Công ty Dệt kim Đông Xuân xả thải ra môi trường: Quy trình kiểm tra có "bất cập"?

ANTD.VN - Mặc dù đoàn kiểm tra liên ngành của UBND quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã có 4 lần thực hiện các biên pháp quan trắc, để xác định mức độ ô nhiễm môi trường ở Công ty Dệt kim Đông Xuân từ năm 2016 tới nay, song cả 4 lần này đều trả về kết quả “trong giới hạn cho phép”. Trong khi đó, những ý kiến bức xúc của người dân xung quanh công ty này vẫn chưa lúc nào ngừng “nóng”, vì họ thường xuyên phải chịu đựng mùi khí than hắc, bức bí trong không khí. Khi tìm hiểu kỹ quy trình kiểm tra, PV Báo ANTĐ đã nhận ra những vấn đề có thể xem là bất cập.

Muốn kiểm tra, phải… đo ở miệng ống khói!

Thời gian qua, PV Báo ANTĐ đã làm việc với đại diện của Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) Hà Nội và UBND quận Hai Bà Trưng, để đi tìm lời giải cho câu hỏi: Cơ quan chức năng đã làm gì trước những phản ánh bức xúc về tình trạng xả thải của Công ty Dệt kim Đông Xuân?

Trong cuộc trao đổi với ông Đỗ Đức Thành – Trưởng phòng Kiểm soát ô nhiễm, Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở TNMT Hà Nội (ông Thành là đại diện được Sở TNMT cử làm việc), PV đã ghi nhận một vấn đề khá bất cập trong quy trình kiểm tra, xác định mức độ ô nhiễm.

Hành vi xả khí thải buổi đêm của Công ty Dệt kim Đông Xuân đã nhiều lần bị ghi lại

Cụ thể, bên cạnh việc cung cấp đầy đủ thông tin về các đợt kiểm tra môi trường trong thời gian qua đối với Công ty Dệt kim Đông Xuân, ông Thành khẳng định, nguyên tắc đo mức độ ô nhiễm xả thải là phải cắm thiết bị vào đầu ống khói.

Điều đó đồng nghĩa với việc đoàn kiểm tra sẽ phải thông báo cho phía công ty và nhận được sự hợp tác, thì mới có thể kiểm tra theo quy định.

Trên thực tế, người dân tại phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) phản ánh rằng, trong suốt thời gian qua, Công ty Dệt kim Đông Xuân đã chuyển thời gian xả thải dày đặc từ ban ngày xuống buổi tối, kéo dài tới đêm.

Cao điểm của việc xả khói than là vào 21h30 ngày 23-6 vừa qua, khi công ty này xả nghi ngút, đậm đặc, khiến hệ thống báo cháy của nhà CT1 (Chung cư Vinahud Cửu Long) hú còi.

Tuy nhiên, theo ông Thành, việc kiểm tra buổi đêm có nhiều vướng mắc, như việc chuẩn bị các máy móc, trang thiết bị, và đặc biệt là yếu tố “phải thông báo cho phía công ty và nhận được sự hợp tác”, thì mới có thể vào và kiểm tra tại miệng ống xả thải.

Có thể đây là một phần nguyên nhân lý giải tại sao trong các lần kiểm tra được cho là “đột xuất” vào các ngày 24-8-2016, 2-3-2017, 10-4-2018, 20-4-2018 của đoàn kiểm tra liên ngành của UBND quận Hai Bài Trưng, các kết quả về chất lượng nước thải công nghiệp, chất lượng không khí, chất khí thải ống khói đều… trong giới hạn cho phép (!?)

Cũng vì vấn đề có thể xem như “bất cập” nói trên, ý định của người dân về việc thuê một đơn vị kiểm định môi trường độc lập thực hiện đo mức độ ô nhiễm không khí tại khu vực chung cư Vinahud – Cửu Long (sát nhà máy của Công ty Dệt kim Đông Xuân), nhằm có thông tin tham khảo, đã không thể trở thành hiện thực.

UBND cấp quận kiểm tra, nhưng không được xử phạt

Để thực hiện phép đo kiểm tra mức độ ô nhiễm xả thải, yếu tố ràng buộc như đã nói ở trên là đoàn kiểm tra phải thông báo cho phía công ty và nhận được sự hợp tác, để đi vào trong khuôn viên thì mới có thể kiểm tra theo quy định.

Bởi thế, Sở TNMT Hà Nội đã có các văn bản đề nghị UBND quận Hai Bà Trưng tiếp tục đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn TP.

Những ống xả khói than (khoanh đỏ) của Công ty Dệt kim Đông Xuân nằm sát ngay trường mầm non đang hoạt động (khoanh xanh)

UBND quận Hai Bà Trưng đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, để xem xét việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực TNMT của Công ty Dệt kim Đông Xuân.

Và các lần kiểm tra được cho là “đột xuất” vào các ngày 24-8-2016, 2-3-2017, 10-4-2018, 20-4-2018 để xem xét các yếu tố như chất lượng nước thải công nghiệp, chất lượng không khí, chất khí thải ống khói đều trả về kết quả… trong giới hạn cho phép (!?)

Song những kết quả trên rõ ràng cần đặt dấu hỏi lớn, khi trên thực tế, những clip do người dân quay lại đã phản ánh hành vi xả thải khói than đậm đặc của Công ty Dệt kim Đông Xuân vào buổi tối, đêm và gây ngột ngạt, khó thở, cay mắt cho mọi người.

Người dân chỉ vào từng khe cửa đều phải dán băng dính để ngăn khí than thải lọt vào nhà

Trong buổi trao đổi với PV Báo ANTĐ, bà Nguyễn Phương Thảo – Phó Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường, UBND quận Hai Bà Trưng – cho biết, UBND quận đã nắm được thông tin về sự việc, song mấu chốt giải quyết lại không thuộc thẩm quyền, vì “theo Điểm k Khoản 1 Điều 52 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, thì Chủ tịch UBND cấp huyện không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và phạm vi quản lý đối với vi phạm các quy định về thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường”.

Thay vào đó, UBND cấp tỉnh mới có thẩm quyền xử lý, căn cứ trên báo cáo của cơ quan chuyên môn là Sở Tài nguyên và Môi trường.

Như vậy, câu chuyện xả thải gây bức xúc của Công ty Dệt kim Đông Xuân vẫn đang mang một dấu hỏi rất lớn về hướng giải quyết, và cần được cơ quan chức năng xem xét kỹ lưỡng trong thời gian tới.

Trong buổi làm việc với đại diện Sở TNMT Hà Nội và UBND quận Hai Bà Trưng, PV đã được cung cấp các số điện thoại đường dây nóng để người dân liên lạc khi phát hiện tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, với những bất cập như đã nêu trong bài, sẽ rất khó để giải quyết vấn đề qua phương án cấp báo này.

Ngày 8-3-2018, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản số 919/UBND-ĐT về việc thực hiện Kết luận của Thường trực Thành ủy về kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường trên địa bàn thành phố. Tại văn bản này có nội dung “Giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp lãnh đạo các Sở, ngành là thành viên Ban chỉ đạo công tác di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch đô thị nghiên cứu trình UBND TP về cơ chế, chính sách khuyến khích di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành”.

Ngày 27-6-2018, UBND quận Hai Bà Trưng tiếp tục đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo UBND TP Hà Nội đẩy nhanh tiến độ di dời Công ty Dệt kim Đông Xuân ra khỏi khu vực nội thành.