Yêu cầu rà soát xà phòng rửa tay chứa 19 chất cấm

ANTD.VN - Ngày 13-9, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cho biết cơ quan này đã có văn bản yêu cầu các nhà sản xuất, nhập khẩu xà phòng tại Việt Nam báo cáo các sản phẩm xà phòng diệt khuẩn chứa 19 chất cấm trong danh sách FDA Hoa Kỳ liệt kê. 
Ngày 13-9, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cho biết cơ quan này đã có văn bản yêu cầu các nhà sản xuất, nhập khẩu xà phòng tại Việt Nam báo cáo các sản phẩm xà phòng diệt khuẩn chứa 19 chất cấm trong danh sách FDA Hoa Kỳ liệt kê.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược Hoa Kỳ (FDA) vừa liệt kê 19 hoá chất bị cấm trong thành phần rửa tay diệt khuẩn, phổ biến nhất là triclosan, triclocarban. Tại Hoa Kỳ, bắt đầu từ tháng 9 này, bất kỳ sản phẩm rửa tay nào chứa 1 trong các chất nói trên sẽ bị cấm lưu thông.

Bộ Y tế yêu cầu rà soát các sản phẩm xà phòng chứa chất cấm (ảnh minh họa)

Trước lệnh cấm nói trên, Cục Quản lý Dược đã yêu cầu các nhà sản xuất, nhập khẩu tại Việt Nam rà soát lại thành phần các sản phẩm rửa tay diệt khuẩn đang có mặt trên thị trường nước ta để báo cáo về Cục. Sản phẩm nằm trong phạm vi báo cáo là các dạng xà phòng kháng khuẩn sử dụng để rửa tay với nước và phải xả sạch bằng nước sau khi sử dụng (xà phòng lỏng và xà phòng bánh).

Bước đầu, một nhà sản xuất xà phòng lớn cho biết, trước đây họ từng dùng một số chất cấm trong danh sách FDA liệt kê nhưng từ năm 2014 đã thay thế bằng thành phần khác.

Theo FDA, việc sử dụng xà phòng diệt khuẩn không tốt hơn so với xà phòng thông thường. Nhiều nghiên cứu còn chỉ ra các thành phần kháng khuẩn còn có thể gây nguy hại cho sức khoẻ như làm kháng thuốc hoặc ảnh hưởng đến nội tiết tố khi sử dụng lâu dài.

Do đó FDA khuyến cáo, để ngăn chặn mầm bệnh người tiêu dùng chỉ cần rửa tay bằng xà phòng thông thường. Trường hợp không có xà phòng, buộc phải dùng chế phẩm sát khuẩn khô như biện pháp thay thế, FDA khuyến cáo nên chọn các sản phẩm chứa ít nhất 60% cồn.

Được biết, do Việt Nam tham gia hiệp định chung với các nước ASEAN về quản lý mỹ phẩm nên danh mục hóa chất bị FDA cấm sử dụng sẽ được đưa ra bàn thảo tại hội nghị chung vào tháng 11 tới, nhằm có biện pháp ứng xử với các sản phẩm mỹ phẩm, dược phẩm tại ASEAN và Việt Nam có 1 trong số 19 chất đã bị phía Hoa Kỳ cấm.