Yêu sách đòi chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc là bất hợp pháp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc Mỹ lần đầu tiên chính thức công khai lập trường bác bỏ những yêu sách đòi chủ quyền phi lý và phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông được xem như là “bom tấn” dội xuống tham vọng của Trung Quốc tại vùng biển chiến lược này, mở đường cho những hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn của không chỉ Mỹ mà còn nhiều quốc gia khác.

Yêu sách đòi chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc là bất hợp pháp ảnh 1Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo giáng đòn nặng vào tham vọng của Trung Quốc khi tuyên bố bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông

Không có căn cứ pháp lý để đơn phương áp đặt yêu sách đòi chủ quyền ở Biển Đông 

Trong tuyên bố được đăng tải ngày 13-7 trên trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh: “Các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các tài nguyên ở ngoài khơi trên hầu khắp Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, do Bắc Kinh đang thực thi chiến dịch hăm dọa nhằm kiểm soát các nguồn tài nguyên này”. Đây cũng chính là tuyên bố khẳng định lập trường, quan điểm chính thức ở cấp cao nhất của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông.

Trong tuyên bố của mình, Ngoại trưởng Mike Pompeo nêu rõ Mỹ bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại các vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính của Việt Nam, bãi cạn Luconia ở ngoài khơi Malaysia, các vùng biển được coi là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Brunei và đảo Natuna Lớn thuộc quần đảo Natuna ở ngoài khơi Indonesia.

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, bất kỳ hành động nào của Trung Quốc nhằm quấy nhiễu hoạt động đánh bắt cá hay khai thác dầu mỏ của các nước khác tại các vùng biển này, hoặc tiến hành các hành động như vậy một cách đơn phương, đều bất hợp pháp.

Người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ khẳng định, Trung Quốc không có căn cứ pháp lý nào để đơn phương áp đặt yêu sách đòi chủ quyền ở Biển Đông, không đưa ra cơ sở pháp lý rõ ràng nào cho yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông kể từ khi Bắc Kinh chính thức công bố vào năm 2009.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, Tòa trọng tài thường trực (PCA - Tòa Trọng tài được thành lập theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc là một thành viên) tại phán quyết được đồng thuận ngày 12-7-2016 về vụ kiện Trung Quốc của Philippines đã bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông vì không có căn cứ dựa trên luật pháp quốc tế. 

Hoàn toàn không có cơ sở pháp lý để đòi chủ quyền ở Biển Đông, song theo Ngoại trưởng Mỹ, Trung Quốc lại sử dụng sự hăm dọa nhằm làm suy yếu quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển ở Đông Nam Á, bắt nạt các nước này trong vấn đề tài nguyên ngoài khơi, khẳng định sự thống trị đơn phương và thay thế luật pháp quốc tế bằng “chân lý thuộc về kẻ mạnh”.

Ông Mike Pompeo vạch rõ, phương pháp tiếp cận này của Bắc Kinh đã được thể hiện rõ trong nhiều năm và dẫn chứng năm 2010, Bộ trưởng Ngoại giao của Trung Quốc khi đó là ông Dương Khiết Trì đã tuyên bố với những người đồng cấp ASEAN: “Trung Quốc là một nước lớn và các quốc gia khác là nước nhỏ và đó là sự thật”. 

Cùng với việc bác bỏ yêu sách chủ quyền cũng như chỉ rõ những hành vi hăm dọa, bắt nạt của Trung Quốc với các quốc gia Đông Nam Á để đòi chủ quyền phi lý và phi pháp, Ngoại trưởng Mỹ cam kết nỗ lực gìn giữ hòa bình và ổn định, đảm bảo sự tự do ở Biển Đông theo hướng phù hợp với luật pháp quốc tế, duy trì dòng chảy thương mại không bị cản trở và phản đối mọi âm mưu sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực nhằm giải quyết các tranh chấp. Ông Mike Pompeo một lần nữa khẳng định, Washington “chia sẻ những lợi ích sâu sắc và kiên định với các đối tác và đồng minh của Mỹ, những người lâu nay ủng hộ một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”.

