Yếu điểm thành điểm yếu

ANTĐ - Theo số liệu thống kê, năm 2011 cả nước có 510.000 doanh nghiệp, trong đó có tới 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khoảng 20% khu vực này có chất lượng nguồn nhân lực cực thấp hầu như là lao động thủ công chỉ có… hai bàn tay trắng. Tính một cách “rộng rãi”, mới có khoảng 25% lực lượng lao động trong khối doanh nghiệp đông đúc này đã qua đào tạo nghề. Cái lợi thế nguồn lao động dồi dào, trẻ khỏe và giá rẻ của Việt Nam hiện đang mất dần.

Ảnh: VOV

Thiếu và yếu lao động lành nghề là một rào cản lớn rất khó vượt qua đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. Đó là kết luận được rút ra tại diễn đàn phát triển cộng đồng với chủ đề “Nâng cao vai trò của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong giáo dục dạy nghề cộng đồng” do Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội.

Theo số liệu của Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, khu vực doanh nghiệp này chiếm đến 96% tổng số các doanh nghiệp ra đời và tạo ra tới 40% GDP. Sự gia tăng nhanh chóng của các doanh nghiệp này, được ghi nhận có những đóng góp không nhỏ cho tăng trưởng cao và ổn định kinh tế. Sự nở rộ và linh hoạt của các doanh nghiệp ở cả thành thị và nông thôn đã thu hút một lực lượng lao động khá lớn, nhất là lao động nông nghiệp và nông thôn. Bằng chứng là đã tạo ra công ăn việc làm cho 49% lao động phi nông nghiệp trong khu vực nông thôn, trở thành động lực thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn.

Hơn thế, đây còn là “sân sau” của những lao động mất việc làm “sa cơ” từ các doanh nghiệp, công ty Nhà nước. Dẫu vậy, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề, một trong những trở ngại lớn nhất của khu vực này là kỹ năng nghề nghiệp cũng như trình độ học vấn của người lao động quá thấp, số người được đào tạo nghề chỉ chiếm ¼ trong tổng số lao động. Đấy chính là điểm yếu cố hữu hạn chế năng suất lao động và năng lực cạnh tranh. Mối liên kết giữa trường đào tạo nghề và doanh nghiệp để đáp ứng nguồn nhân lực, khá lỏng lẻo và nhiều “kẽ hở”. Nhà trường phải là nơi cho “ra lò” nguồn nhân lực chất lượng cao, những “sản phẩm” đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp.

Đành rằng trong thị trường lao động hiện nay không thiếu những người có đầy đủ bằng cấp chứng chỉ hành nghề đang khao khát  tìm kiếm công ăn việc làm. Song để tuyển dụng được số lao động đáp ứng trúng yêu cầu chuyên môn của doanh nghiệp lại không nhiều và lại phải được doanh nghiệp bỏ tiền ra đào tạo lại mới có thể sử dụng được. Tình trạng “người đi tìm việc, việc đi tìm người” vẫn là vòng luẩn quẩn chưa có lối thoát khả dĩ. Đã có một số cơ sở dạy nghề tới “gõ cửa” các doanh nghiệp để khảo sát, tìm hiểu nhu cầu lao động thực sự. Cũng đã có một số doanh nghiệp “gõ cửa” các trường để “đặt hàng” đào tạo lao động lành nghề, đồng thời tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên các trường đến thực tập tốt nghiệp ngay tại doanh nghiệp. Những mối quan hệ “có đi có lại” này vẫn còn khá hiếm. Đôi bên vẫn chỉ trông chờ vào những hội chợ việc làm khá ồn ào nhưng thu hoạch chẳng được là bao.

Sắp tới, Tổng cục Dạy nghề dự định thành lập Quỹ phát triển dạy nghề, nhằm “đốc thúc” doanh nghiệp chủ động liên kết đào tạo nghề. Lâu nay, một số yếu điểm của nước ta đã biến thành điểm yếu như tài nguyên thiên nhiên, nguồn thủy điện, các cảng biển. Nguồn nhân lực, nhân công là một yếu điểm thành điểm yếu thật đáng lo ngại.