Zimbabwe loay hoay với cuộc khủng hoảng tiền tệ

ANTD.VN - Hôm 12-11, đồng đôla Zimbabwe thế hệ tiếp theo được chờ đợi từ lâu cuối cùng đã xuất hiện trên đường phố. Liệu đồng tiền mới này có thể giảm bớt khủng hoảng tiền mặt kinh niên ở đất nước châu Phi này không?

Zimbabwe phát hành đồng đô la mới để giảm bớt những dòng người xếp hàng dài trước ngân hàng để đổi tiền mặt vì khan hiếm

Gason Mukuvadzi, làm việc ở trung tâm Mupedzanhamo của Mbare là một đại lý đổi tiền EcoCash. Anh kiếm sống nhờ khoản chênh lệnh trong dịch vụ chuyển đổi số dư trong ví tiền điện thoại di động của khách hàng thành tiền cứng và ngược lại. Nhưng hoạt động kinh doanh của Mukuvadzi đã bị ảnh hưởng nặng nề vào cuối tháng 9 khi Ngân hàng Dự trữ Zimbabwe tạm thời cấm và sau đó hạn chế nghiêm ngặt các dịch vụ đổi tiền do cho rằng các đại lý đã góp phần làm đồng tiền Zimdollar mất giá nhanh chóng và làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu tiền giấy và tiền xu kinh niên.

Tiền mặt và tiền điện tử

Trước tình trạng thiếu tiền mặt cấp tính - một vấn đề dai dẳng trong nhiều năm - hầu hết người dân Zimbabwe đã sử dụng điện thoại di động để thực hiện các giao dịch tài chính điện tử. Trung bình 80% giao dịch tại Zimbabwe được thực hiện trên nền tảng tiền điện thoại di động, theo Ngân hàng Trung ương Zimbabwe. Nền tảng của giao dịch đó là EcoCash, được sở hữu bởi nhà điều hành điện thoại di động lớn nhất của Zimbabwe, EEet Wireless Zimbabwe Ltd. Các đại lý EcoCash đã trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống thanh toán của Zimbabwe, với khoảng 50.000 đại lý nằm rải rác trên khắp đất nước.

Khi Ngân hàng Trung ương tuyên bố lệnh cấm đối với EcoCash vào ngày 30-9, EEet đã kiện ra tòa, cho rằng động thái này ảnh hưởng tiêu cực đến hàng triệu khách hàng vô tội. Mặc dù lệnh cấm đã được dỡ bỏ sau 3 ngày, khách hàng của EcoCash đã bị giới hạn chỉ rút tiền mặt 100 Zimdollar (5USD) một ngày kể từ tháng 10-2019. 

Các hạn chế đó gây khó khăn cho người dân vốn đã phải chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế bao gồm siêu lạm phát, tiền lương trì trệ, giá lương thực và năng lượng tăng vọt và mất điện hàng ngày. “Không có tiền tại các ngân hàng, mọi người đều dựa vào chúng tôi để lấy tiền mặt ở đây”, Killac Gohodza, một đại lý EcoCash, người cũng điều hành một gian hàng ở Mupedzanhamo của Mbare nói. 

Đối với hầu hết người dân Zimbabwe, tình trạng thiếu tiền mặt là một trở ngại rất lớn bởi có một số đại lý EcoCash chèn ép tính phí thái quá từ 40-50% cho các dịch vụ rút tiền. Bên cạnh đó, khi các dịch vụ đó bị chặn hoặc mạng EcoCash ngừng hoạt động trong thời gian mất điện, người tiêu dùng không biết xoay xở cách nào vì nhiều doanh nghiệp sẽ chỉ chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt.

Charles Pilime, một người về hưu nói rằng hồi tháng 9 vừa qua, khi dịch vụ rút tiền của EcoCash bị chặn, ông không tài nào kiếm được vé xe buýt để đi lại. “Vào những ngày đó, tôi đã phải hỏi mua lại từ những người bạn có tiền mặt. Đó là một thời gian rất khó khăn với tôi”, ông Charles Pilime nói.

Cuộc khủng hoảng kinh niên

Tình trạng thiếu tiền mặt của Zimbabwe bắt đầu từ năm 2015 khi đồng nội tệ lạm phát phi mã và đồng đô la Mỹ biến mất khỏi hệ thống ngân hàng. Trong một nỗ lực tuyệt vọng, Ngân hàng Trung ương Zimbabwe đã phát hành trái phiếu - một hình thức thay thế tiền tệ. Nhưng đầu cơ thị trường chợ đen đã nhanh chóng làm xói mòn giá trị của trái phiếu, buộc các nhà quản lý chuyển sang tiền điện tử. Đầu năm nay, trái phiếu, cả bằng tiền mặt và điện tử, đã được sáp nhập thành đồng  Zimdollar nhưng nó cũng trở thành “con mồi” cho những kẻ đầu cơ.

Vào tháng 8-2019, tỷ lệ lạm phát của Zimbabwe đã đạt 300%, mức cao nhất trên thế giới, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Hôm 12-11, Ngân hàng Trung ương Zimbabwe lại tung ra đồng đô la thế hệ tiếp theo. “Chúng tôi sẽ đảm bảo đưa dần tiền mặt vào thị trường để đảm bảo có đủ tiền mặt trong nền kinh tế. Chúng tôi tin rằng điều này cũng sẽ giúp giảm hiện tượng hàng dòng người mất công mất việc chỉ để xếp hàng ở ngân hàng chờ lấy tiền mặt”, Giám đốc Ngân hàng Trung ương John Mangudya nói.

Nhưng một số nhà kinh tế nói rằng loại tiền mới không có khả năng khắc phục khủng hoảng tiền mặt vì chúng không giải quyết được nguyên nhân cơ bản của dòng tiền lưu thông của Zimbabwe. “Nếu không giải quyết vấn đề tham nhũng thì 1 tỷ đô la mới này sau phát hành cũng chỉ đến được với ít người có đặc quyền mà không phải đa số người dân”, ông Gift Mugano, Giáo sư kinh tế tại Đại học Ezekiel Guti, Zimbabwe nhấn mạnh.