Thủ tướng Mahathir Mohamad (3): Quyết định từ chức, kết thúc 22 năm cầm quyền

ANTD.VN - Thủ tướng Mahathir sau những thành tựu nổi bật của 22 năm cầm quyền, đã bất ngờ tuyên bố nghỉ hưu rồi trở lại vị trí lãnh đạo đất nước ở tuổi 92, sau cuộc bầu cử hồi tháng 5-2018. Ông được nhân dân kỳ vọng trong nhiệm kỳ mới này có thể thay đổi hệ thống chính trị, nội các và tăng cường an sinh xã hội.

Chiến công lớn trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997

Thành tựu vang dội của Thủ tướng Mahathir chính là xử lý thành công cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 tại Malaysia. Trong bối cảnh đồng tiền mất giá nghiêm trọng, đầu tư nước ngoài sụt giảm, chỉ số chứng khoáng tụt dốc 75%.

Thay vì giảm chi tiêu công, tăng lãi suất, như khuyến nghị của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và đề xuất của Phó Thủ tướng Anwar Ibrahim, ông Mahathir quyết định tăng chi tiêu chính phủ, cố định tỷ giá đồng Ringgit với USD. Nhờ đó, kinh tế Malaysia hạn chế được thiệt hại và phục hồi nhanh hơn các nước Đông Nam Á láng giềng.

Tờ tiền có mệnh giá lớn nhất của Malaysia là RM100, bằng 564.400 VND (Nguồn: AP)

Khi đề cập đến phát triển kinh tế của Malaysia, người ta cũng nhắc đến Anwar Ibrahim, người được Mahathir khuyến khích gia nhập UMNO, bổ nhiệm Bộ trưởng Tài chính vào năm 1991 và Phó Thủ tướng (1993-1998).

Tuy nhiên, từ giữa những năm 1990, Anwar Ibrahim bắt đầu bộc lộ quan điểm bất đồng, thậm chí đe dọa quyền lực của Thủ tướng Mahathir. Quan hệ Mahathir-Anwar ngày càng rạn nứt.

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (phải) và ông Anwar Ibrahim (trái) tại cuộc họp báo ở Kuala Lumpur ngày 01-6-2018 (Nguồn: AFP)

Anwar Ibrahim bị gạt ra ngoài quá trình hoạch định chính sách kinh tế - xã hội của ông Mahathir, thậm chí bị cách chức và khai trừ khỏi UMNO; năm 1999, Anwar bị đưa ra xét xử và phạt tù giam.

Quyết định từ chức: kết thúc 22 năm cầm quyền

Ngày 22-6-2002, ông Mahathir bất ngờ tuyên bố từ chức, nhưng Ban lãnh đạo UMNO đã thuyết phục ông tiếp tục làm thủ tướng và chính thức về hưu vào tháng 10-2003, kết thúc 22 năm cầm quyền.

Nhờ những đóng góp đặc biệt to lớn cho đất nước Malaysia, ông Mahathir được tặng thưởng huân chương danh dự cao nhất "Người bảo vệ vương quốc" và được phong "Tun" - tước hiệu cao quý nhất của Malaysia.

Rời chính trường, ông Mahathir vẫn nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng, như giám đốc điều hành, chủ tịch, cố vấn cao cấp... của nhiều doanh nghiệp Malaysia, trong đó có hãng xe hơi Proton, Công ty dầu khí Petronas.

Cựu Thủ tướng Malaysia vẫn theo sát tình hình và thẳng thắn phê phán các vấn đề chính trị của Malaysia và quốc tế. Năm 2007, Mahathir còn thành lập Ủy ban tội ác chiến tranh Kuala Lumpur nhằm điều tra các hoạt động của Mỹ, Israel và đồng minh trên lãnh thổ Iraq, Lebanon, Palestin.

Sự trở lại ngoạn mục

Bất bình trước vụ bê bối tham nhũng tại "Quỹ phát triển 1 Malaysia" (1 Malaysia Development Berhad-1MDB), do Thủ tướng Najib Razak lập ra và quản lý, ông Mahathir công khai chỉ trích chính quyền Malaysia và kêu gọi Thủ tướng Najib Razak từ chức.

