Yêu thương sai lầm

ANTĐ - Bản năng làm mẹ luôn bao bọc, hy sinh mọi điều cho con. Nhưng tình yêu không phải là nuông chiều, lo lắng không có nghĩa là bao bọc đến mức biến con thành cậu ấm, cô chiêu. 
Yêu thương sai lầm ảnh 1
Yêu thương là dạy con biết cách chia sẻ công việc và chịu trách nhiệm về bản thân

Đứa trẻ to xác

Lấy chồng suốt 10 năm, chạy chữa nhiều nơi mới sinh được “mụn” nối dõi, chị Trần Thu Phương (quận Hai Bà Trưng) coi con như bảo bối, gọi con là cu “Vàng”. Từ lúc con còn ẵm ngửa đến tận lúc trưởng thành, mọi việc chị đều “làm cho con. Cơm bưng tận tay, nước rót tận miệng. Con chị cũng chỉ biết cắp sách đến trường còn học trường nào, cô nào, điểm tổng kết ra sao, chị đều lo lót trước. Khi con chị học lớp 12, người ta vẫn thấy chị xách cặp cho con từ trên gác ra tận bến xe buýt, xúc từng thìa canh, gỡ xương cá đưa vào bát cho con… Chồng chị cũng cưng nựng con chả kém. Con chỉ xích mích với bạn bè một chút, anh đã đến tận trường, tìm kẻ bắt nạt “dằn mặt”. Cu Vàng quen thói ở nhà, hô một tiếng là bố mẹ cuống cuồng phục vụ nên càng lớn càng ngông nghênh, vô lối. Nhưng chị Phương lại thích thú vì “cháu nó có tướng làm quan, ăn to, nói lớn”. Cu Vàng học hành lẹt đẹt, thi đại học cũng chỉ được 9 điểm 3 môn nên vào trường đại học dân lập. Chị Phương coi đó là thành công rực rỡ, mua xe SH, điện thoại xịn để thưởng cho con. Chị càng mừng khi cu Vàng chăm học, xin tiền mẹ đi học hết lớp tiếng Anh đến tiếng Hàn Quốc… 

Một ngày, sét đánh ngang tai khi cu Vàng bị công an bắt vì tụ tập chơi thuốc lắc, đã thế còn chống lại người thi hành công vụ. Chị Phương lao thẳng đến đồn công an, bù lu bù loa “Thằng bé nhà tôi ngoan ngoãn, chỉn chu, con kiến còn chẳng dám động đến”. Nhưng biên bản đã ghi rõ, con chị cũng cúi đầu nhận lỗi. Chị xin cho con được tại ngoại. Cùng lúc, nhà trường cũng ra thông báo đuổi học vì con chị học cả năm mà đến trường được 2 ngày, còn kéo lên ký túc xá nhậu say xỉn. Chị Phương ôm con khóc lóc, thương thằng bé ngây thơ bị kẻ xấu dụ dỗ… 

Chị Phạm Hoài Minh (Ba Đình) cũng xoay mòng mòng vì chăm cháu cho con gái. Nhà chỉ có mình cô con gái rượu, lại thông minh, chăm học nên anh chị trút cả hy vọng vào con. Tốt nghiệp ĐH, rồi Thạc sĩ loại xuất sắc, 3 bằng ngoại ngữ loại giỏi, con chị đi đến đâu cũng được các cơ quan săn đón. Chị nở mày nở mặt. Vì thương con học hành vất vả nên việc nhà chị làm hết, cũng chẳng để tâm dạy con mấy việc bếp núc. Có lần bận quá, chị nhờ con nấu cơm nó cho gạo, chẳng cho nước, cơm thành gạo rang. Khi con lấy chồng, ở riêng, chị Minh cũng biết “điểm yếu” của con nên dặn con chiều chiều về ăn cơm với bố mẹ “cho vui” và cứ cách nhật lại qua thu dọn nhà cửa cho con. Đến khi con gái có thai thì về nhà ở hẳn với mẹ đẻ. Chị Minh lại chăm sóc con như hồi con… còn nhỏ. Chẳng những thế, thi thoảng chị lại nghe con gái trách móc: “Sao mẹ sinh con là phụ nữ làm gì, phải chửa đẻ mệt mỏi quá”. Cháu sinh xong, con chị chả đoái hoài mà giao thẳng cho mẹ. Bé khát sữa đòi bú, con chị mải ngủ, nhất định không chịu dậy, chị lại lọ mọ pha sữa cho cháu. Đống tã lót cũng chất ngất lên để bà giặt. Đã thế, chị cứ chậm tay là con gái lại gọi thất thanh: “Bà lên thay tã đi, thối quá, không chịu được” hoặc “Bà dỗ nó nín đi, khóc điếc hết tai” Mắng con thì sợ con rể cười chê, chị Minh có ấm ức, mệt mỏi cũng không dám cự nự lại con gái. 

Hỏng con

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy (nguyên Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô) cho biết, rất nhiều bà mẹ, ông bố đã nuông chiều con một cách thái quá. Họ phục vụ, thỏa mãn mọi điều kiện của con, khiến con thấy mình như “cái rốn của vũ trụ” nên hình thành ý thức muốn gì được nấy. Những đứa trẻ này trở nên thiếu tính độc lập, dựa dẫm, sống rụt rè, thiếu năng lực xử lý vấn đề. Chúng chỉ chú ý tới ham muốn của bản thân mà không để ý đến lợi ích của người khác. “Bố mẹ trở thành chiếc chìa khoá vạn năng, con đang học mẫu giáo thì giúp con ăn, ngủ, chơi. Con đi học cấp I thì làm bài hộ con. Con học cấp II thì chạy thầy, chạy trường cho con. Con học đại học thì chạy điểm cho con. Con ra trường thì chạy việc cho con. Đừng chỉ biết trách lũ trẻ đang quá ích kỷ và vô tâm”, chuyên gia tâm lý Lê Thị Tuý nhận xét. Theo bà Túy, những “cậu ấm, cô chiêu” sẽ dễ rơi vào lối sống buông thả, thiếu sự kiềm chế, dễ ganh tỵ, không khiêm nhường, a dua… Những tính cách khiến bạn trẻ dễ bị lôi kéo vào con đường nghiện ngập và phạm tội. 

“Xã hội ngày càng văn minh, hiện đại, con người cần nhiều kỹ năng sống để có thể tự mình chịu trách nhiệm về hành động của mình. Những cô chiêu, cậu ấm chẳng thể nào “tồn tại”. Không thể biết cách tìm kiếm và xây dựng hạnh phúc cho mình nếu như chỉ trông chờ, ỉ lại vào sự giúp đỡ của người khác. Do đó, các bà mẹ yêu con phải biết cách dạy con sống tự lập, biết tự thân vận động” – TS Phan Quốc Việt-Giám đốc Trung tâm Phát triển kỹ năng con người Tâm Việt.