Mạnh mẽ, cứng rắn hơn đáp trả tham vọng của Trung Quốc

Dù tuyên bố là quốc gia Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương và có lợi ích chiến lược sống còn tại khu vực này, nhưng trong các tuyên bố chính thức, nhất là ở cấp cao như hoạch định chính sách, Mỹ chưa khẳng định lập trường và quan điểm về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, chưa công khai tuyên bố đứng về phía nào trong tranh chấp này. Thay vào đó, Mỹ chỉ tuyên bố về việc phải đảm bảo tự do hàng hải, hàng không cũng như không chấp nhận những hành vi đe dọa, bắt nạt ở Biển Đông.

Thế nên, bất chấp Mỹ đã có những hoạt động nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, Trung Quốc vẫn ráo riết tiến hành quân sự hóa cũng như hăm dọa và bắt nạt các quốc gia trong khu vực. Trung Quốc đến nay đã gần như hoàn tất việc quân sự hóa Biển Đông khi biến các đảo, thực thể mà nước này chiếm đóng trái phép tại hai quần đảo Hoảng Sa và Trường Sa của Việt Nam thành các căn cứ quân sự quy mô lớn, làm bàn đạp cho việc dùng sức mạnh quân sự để áp đặt yêu sách chủ quyền phi pháp tại vùng biển này.

Cùng với những căn cứ quân sự phi pháp đó, Trung Quốc đã phát triển lực lượng hải quân ngày càng hiện đại với nòng cốt là “bộ ba”: biên đội tác chiến tàu sân bay - tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang tên lửa đạn đạo - tàu khu trục tàng hình mang tên lửa dẫn đường. Trung Quốc cũng đồng thời phát triển lực lượng bán quân sự gồm tàu hải cảnh, hải giám và tàu cá vũ trang có quy mô vượt trội rất xa so với các quốc gia khác quanh Biển Đông.

Sức mạnh quân sự áp đảo của Trung Quốc đã làm thay đổi cơ bản cán cân lực lượng ở Biển Đông. Cán cân sức mạnh càng nghiêng về Trung Quốc càng khiến nước này ráo riết và hung hăng hơn trong việc dùng sức mạnh để áp đặt yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.

Trung Quốc một khi biến Biển Đông thành “ao nhà”, thành “đế chế của riêng mình” sẽ vi phạm nghiêm trọng chủ quyền hợp pháp của các bên khác ở Biển Đông, đồng thời đe dọa nghiêm trọng lợi ích của các quốc gia liên quan. Đây chính là điều mà Mỹ - một cường quốc toàn cầu, có lợi ích sống còn ở Biển Đông - không thể chấp nhận và ngồi yên để Trung Quốc dần gạt mình “ra rìa” tại vùng biển chiến lược quan trọng này.

Muốn trực tiếp “ra mặt” ngăn chặn tham vọng “độc chiếm” Biển Đông của Trung Quốc cũng như hậu thuẫn cho các quốc gia Đông Nam Á trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền hợp pháp ở Biển Đông, Mỹ trước hết cần có cơ sở pháp lý “danh chính ngôn thuận”. Đó chính là lập trường bác bỏ yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. 

Tuyên bố ngày 13-7 của Ngoại trưởng Mike Pompeo vì thế cũng chính là cơ sở pháp lý để Mỹ thực thi các biện pháp tiếp theo mạnh mẽ, cứng rắn và trực diện hơn trên thực tế nhằm bác bỏ những yêu sách đòi chủ quyền phi lý và phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Lập trường rõ ràng, dứt khoát theo luật pháp quốc tế và đứng hẳn về phía các nước Đông Nam Á có chủ quyền hợp pháp ở Biển Đông này của Mỹ được cho là cũng tạo sự hậu thuẫn lớn cho các quốc gia khu vực cũng như các hành động pháp lý quốc tế khác trong việc bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình, đấu tranh và hợp tác đấu tranh mạnh mẽ hơn nhằm chống các hành vi, việc làm đòi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.