Yêu cầu làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra mất cắp cổ vật ở nhiều đình, chùa Hà Nội

ANTD.VN -Liên quan đến vụ việc mất cắp số lượng lớn hiện vật, cổ vật xảy ra tại 4 di tích trên địa bàn huyện Thanh Oai (Hà Nội) cuối tháng 3, đầu tháng 4/2020, Cục Di sản Văn hóa, Bộ VHTT&DL vừa có công văn số 248/DSVH-DT gửi Sở VHTT Hà Nội yêu cầu tăng cường bảo vệ hiện vật lưu giữ tại các di tích trên địa bàn TP. Hà Nội.

Chùa Bối Khê từng được xếp hạng di tích Quốc gia, chùa là nơi lưu giữ nhiều di vật và đặc biệt giá trị về kiến trúc (ảnh Hồ Hạ)

Công văn nhấn mạnh: “Các vụ trộm cắp xảy ra đồng thời vào lúc cả nước đang phòng, chống dịch Covid-19 cho thấy sự phức tạp của vụ việc”.

Công văn do Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền ký đề nghị Sở VHTT Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp chính quyền địa phương cung cấp thông tin về hiện vật tại các di tích bị mất cắp và đề xuất biện pháp bảo vệ di tích. Báo cáo UBND TP chỉ đạo cơ quan điều tra và các cơ quan chức năng có liên quan, nhanh chóng tổ chức truy tìm, trả lại hiện vật bị mất cắp cho di tích, làm rõ trách nhiệm của tổ chức cá nhân để xảy ra vụ việc.

Thực tế, trong suốt thời gian qua, nguy cơ mất cắp cổ vật, hiện vật trong di tích luôn thường trực. Điều này cũng đã nhiều lần được Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTT&DL) cảnh báo, nhắc nhở thường xuyên. Gần đây nhất, tại Công văn số 2009/BVHTTDL-DSVH ngày 28.5.2019 của Bộ VHTTDL gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ VHTT&DL nêu thực trạng, một số địa phương chưa chủ động trong việc kiểm kê, xếp hạng di tích; tình trạng mất cắp hiện vật, cháy ở di tích vẫn tiếp tục xảy ra hàng năm...

Bộ VHTT&DL đề nghị các địa phương rà soát, hoàn thiện quy trình kiểm kê di tích trên địa bàn bảo đảm chặt chẽ, khoa học; chủ động nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích để bảo vệ theo quy định pháp luật (ảnh Hồ Hạ)

Để tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị di tích, Bộ VHTT&DL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ chỉ đạo các Sở VHTT&DL, Sở VHTT, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch và UBND các quận, huyện, thành phố, thị xã trực thuộc phối hợp với Ủy ban MTTQ cùng cấp tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật về di sản văn hóa; mở cuộc vận động tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân địa phương  để quán triệt pháp luật về di sản văn hóa đến các tổ chức đoàn thể xã hội, các hội và mọi người dân.

Đối với tình trạng mất cắp hiện vật, cổ vật ở di tích, Bộ VHTT&DL đề nghị quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp xã, phường, thị trấn  trong việc bảo vệ di tích trên địa bàn và cơ chế phối hợp quản lý giữa UBND cấp xã với tổ chức quản lý di tích, hoặc người được giao trông coi di tích.

Đồng thời, tăng cường tuần tra, canh gác kết hợp lắp đặt thiết bị bảo vệ nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm di tích. Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý di tích, quản lý các dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích cho cán bộ cấp huyện, xã có liên quan và người trực tiếp trông coi di tích. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở địa phương, kiên quyết xử lý các vụ việc vi phạm làm ảnh hưởng tới giá trị di tích.

Bộ VHTT&DL cũng đề nghị các địa phương rà soát, hoàn thiện quy trình kiểm kê di tích trên địa bàn bảo đảm chặt chẽ, khoa học; chủ động nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích để bảo vệ theo quy định pháp luật.

Quản lý nghiêm hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan. Phát huy vai trò giám sát của cộng đồng  để kịp thời phát hiện, điều chỉnh những sai sót có thể xảy ra trong quá trình triển khai các dự án tu bổ di tích, tránh để xảy ra sai phạm sau đó mới xử lý nhằm bảo vệ tối đa  các yếu tố  gốc cấu thành di tích, kể cả đối với những di tích chưa được xếp hạng.

  Chuông đồng chùa Dư Dụ vừa bị mất cắp nặng 200kg, niên đại thời Nguyễn

Cũng liên quan đến sự việc mất cắp cổ vật, hiện vật đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại 4 di tích trên địa bàn huyện Thanh Oai, Hà Nội, ngày 22/4, Sở VHTT Hà Nội đã có văn bản số 59/BC-SVHTT gửi UBND TP Hà Nội về việc mất cắp di vật, hiện vật.

Cụ thể, ngày 13/3, kẻ gian cậy cửa, đột nhập vào chùa Bối Khê- Di tích Quốc gia (thôn Song Khê, xã Tam Hưng) lấy đi 1 pho tượng Thích Ca sơ sinh đứng trong vòm cầu tại vị trí phía ngoài ống muống, giáp với tiền đường. Theo mô tả của người dân và sư trông nom chùa, đây là pho tượng cũ, có mầu đen, một số trên thân tượng có dấu vết sơn son thếp vàng đã nhạt, hiện chưa xác định được niên đại cùng chất liệu tạo tác.

Theo thông tin riêng của Báo An ninh Thủ đô, đây là lần thứ 3 pho tượng này bị mất cắp.  2 lần mất cắp trước đều được cơ quan chức năng tìm thấy và trao trả lại cho chùa.

Ngày 16/3, đình Đại Định (thôn Đại Định, xã Tam Hưng) - di tích nằm trong danh mục kiểm kê đã được UBND TP phê duyệt vào năm 2016 bị kẻ gian cắt khoá, phá cửa đột nhập lấy đi hai bộ chấp kích gồm 16 binh khí đặt hai bên gian Đại bái cùng 2 đỉnh đồng, 2 cây nến đồng và 1 bình sứ cổ.

Ngày 29/3, tại chùa Dư Dụ - xã Thanh Thùy (chùa được xếp hạng di tích cấp Quốc gia, hiện đang trong quá trình hoàn thiện tu bổ, tôn tạo) kẻ gian cắt khoá lấy trộm 1quả chuông bằng đồng nặng 200kg có niên đại thời Nguyễn, 2 bát bình hương cổ (đặt tại Tam bảo)

Đến ngày 11/4, kẻ gian tiếp tục đột nhập vào chùa Từ Châu- xã Liên Châu (di tích xếp hạng Quốc gia) lấy trộm 1 chuông đồng có chiều cao 1m, đườn kính 0,6m có niên đại thời Nguyễn.

Trước đó, ngày 20/4, sau khi nhận được nguồn tin báo, Sở VHTT Hà Nội đã có văn bản yêu cầu UBND huyện Thanh Oai báo cáo cụ thể sự việc. Ngày 21/4, Sở VHTT Hà Nội tiếp tục có văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo tăng cường quản lý ngăn chặn việc mất cắp di vật, hiện vật cùng tình trạng xâm hại di tích trên địa bàn.