Phí hầm đường bộ Hải Vân tăng kịch trần: Đúng lộ trình nhưng thiếu tính chia sẻ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong khi Tập đoàn Đèo Cả cho biết lượng xe qua hầm Hải Vân tăng dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 và không xảy ra ùn tắc thì hàng nghìn người dân lại méo mặt vì mức phí qua trạm BOT Bắc Hải Vân tăng kịch trần.

Tăng đúng lộ trình mà thiếu tính chia sẻ

Công ty Hạ tầng giao thông Đèo Cả (đơn vị quản lý vận hành hầm Hải Vân) cho biết, trung bình dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay, hai ống hầm thuộc hầm Hải Vân phục vụ bình quân hơn 13.000 lượt xe/ngày, không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.

Bộ GTVT đã đồng ý mức tăng phí qua trạm thu phí Bắc Hải Vân (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) với giá thu thấp nhất cho một lượt xe là 110.000 đồng từ ngày 1/5, cao nhất là 280.000 đồng. Mức giá này cao hơn gấp 3 lần so với các trạm BOT thông thường.

Hầm đường bộ Hải Vân nằm trên tuyến huyết mạch Bắc Nam với lưu lượng xe qua lại lớn

Hầm đường bộ Hải Vân nằm trên tuyến huyết mạch Bắc Nam với lưu lượng xe qua lại lớn

Với mức tăng mới này, trạm thu phí Bắc hầm Hải Vân đã tăng kịch trần trong khung quy định. Đáng nói, vào năm 2019, trạm này đã được Bộ GTVT cho phép tăng phí mạnh.

Việc trạm BOT hầm đường bộ Bắc Hải Vân tăng phí kịch trần từ 1/5 không nhận được sự đồng thuận từ phía người dân và doanh nghiệp vận tải cũng như các hiệp hội vận tải. Nhất là trong bối cảnh, người dân, doanh nghiệp vận tải đường bộ đều đang gặp khó khăn do suốt thời gian dài dịch bệnh.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ngày 24/4 vừa qua, UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị gửi Bộ GTVT đề nghị lùi thời gian tăng phí dịch vụ qua hầm đường bộ Hải Vân đến 1/6, vì kinh tế đang trong quá trình phục hồi, cần có lộ trình tăng phí hợp lý. Văn bản trên đã được Bộ GTVT xác nhận “đã nhận được” nhưng chưa có phản hồi.

Thông tin trên báo chí, lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả cho biết, việc tăng phí trạm Bắc Hải Vân đúng theo quy định, hơn nữa, doanh nghiệp cũng đang gặp áp lực về tài chính nên không thể không tăng để đảm bảo phương án tài chính.

Hơn nữa, cũng theo Tập đoàn Đèo Cả, hầm đường bộ Hải Vân không phải là đường độc đạo, lái xe có thể lựa chọn đi qua đèo ở đường cũ hoặc lưu thông vào cao tốc La Sơn- Túy Loan sắp thông xe.

Dù là tăng phí đúng theo quy định nhưng mức tăng mạnh, kịch trần trong bối cảnh cả xã hội cùng khó khăn như hiện nay của Tập đoàn Đèo Cả không nhận được sự đồng tình của dư luận.

Từ 1/5, phí đường bộ qua trạm Bắc Hải Vân tăng kịch trần, đặc biệt nhóm xe loại 2 tăng 70.000 đồng/lượt

Từ 1/5, phí đường bộ qua trạm Bắc Hải Vân tăng kịch trần, đặc biệt nhóm xe loại 2 tăng 70.000 đồng/lượt

Chuyên gia vận tải Thân Văn Thanh cho rằng, trách nhiệm với xã hội của mỗi doanh nghiệp là khác nhau, phụ thuộc vào ý thức của chủ doanh nghiệp. Việc trạm Bắc Hải Vân tăng phí kịch trần trong bối cảnh cả xã hội khó khăn thì rõ ràng, người dân không thấy được sự chia sẻ, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở đây.

