Yêu con quá là làm khổ con

ANTĐ - Đối với trẻ ở bậc học mầm non, tiểu học, hợp tác nhằm thống nhất việc giáo dục giữa nhà trường và gia đình rất quan trọng, song trên thực tế không ít phụ huynh đã phớt lờ điều này, thậm chí đòi hỏi con mình phải được “ưu tiên” hơn so với trẻ khác… 

Chiều con thái quá khiến trẻ khó hòa nhập với bạn bè. Ảnh: PHÚ KHÁNH

(Trong ảnh: Học sinh trường tiểu học Kim Liên, Hà Nội vui chơi trong giờ giải lao)

Cưng chiều thái quá

Cưng chiều con một cách thái quá, luôn đòi hỏi con mình phải được “nâng như nâng trứng” nên chị Nguyễn Thanh Thúy, ở phường giảng Võ, quận Ba Đình đã đưa ra một số yêu sách với nhà trường ngay ngày đầu tiên cho con nhập học. Theo giải thích của chị Thúy, hai vợ chồng chị mong mỏi mãi mới được mụn con nên chị luôn muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con. Từ bữa ăn, giấc ngủ đến sinh hoạt hàng ngày của cô bé đều được vợ chồng chị chăm sóc từng li, từng tí. Mặc dù cô bé đã lên 4, nhưng đi đâu chị cũng bế trên tay, ngay cả việc đi vệ sinh chị cũng không bao giờ để con tự làm. Chính vì vậy, mãi đến 4 tuổi nghe mọi người trong gia đình khuyên nếu không cho con đến lớp học cùng các bạn, cô bé sẽ ích kỷ và thiếu tính tự lập nên cuối cùng chị Thúy đành miễn cưỡng gửi con ở một trường mầm non tư thục. Tuy nhiên, ngày đầu tiên đến lớp, sợ “cục vàng” không biết cách đi vệ sinh một mình, chị Thuý đưa ra “tối hậu thư”, mỗi ngày vào giữa buổi, chị sẽ đến lớp để giúp con… đi vệ sinh. Không được giáo viên đồng ý, chị Thúy đã tỏ thái độ thiếu thiện chí, thậm chí còn tuyên bố chắc nịch: “Tôi mất tiền gửi con nên có quyền đưa ra những yêu cầu đối với nhà trường. Hơn nữa, ở nhà cháu thường được mẹ giúp đỡ trong mọi sinh hoạt, lỡ con tôi có vấn đề gì, liệu nhà trường có đền nổi không?...”.

Cũng được liệt vào hàng chiều con như chị Thuý, chị Phan Thu Hằng, ở phường Quảng An, quận Tây Hồ khăng khăng cho rằng cậu con trai “cưng” không thể tự xúc ăn như bạn bè cùng trang lứa. Và để yên tâm, chị đã đưa ra yêu cầu đặc biệt là vào các bữa trưa hàng ngày chị sẽ đến trường để cho con ăn cơm. “Con tôi chỉ chịu ăn khi nghe nhạc của Justin Bieber. Tuy đã gần 5 tuổi nhưng tôi phải ngồi cạnh và xúc cơm thì cháu mới ăn. Vì vậy, tôi sợ đến lớp cô giáo bắt các cháu tự ăn thì con tôi sẽ bị bỏ đói mất…”, chị Hằng giãi bày. Sau khi bị nhà trường kiên quyết từ chối yêu cầu của mình, chị Hằng cho rằng nhà trường không hợp tác nên đã xin chuyển trường cho con. 

Những trường hợp nêu trên không phải là cá biệt, bởi trên thực tế, không ít phụ huynh còn có những đòi hỏi khá lạ lùng như họ nhất quyết đòi hỏi con mình phải được ngồi bàn đầu cho dù con em họ thuộc loại cao lớn nhất lớp, hay đòi hỏi con mình phải có suất ăn riêng, đặc biệt ngay tại trường, thậm chí là được ngủ ở một góc riêng, một tấm đệm riêng,…

Dạy trẻ cách tự lập và đối xử hòa đồng với các bạn trong lớp 

là cách tốt nhất để trẻ phát triển hoàn thiện về nhân cách

(Ảnh minh họa)

Dạy trẻ biết tự lập, hòa đồng

Không ít phụ huynh cho rằng, gia đình họ thuê người giúp việc để phục vụ mọi sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Và những đứa trẻ này được nuông chiều từ trong trứng nước, không phải động tay động chân việc gì. Cô Dương Mỹ Duyên, giáo viên một trường tiểu học ở quận Hoàn Kiếm cho hay, một số phụ huynh còn đến trường kiểm tra việc dạy học của giáo viên, nhắc các cô phải làm thế này, thế kia. Khi thấy con mình phải làm những việc như xếp dọn đồ chơi, tự xúc ăn, họ còn cho rằng đó là việc của giáo viên. 

Chị Trần Thu Giang - có con đang học tiểu học kể lại, một lần đến đón con sớm chị đã chứng kiến một phụ huynh vì muốn giành đồ chơi của cậu bạn cùng lớp cho con, đã thản nhiên giật đồ chơi của cậu bé đưa cho con mình. Khi cậu bé này khóc, vị phụ huynh này còn thản nhiên doạ nạt. Nhìn thấy sự việc, chị Giang đã phản ánh với giáo viên đứng lớp. Khi được giáo viên giải thích, nhắc nhở, vị phụ huynh này còn bù lu, bù loa, khiến mọi người phát hoảng. “Cách hành xử bạo lực của bố mẹ, cho dù đối với bất kỳ ai đều tác động không tốt đến nhận thức của trẻ. Những hình ảnh bạo lực sẽ tác động đến sự phát triển của trẻ, những đứa trẻ tiếp xúc với môi trường bạo lực từ nhỏ khi lớn lên có xu hướng hành xử bạo lực hoặc quen với việc bị bạo lực” - Tiến sĩ, bác sĩ Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và phát triển cộng đồng nhận xét.

Cũng theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Tuấn, cách hành xử của phụ huynh không chỉ ảnh hưởng đến việc phát triển nhân cách của trẻ mà còn tác động đến thái độ của bạn bè, thầy cô đối với đứa trẻ đó. Nhiều giáo viên thừa nhận, họ rất ngại va chạm, mất thiện cảm đối với những đứa trẻ có phụ huynh luôn muốn con mình được đối xử đặc biệt và những đứa trẻ này cũng rất ít bạn bè. Bởi, nhiều phụ huynh sợ rằng nếu con mình chơi và tiếp xúc với những đứa trẻ này sẽ bị ảnh hưởng những thói quen xấu. Như vậy, vô tình các bậc phụ huynh cưng chiều con một cách thái quá đã biến chúng trở thành đứa trẻ cá biệt trong mắt người khác. Tạo cho trẻ cách sống tự lập và hướng trẻ trở thành một người biết yêu thương, hoà đồng chính là những gì tốt đẹp nhất mà các bậc phụ huynh nên dành để thể hiện tình yêu đối với những đứa con của mình.