúc sư" của chính sách thân thiện với Trung Quốc vào đầu những năm 1990. Mặc dù khi mới thắng cử, ông tuyên bố xem xét lại các "thỏa thuận bất bình đẳng" với Trung Quốc, song ông cũng hiểu rằng, Malaysia cũng không thể tách rời khỏi Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.

Mới đây, ông tuyên bố sẽ thực hiện các chuyến thăm tới Trung Quốc để đàm phán lại những thỏa thuận kinh tế song phương, điều này thể hiện ông không hề coi nhẹ mối quan hệ với Trung Quốc.

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad và người đồng cấp Lý Khắc Cường (Nguồn: AFP)

Liên quan đến sáng kiến "Vành đai, Con đường" (BRI) của Trung Quốc, ông Mahathir không thể hiện quan điểm chống lại sáng kiến này, tuy nhiên, ông cho rằng, các cảng biển mà Trung Quốc muốn xây dựng trong chiến lược này phải là những cảng biển mở cho tất cả các tuyến vận tải biển thế giới.

Ông Mahathir không muốn biến các cảng biển trong chiến lược "Vành đai, Con đường" trở thành những tiền đồn riêng của Trung Quốc, phục vụ riêng cho các hoạt động hàng hải của Bắc Kinh. Điều đó cho thấy, thái độ tương đối thận trọng của ông đối với việc thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc trong khuôn khổ sáng kiến "Vành đai, Con đường".

Đối với vấn đề Biển Đông, ông Mahathir vẫn thực hiện chính sách "tránh chọc giận Trung Quốc" và chủ yếu tập trung vào bảo vệ những thực thể trên biển mà Malaysia đang chiếm giữ. Ông cho rằng, trong quá khứ, các thực thể ở Biển Đông và khu vực trong vòng 200 hải lý từ bờ biển Malaysia và của Malaysia.

Đối với những bãi đá ngoài biển mà Malaysia đã phát triển thành các đảo thì ông Mahathir bày tỏ hy vọng có thể giữ nguyên trạng trên các đảo đó, bởi vì, đó là phương án để Malaysia bảo đảm an toàn khỏi hải tắc và các vấn đề khác.

Việc tân Thủ tướng Malaysia có sự điều chỉnh trong quan hệ với Trung Quốc theo hướng tiếp cận một cách thận trọng hơn chứng tỏ ông đặc biệt quan tâm đến vấn đề chủ quyền quốc gia và lợi ích kinh tế trong quan hệ đối ngoại.

Việc ông Mahathir nhằm vào các khoản đầu tư từ Trung Quốc có 2 ý nghĩa: (1) bảo đảm vấn đề an ninh quốc gia; (2) nhằm vào cựu Thủ tướng Najib Razak. Có thể nói, từ khi ông Mahathir lên nắm quyền trở lại ở Malaysia đã phản ánh sự chuyển biến mới trong phản ứng của các quốc gia Đông Nam Á trước sự gia tăng ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc với sáng kiến "Vành đai, Con đường".

(còn nữa)

>> Thủ tướng Mahathir Mohamad (1): Từ sinh viên "sản phụ khoa" tới bác sỹ phẫu thuật

>> Thủ tướng Mahathir Mohamad (2): Gia nhập chính trường, vực dậy con rồng châu Á

>> Thủ tướng Mahathir Mohamad (3): Quyết định từ chức, kết thúc 22 năm cầm quyền