Bác tin đồn vải thiều Bắc Giang bị ép giá còn 2.000 đồng/kg

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  UBND huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) vừa có văn bản 359/UBND-KTHT về việc thông tin không chính xác liên quan đến giá thu mua vải thiều chín sớm ngày 27-5-2021.

Theo đó, UBND huyện Lục Ngạn khẳng định, thông tin vải thiều bị ép giá xuống còn 2.000 đồng/kg là không chính xác.

Trước đó, ngày 27-5, trên mạng xã hội Facebook lan truyền thông tin về trường hợp người dân đi bán vải chín sớm bị thương lái thu mua ép giá xuống còn 2.000 đồng/kg.

Dòng chia sẻ như sau: "Bắc Giang: Rơi cả nước mắt vì bị ép giá mùa vải còn 2.000 đồng/kg". Người bán bị ép giá từ 8.000 đồng/kg xuống 6.000 đồng/kg và cuối cùng là 2.000 đồng/kg.

Ngay khi nắm được thông tin này, UBND huyện đã chỉ đạo Công an huyện, các ngành chức năng, chính quyền xã Phượng Sơn tổ chức kiểm tra, xác minh.

Kết quả cho thấy, các chủ hộ thu mua vải đã ký biên bản khẳng định thông tin nêu trên là không đúng sự thật. Đồng thời, chủ hộ cũng cung cấp sổ sách ghi chép, theo dõi chi tiết việc thu mua vải trong ngày để xác thực.

Theo UBND huyện Lục Ngạn, vải thiều tại địa phương đang bước vào vụ thu hoạch vải chín sớm và các hộ trồng, kinh doanh vải thiều đang được hỗ trợ rất nhiều trong khâu tiêu thụ, lưu thông sản phẩm trong nước và xuất khẩu.

Đối với sản phẩm quả vải chất lượng cao sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobGAP, được cấp mã số vùng trồng, giá bán ổn định từ 25.000 – 30.000 đồng/kg.

Các loại vải chín sớm khác có giá bán dao động theo phân loại sản phẩm và nhu cầu thị trường.

Hiện UBND huyện Lục Ngạn đang tiếp tục điều tra, xác minh người đăng tin không chính xác nêu trên, khi có kết quả sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Lục Ngạn là huyện trồng nhiều vải thiều đứng đầu của tỉnh Bắc Giang, trong đó có nhiều vùng trồng vải đã được cấp chứng nhận VietGAP, Global GAP, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vải thiều Bắc Giang nói chung và vải thiều Lục Ngạn nói riêng đang được các bộ, ngành, địa phương tích cực hỗ trợ tiêu thụ.