Yếu tố then chốt để trở lại cuộc sống như trước đại dịch không còn là “giấc mơ xa vời”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Người dân các quốc gia Đan Mạch, Hà Lan và Thụy Điển đang quay trở lại cuộc sống như trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, bấp chấp những rủi ro của biến thể Delta. Các nước này gần như đã dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế với quan niệm rằng, sớm hay muộn các quốc gia sẽ phải học cách “sống chung” với Covid-19. Yếu tố then chốt giúp các quốc gia này kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh là gì?

Đan Mạch đã dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế, trở thành quốc gia EU đầu tiên quay trở lại hoàn toàn với cuộc sống hàng ngày như trước khi xảy ra đại dịch, từ ngày 10-9 vừa qua. Người dân không cần đeo khẩu trang hay phải trình bằng chứng đã tiêm phòng vaccine khi tới những nơi đông người như các buổi hòa nhạc hay phòng tập thể dục. Trước đó, vào cuối tháng 8, Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Magnus Heunicke cho biết, Chính phủ tuyên bố không còn coi Covid-19 là một “căn bệnh nguy hiểm cho xã hội”.

Thụy Điển chưa từng phải áp dụng những đợt phong tỏa nghiêm ngặt và hiện giờ quốc gia này cũng đã gỡ bỏ những hạn chế cuối cùng về Covid-19. Bộ trưởng Y tế và Các vấn đề Xã hội Thụy Điển Lena Hallengren thông báo, sẽ dỡ bỏ hầu hết các hạn chế, bao gồm hạn chế về tụ tập đông người và không gian công cộng hay các khuyến cáo làm việc tại nhà vào cuối tháng 9-2021. Dù vậy, du khách đến quốc gia này vẫn phải được xét nghiệm và thực hiện các biện pháp phòng dịch nếu chưa được tiêm phòng vaccine đầy đủ.

Tương tự, tại Hà Lan, những người được tiêm chủng đầy đủ có thể tới các câu lạc bộ khiêu vũ, hay tham gia các bữa tiệc đông người mà không phải duy trì giãn cách xã hội kể từ ngày 25-9. Ở các khu vực khác nhau ở châu Âu, việc người dân được tận hưởng một cuộc sống xã hội như trước đại dịch, hoặc ít nhất là gần như bình thường, không còn là một giấc mơ xa với.

Người dân Đan Mạch không còn bắt buộc phải đeo khẩu trang khi tham gia các hoạt động công cộng

Người dân Đan Mạch không còn bắt buộc phải đeo khẩu trang khi tham gia các hoạt động công cộng

Tỷ lệ tiêm chủng cao

Đan Mạch và Thụy Điển đều có tỷ lệ tiêm chủng khá cao. Theo dự án “Our World in Data” của Đại học Oxford, ở Đan Mạch, hơn 80% người lớn đủ điều kiện được tiêm chủng đầy đủ trong khi con số này ở Thụy Điển là hơn 70%. Allan Randrup Thomsen, nhà virus học tại Đại học Copenhagen, cho biết: “Trong số những bệnh nhân và người dân dễ bị tổn thương nhất, tỷ lệ tiêm chủng chiếm tới hơn 9/10 người. Ở Hà Lan, tỷ lệ tiêm chủng là khoảng 60%, tuy nhiên Bộ trưởng Y tế Hugo de Jonge hy vọng rằng việc nới bỏ các biện pháp hạn chế sẽ giúp người dân nâng cao ý thức, thúc đẩy việc triển khai tiêm chủng.

Các biện pháp hạn chế được nới lỏng ở các quốc gia này được đưa ra vào thời điểm tỷ lệ lây nhiễm đang tăng lên ở một số nước châu Âu và nhiều nơi trên thế giới, chủ yếu là do biến thể Delta rất dễ lây lan. Bản cập nhật mới nhất cho bản đồ của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) hiển thị ít vùng màu đỏ hơn nhiều so với các tuần trước, điều đó cho thấy nhiều nơi dịch bệnh đã được kiểm soát tốt.

