Yếu không... ra gió

(ANTĐ) - Nếu như “thời tiết” kinh tế không xảy ra khủng hoảng trên thế giới, không suy thoái hoặc lạm phát ở trong nước, người ta thường đánh giá các doanh nghiệp tư nhân nước ta một cách rất chung chung. Chẳng hạn như: quy mô nhỏ bé, vốn liếng còi cọc, sức cạnh tranh yếu. Chỉ khi nền kinh tế thực sự lao đao trước những biến động tiêu cực của tình hình kinh tế vĩ mô, những điểm yếu cố hữu của khu vực kinh tế tư nhân mới thực sự phơi lộ rõ. Chính trong năm 2011 này, hầu hết các doanh nghiệp đều phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh “cầm hơi”, cố gắng đứng vững qua cơn sóng gió lớn này.

Thực ra đã có khá nhiều cuộc “mổ xẻ” khối doanh nghiệp tư nhân, song vẫn chưa tìm “trúng” bệnh nên chưa thể đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả. Điểm yếu đầu tiên dễ nhận thấy là phần lớn doanh nghiệp đều có “gốc rễ” từ gia đình, vì thế tính minh bạch trong quản trị và điều hành rất yếu. Chỉ có ông chủ hoặc một vài “yếu nhân” nắm được nội tình doanh nghiệp, thông tin bị nhiễu khiến ngay cả người ra quyết định cũng không nắm chắc được toàn bộ tình hình. Cấp dưới đều hầu như chỉ “vâng dạ” làm theo chỉ bảo của sếp. Ngay cả cơ chế hỗ trợ năng lực như tổ chức tư vấn cho doanh nghiệp cũng vô dụng vì  không dám chẩn đoán đúng “bệnh” thì chắc chắn sẽ bốc nhầm thuốc. Cho tới nay, rất hiếm doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng “gia đình trị” để vươn tới cung cách tổ chức và quản lý công ty hiện đại. Chính hệ quả của mô hình “công ty gia đình” khiến cho nhiều doanh nghiệp không muốn áp dụng hệ thống quản trị tài chính và điều hành chuyên nghiệp vì thói quen quản trị theo truyền thống “gia đình trị”. Đã có một vài doanh nghiệp mạnh dạn tuyển giám đốc tài chính giỏi để thử nghiệm xây dựng hệ thống tài chính chuyên nghiệp. Tiếc thay, chỉ sau một thời gian ngắn, công ty buộc phải sa thải những người này chỉ vì “máu cũ” và “máu mới” không thể trộn lẫn được trong một “cơ chế” doanh nghiệp vốn “đậm máu” tư hữu. Một điểm yếu “cốt tử” là nhiều doanh nghiệp tư nhân được khai sinh từ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, rơi vào tình trạng rắc rối giữa chủ và người làm thuê. Ban lãnh đạo doanh nghiệp chỉ sở hữu một số cổ phần trong công ty, nhưng lại nắm chắc vị trí lãnh đạo. Họ không thực sự đại diện cho lợi ích của cổ đông và cũng chẳng bị sức ép nếu làm không tốt thì sẽ mất ghế. Thế nhưng, thực tế đang diễn ra là, ban lãnh đạo doanh nghiệp tìm mọi cách trục lợi riêng, không hết lòng, hết sức vì lợi nhuận chung. Họ “đẻ” ra các công ty vệ tinh do họ và người trong nhà sở hữu. Đây chính là “sân sau” để chuyển khách hàng và doanh thu; thông qua chuyển giá để đẩy lợi nhuận từ công ty mẹ sang. Thậm chí, bán cổ phần ở công ty vệ tinh cho công ty mẹ với giá “cắt cổ”, nhận các khoản vay tài chính từ công ty mẹ với lãi suất ưu đãi. Các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo, tình trạng này phổ biến đến mức trở thành chuyện nghiễm nhiên được thừa nhận. Đến nay, một số doanh nghiệp tư nhân đã qua giai đoạn “doanh thu ảo, lợi nhuận ảo”, bây giờ phải doanh thu thật, điều chỉnh các kết quả sản xuất kinh doanh, dẫn đến những cú sốc tưởng như bất ngờ.

Chẳng có gì là bất ngờ khi “nội soi” nội tạng của khu vực doanh nghiệp tư nhân mới phát hiện ra những “di căn” và “biến chứng”. Từ đó hiểu vì sao yếu không “ra gió” cạnh tranh trên thương trường khu vực và thế giới. Để chữa trị và vực dậy cần một thời gian khá dài và phải chịu đau đớn.