- Cú lừa "siêu lợi nhuận" đầu năm: Một chiếc kẹp giấy, đổi… 79.000 đồng
- Phát hiện kho cất giấu công cụ hỗ trợ tại chung cư cao cấp ở Hà Đông
- Trung bình mỗi người Việt Nam bỏ bao nhiêu tiền để mua sắm online?
Nhiều nạn nhân, một kịch bản
Vào chiều ngày 7-1-2019, một bưu phẩm từ SenGo (nền tảng vận chuyển của Sen Đỏ) đã được gửi tới nhà của chị L.D (SN 1985, trú tại Hà Nội), dù người phụ nữ này không hề có tài khoản Sendo, không đặt mua bất kỳ sản phẩm nào.
Do chị D. không ở nhà, nên mẹ của chị đã thanh toán số tiền 79.000 đồng trên phiếu, vì thấy giá trị món hàng không lớn, và thông tin cá nhân trên bưu phẩm chính xác (họ tên, số điện thoại, địa chỉ). Tới khi mở bưu phẩm ghi “phụ kiện thời trang” này ra, nhà chị D. thấy bên trong chỉ là… một chiếc kẹp giấy.
Món hàng gửi tới chị L.D (Hà Nội) qua dịch vụ SenGo với đầy đủ thông tin cá nhân
Khi liên lạc với tổng đài của Sendo, chị D. được giải thích rằng, SenGo hoạt động như dịch vụ bưu điện, trong đó có chức năng chuyển hàng cho các shop và thu tiền hộ.
Việc shop lừa đảo có đầy đủ thông tin cá nhân của chị D., phía Sendo cho biết đó hoàn toàn là do shop cung cấp, họ chỉ làm dịch vụ trung gian. Điều này khiến chị D. không hài lòng, và yêu cầu Sendo tìm được đích danh chủ thể lừa đảo đã chuyển đơn hàng “kẹp giấy giá 79.000 đồng” để làm rõ tại sao họ lại có thông tin chi tiết của chị, và đặt giao hàng như vậy. Hiện phía Sendo vẫn chưa có câu trả lời cho đề nghị này.
"Phụ kiện thời trang" giá 79.000 đồng là... một chiếc kẹp giấy!
Vào cuộc tìm hiểu, PV Báo ANTĐ ghi nhận đã có nhiều trường hợp bị lừa đảo khác giống hệt chị D., trong đó, họ cũng nhận được bưu phẩm gửi qua dịch vụ SenGo, ghi đúng họ tên, số điện thoại, địa chỉ, dù không hề đặt hàng và không có tài khoản trên Sendo.
Chẳng hạn như vào tháng 12-2018, chị Đ.N (Bắc Ninh) nhận được bưu phẩm từ SenGo ghi là “Quần Áo thể thao mẫu mới đang hot giá sốc”, có giá 132.000 đồng, dù chị không hề đặt hàng. Khi người nhà của chị N. thanh toán (vì ngỡ chị N. có đặt hàng, với các thông tin cá nhân chính xác trên bưu phẩm), và mở ra thì bên trong chỉ là một chiếc áo ố vàng.
Tương tự nạn nhân L.D, chị Đ.N đã liên lạc với phía Sendo để khiếu nại thì chỉ nhận được câu trả lời rằng “SenGo chỉ hỗ trợ shop vận chuyển đơn hàng”, và người nhận phải “tự kiểm tra lại các kênh bán hàng bên ngoài xem có đặt hàng shop không”.
Sau đó, chị Đ.N không được hoàn tiền, và thậm chí còn bị phía Sendo khóa bình luận trên trang Facebook của họ. Cách xử lý khiếu nại như vậy khiến chị Đ.N rất bức xúc.
Nhiều nạn nhân đã thông báo với SenGo và Sendo về trường hợp bị lừa của mình, song chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng
Một trường hợp khác được PV Báo ANTĐ ghi nhận là chị K.A (Hải Phòng). Nạn nhân này được giao một bưu phẩm có giá 79.000 đồng dù không đặt, và bên trong chỉ là một tuýp kem đánh răng nhỏ. Khiếu nại của chị K.A đối với Sendo cũng rơi vào im lặng như những trường hợp nói trên.
Ngoài ra, còn các trường hợp khác cũng nhận được bưu phẩm gửi tới nhà, dù không đặt, song may mắn họ chưa bị lừa vì người thân đã gọi điện xác minh, rồi từ chối nhận.
“Làn sóng” gửi bưu phẩm đích danh người nhận với thông tin cá nhân đầy đủ qua dịch vụ SenGo đã xuất hiện nhiều trong khoảng 1 tháng trở lại đây, song phía nhà quản lý Sendo chưa có động thái xử lý hay cảnh báo nào, khiến các nạn nhân bức xúc.
Những điều bất thường phía sau các cú lừa “siêu lợi nhuận”
Tìm hiểu chi tiết, PV Báo ANTĐ được biết, SenGo là nền tảng vận chuyển của Sen Đỏ, trong đó, dịch vụ này hoạt động như dịch vụ bưu điện, với chức năng chuyển hàng cho các shop và thu tiền hộ.
Đơn hàng gửi cho một nạn nhân nữ ở Bắc Ninh, với cách thức giống hệt trường hợp "kẹp giấy giá 79.000 đồng" của chị L.D ở Hà Nội
Những shop đăng ký với SenGo không bị ràng buộc chặt chẽ, họ có thể dễ dàng đăng ký các đơn hàng để nhờ vận chuyển và thu tiền giúp. Điểm cốt lõi để Sendo (và SenGo) kiểm soát sự uy tín của shop là SenGo yêu cầu chủ shop phải rút tiền, chuyển tiền qua ví SenPay (do Sendo quản lý).
Khi chủ thể lừa đảo giao hàng bất minh, như trong 3 trường hợp mà PV Báo ANTĐ đã ghi nhận, thì shop đó rất khó rút tiền để chiếm đoạt, vì các nạn nhân đều khiếu nại ngay với Sendo trong ngày nhận bưu phẩm, và khả năng cao là nhà quản lý này sẽ phong tỏa tài khoản ví SenPay bị nghi lừa đảo.
Vậy điều bất thường là tại sao trong một thời gian ngắn, dù khó chiếm đoạt số tiền thu khống, các chủ thể lừa đảo vẫn liên tiếp gửi đi các đơn hàng tới những người nhận không hề đặt? Và chủ thể lừa đảo đã khai thác thông tin giao hàng chuẩn xác của các nạn nhân từ nguồn nào?
Ở cả 3 trường hợp bị lừa nói trên, thông tin các shop gửi hàng đều ghi xuất phát từ tỉnh Thái Nguyên, song không đầu mối nào có thể liên lạc được, vì số điện thoại tắt máy, địa chỉ không chính xác.
Bên cạnh đó, các nạn nhân bị lừa đã cung cấp một thông tin đáng chú ý cho PV Báo ANTĐ, đó là họ không có tài khoản Sendo, không đặt món hàng nào qua sàn giao dịch TMĐT này, song họ vẫn thường xuyên đặt hàng trực tuyến của những sàn giao dịch TMĐT khác.
Rõ ràng, những điều bất thường nói trên chỉ có thể được giải thích khi Sendo vào cuộc xác minh rõ những chủ thể nào đã đặt dịch vụ vận chuyển SenGo của họ để giao những món hàng lừa đảo tới các nạn nhân.
PV Báo ANTĐ đã liên lạc với phía Sendo và sẽ tiếp tục cập nhật thông tin để dư luận nắm rõ sự việc.