Trong khi đó, một số quốc quốc gia châu Âu khác có tỷ lệ tiêm chủng thấp, tình trạng dịch bệnh vẫn khá phức tạp. Với chỉ 20% dân số được tiêm chủng đầy đủ, Bulgaria đã phải áp dụng các biện pháp hạn chế xã hội và áp đặt nhiều hạn chế hơn đối với môi trường công cộng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngay cả những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn, số ca nhiễm cũng gia tăng. Chẳng hạn như nước Áo, mặc dù đã tiêm phòng cho khoảng 60% số người trưởng thành đủ điều kiện, nhưng quốc gia này đang chứng kiến sự gia tăng các ca nhiễm mới và do đó đã rút ngắn thời hạn hiệu lực của các xét nghiệm PCR âm tính, một dữ liệu bắt buộc để vào hầu hết các địa điểm công cộng. Theo dữ liệu của ECDC, Na Uy, quốc gia láng giềng của Đan Mạch và Thụy Điển, đang trải qua một làn sóng lây nhiễm mới, mặc dù có tỷ lệ tiêm chủng khoảng 70%.

Mặc dù không còn các quy định về giãn cách xã hội, nhưng các quốc gia đang được xem là kiểm soát tốt dịch bệnh như Đan Mạch, Hà Lan và Thụy Điển không hề để người dân có cảm giác “thả cửa” mà vẫn thận trọng trong từng bước. Giãn cách xã hội không còn là quy định bắt buộc ở Hà Lan, tuy nhiên, Thủ tướng Mark Rutte cho biết chính phủ sẽ bắt đầu yêu cầu cấp thẻ y tế Covid-19 để vào các địa điểm như quán bar, nhà hàng và nhà hát. Đối với những người không được tiêm chủng, cần phải có bằng chứng về việc đã khỏi bệnh sau khi nhiễm Covid-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính được thực hiện trong vòng 24 giờ để nhập cảnh.

Sự tin tưởng là yếu tố cốt lõi

Chính phủ Đan Mạch, từ cuối tháng 5-2021, đã ban hành thẻ tiêm chủng dưới dạng một ứng dụng có mã QR in hoặc “thẻ xanh” cho những người có kết quả xét nghiệm âm tính. Khi các biện pháp như vậy được áp dụng ở một số nước châu Âu, như Pháp, Italia hay Hy Lạp, thường vấp phải các ý kiến phản đối, thậm chí là các cuộc biểu tình rầm rộ. Tuy nhiên, tại Thụy Điển, Hà Lan và Đan Mạch, người dân có sự tin tưởng cao vào cách thức xử lý của Chính phủ, điều mà các chuyên gia cho rằng đã giúp các nước này đồng lòng, vững tâm hơn trong cuộc chiến chống lại đại dịch. “Chúng tôi đã có một chương trình thử nghiệm lớn, cho phép chúng tôi theo dõi những người bị nhiễm bệnh tại địa phương và các địa phương đã hoạt động rất hiệu quả”, Camilla Holten Moller, nhà dịch tễ học của Statens Serum Institut nói. “Chúng tôi có thể làm như vậy đơn giản bởi vì người Đan Mạch trong lịch sử có mức độ tin tưởng cao vào các cơ quan y tế và các chương trình vaccine”. Theo dữ liệu khảo sát của dự án nghiên cứu Covid-19 HOPE, hơn 90% người dân Đan Mạch tin tưởng các cơ quan y tế quốc gia.

Nhà chức trách 3 quốc gia này đều có nhận định thực tế về khả năng bùng phát các đợt dịch mới vào mùa thu và đặc biệt là các trường hợp số ca nhiễm tăng đột biến, nhưng họ đã đặt ra các mục tiêu chính sách về việc kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.

Holten Moller cho biết: “Tôi không nghĩ rằng Đan Mạch sẽ phải tiến hành phong tỏa đất nước lần nữa đề phòng chống dịch bệnh. Chúng tôi đã chứng minh rằng hệ thống thử nghiệm lớn của chúng tôi cho phép kiểm soát sự bùng phát dịch bệnh bằng cách phong tỏa và kiểm soát theo phạm vi địa phương”.

Chiến dịch đánh bại Covid-19 của Hà Lan, Đan Mạch và Thụy Điển đến thời điểm này có thể coi là kết thúc thắng lợi, kết quả này là một sự phối hợp cân bằng hiệu quả của các yếu tố: Kiểm soát đại dịch với những biện pháp hạn chế và biện pháp bảo vệ tốt, đồng thời mở cửa trở lại cuộc sống bình thường từng bước một cách thận trọng. Cùng với đó, điều quan trọng là tỷ lệ tiêm chủng cao giúp các quốc gia này có thể ngăn chặn hậu quả tồi tệ nhất của Covid-19 là tỷ lệ nhập viện và tử vong thấp.