Thủ tướng Malaysia Najib Razak (Nguồn: TallyPress)

Najib Razak ra lệnh cấm thành viên Chính phủ Malaysia quan hệ với Mahathir, kể cả những người quen biết. Năm 1016, cùng với liên minh đối lập Pakatan Harapan (P.H - Liên minh Hy vọng) của thủ lĩnh Anwar Ibrahim, ông Mahathir tổ chức nhiều cuộc biểu tình hòa bình và tự tay soạn thảo Bản tuyên bố của công dân Malaysia yêu cầu Thủ tướng Najib từ chức.

Không những vậy, ông Mahathir còn tích cực ủng hộ các ứng viên đối lập trong cuộc bầu cử Hạ viện năm 2016, thành lập đảng "Người Malaysia bản địa thống nhất" vào năm 2017 và tham gia P.H đấu tranh chống liên minh cầm quyền Mặt trận dân tộc (Barisan Nasional - BN) của ông Najib.

Sau đó, Mahathir được bầu làm Chủ tịch P.H, ứng viên thủ tướng trong cuộc bầu cử năm 2018. Trả lời báo "Người bảo vệ" (The Guardian), ông Mahathir cho biết, việc ông tranh cử nằm ngoài dự kiến: "Tôi đã nghỉ hưu và có thể an hưởng tuổi già, nhưng mọi người không ngừng yêu cầu, đề nghị. Cuối cùng, tôi phải thành lập đảng riêng, phải tham gia trực tiếp, tôi không còn lựa chọn nào khác".

Ông giải thích quyết định tranh cử ngày 9-5-2018 nhằm lật đổ Thủ tướng Najib là nỗ lực "để sửa chữa sai lầm lớn nhất của đời mình".

Thủ tướng Najib Razak (phải) và cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad (trái) trong cuộc bầu cử năm 2018 (Nguồn: Reuters)

Trái với nhiều dự báo, Mahathir và P.H đã chiến thắng áp đảo trước liên minh cầm quyền BN trong cuộc bầu cử đầy kịch tính ngày 9-5 nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ của lớp cử tri trẻ tuổi Malaysia và giành được 122/222 ghế Hạ viện, chấm dứt 60 năm cầm quyền liên tục của liên minh BN tại Malaysia kể từ năm 1957.

Ngày 10-5-2018, ông Mahathir tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Malaysia ở tuổi 92, trở thành nguyên thủ quốc gia cao tuổi nhất thế giới và là chính khách Malaysia duy nhất hai lần làm thủ tướng.

Tân Thủ tướng Mahathir khẳng định không trả thù cá nhân ông Najib mà chỉ muốn khôi phục những nguyên tắc công lý tại Malaysia và ra lệnh cấm ông Najib xuất cảnh để điều tra cáo buộc tham nhũng 4,5 tỷ USD tại 1MDB.

Cảnh sát Malaysia đã khám xét nhà riêng ông Najib và thu giữ gần 30 triệu USD, 37 vali kim cương, đồ trang sức quý và 284 hộp túi xách hàng hiệu...

Thủ tướng Mahathir trở lại nắm quyền trong bối cảnh Malaysia, một liên bang theo chế độ quân chủ lập hiến, đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; giá cả sinh hoạt hàng ngày đắt đỏ, sự kiểm duyệt truyền thông có phần khắt khe hơn, đặc biệt là tình trạng nợ công nghiêm trọng đã vượt ngưỡng 250 tỷ USD, tương đương 65% GDP, cao hơn giới hạn đó 10%...

(Còn tiếp)

>> Thủ tướng Mahathir Mohamad (1): Từ sinh viên "sản phụ khoa" tới bác sỹ phẫu thuật

>> Thủ tướng Mahathir Mohamad (2): Gia nhập chính trường, vực dậy con rồng châu Á