“Bộ GTVT với vai trò là cơ quan đầu não trong việc này phải có cân nhắc khi cho phép Tập đoàn Đèo Cả tăng phí kịch khung như vậy. Việc tăng phí theo lộ trình để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp BOT là đúng, tuân theo quy định nhưng cũng làm sao phải hài hòa”- ông Thanh cho hay, đồng thời bày tỏ thêm: “Mức tăng trong lộ trình nhưng cũng phải xét trong từng bối cảnh thời điểm, phải có tính chất chia sẻ với xã hội, với người sử dụng hàng hóa chứ không phải trong bối cảnh cả xã hội khó khăn mà doanh nghiệp BOT lại tăng phí kịch trần, đổ hết cái khó lên đầu doanh nghiệp vận tải. Trong khi đó, vài năm trở lại đây, vận tải đường bộ phải hình dung bằng cụm từ “vô cùng khó khăn”.

Trăm dâu đổ đầu người dân chịu

Cũng theo ông Thanh, trạm BOT này trên tuyến huyết mạch Bắc- Nam, lưu lượng phương tiện qua lại lớn nên việc tăng phí mạnh như vậy sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp.

Cùng chung quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng, căn cứ theo hợp đồng đã ký với cấp có thẩm quyền, đến lộ trình thì nhà đầu tư BOT được phép tăng phí.

Tuy vậy, trong bối cảnh như hiện nay, Bộ GTVT là người cầm cân nảy mực cũng nên cân nhắc. “Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, cả hai bên cùng khó khăn, doanh nghiệp BOT cũng khó khăn, gặp áp lực về tài chính, còn doanh nghiệp vận tải đường bộ cũng đang “dở sống dở chết”, việc tăng phí BOT mạnh như thế này cũng khiến doanh nghiệp vận tải khó khăn hơn”- ông Nguyễn Văn Thanh bày tỏ.

Ông Nguyễn Việt Anh, Chủ nhiệm HTX Vận tải Bắc Nam cho biết, từ năm 2020 đến nay, vận tải hàng hóa đường bộ hoạt động ở dạng cầm chừng, nhúc nhắc vì kinh tế kém sôi động nên khối lượng hàng hóa chuyên chở cũng giảm mạnh.

Trong bối cảnh khó khăn như vậy mà Bộ GTVT còn cho phép doanh nghiệp BOT tăng phí kịch trần qua trạm BOT Bắc Hải Vân là không có tinh thần chia sẻ khó khăn với xã hội và vận tải đường bộ.

“Chủ đầu tư lý giải, phương tiện không muốn qua hầm đường bộ Hải Vân có thể đi đường đèo cũ để tránh mất phí, nhưng với doanh nghiệp vận tải container như chúng tôi, nếu đi đường đèo cũ thì rất nguy hiểm cho người, phương tiện và hàng hóa, nguy cơ tai nạn rất cao. Nói vậy khác gì thách thức doanh nghiệp vận tải đường bộ”- ông Việt Anh bày tỏ.

Chủ nhiệm HTX Vận tải Bắc- Nam e ngại, rồi đây, những doanh nghiệp BOT khác cũng gặp khó khăn, áp lực về tài chính như Tập đoàn Đèo Cả có được Bộ GTVT cho phép tăng phí qua trạm BOT hay không, nếu các trạm đều tăng thì vận tải đường bộ chỉ còn nước chết.

“Chi phí vận tải tăng đồng nghĩa với giá hàng hóa phải tăng và tất cả rồi sẽ đổ vào đầu người tiêu dùng”- ông Việt Anh cho hay.

Cần phải nói thêm rằng, một số dự án hạ tầng đường bộ do Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư đều có mức phí rất cao như trạm BOT trên QL1 đoạn Bắc Giang- Lạng Sơn; cao tốc Bắc Giang- Lạng Sơn.