Yêu cầu làm rõ "nghi án" chôn lấp chất thải nguy hại của công ty nhôm

ANTD.VN - Công tác bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến, tuy nhiên tình trạng ô nhiễm tại nhiều địa phương do các hoạt động đầu tư, xây dựng, sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là tại các dự án công nghiệp vẫn diễn ra gây bức xúc trong nhân dân. 

Yêu cầu làm rõ "nghi án" chôn lấp chất thải nguy hại của công ty nhôm ảnh 1

Quảng Ninh đầu tư hàng chục trạm quan trắc tự động nhằm phát hiện, ngăn chặn

và xử lý ô nhiễm

Đây là vấn đề được ghi nhận trong chuyến công tác nghiên cứu thực tế hoạt động quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) vừa tổ chức.

Thông tin với đoàn công tác về tình hình xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, đại diện Sở TN-MT tỉnh Hải Dương cho biết, từ đầu năm tới nay qua thanh tra, kiểm tra, Sở đã xử lý vi phạm hành chính 17 đơn vị với số tiền lên tới 1,5 tỷ đồng và kiến nghị nhiều biện pháp nhằm chấn chỉnh. 

Theo lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Hải Dương, trên địa bàn thời gian vừa qua xảy ra vụ việc người dân huyện Kinh Môn phản ánh hoạt động của các nhà máy của Công ty TNHH Nhôm Tân Đông, Công ty Cổ phần luyện kim Tân Nguyên gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân, đồng thời đề nghị làm rõ nghi vấn chôn lấp chất thải nguy hại của Công ty TNHH Nhôm Tân Đông diễn ra trước đó. 

Liên quan tới vụ việc nêu trên, đại diện Sở TN-MT tỉnh Hải Dương cũng nêu lên một vấn đề mới, đó là trong quá trình xử lý vụ việc, Sở đã nhận được công văn của một số ngân hàng lớn trên địa bàn đề nghị xem xét giải quyết hợp tình, hợp lý, với sai phạm của doanh nghiệp đề nghị cho khắc phục để các doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại.

Chia sẻ thêm về quan điểm trong công tác xử lý các vi phạm, ông Vũ Ngọc Long, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Hải Dương cho rằng, vì mục tiêu phát triển không phải khi nào cũng áp dụng các biện pháp cứng.  

Tương tự như tại Hải Dương, những vấn đề mâu thuẫn giữa quá trình đầu tư, xây dựng, phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường cũng được chúng tôi ghi nhận trong quá trình làm việc với Sở TN-MT tỉnh Quảng Ninh. 

Theo ông Phạm Văn Cường – Phó giám đốc sở TN-MT tỉnh Quảng Ninh, công tác bảo vệ môi trường đã có chuyển biến, hiện địa bàn tỉnh không có cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng về phát triển du lịch, dịch vụ, Quảng Ninh cũng có nhiều tiềm năng về phát triển công nghiệp nặng như khai thác than, nhiệt điện, xi măng, đóng tàu... Những ngành công nghiệp nặng này đã có phát thải ra môi trường, đây cũng là những ngành tiềm ẩn những nguy cơ gây ô nhiễm. 

Để kịp thời phát hiện tình trạng ô nhiễm, Quảng Ninh đã đầu tư 26 trạm quan tắc môi trường tự động cùng với 1 trạm do Bộ TN-MT đầu tư. “Với 27 trạm quan trắc tự động sẽ là tai mắt giúp kiểm soát, thông tin số liệu được truyền về 24/24h. Khi xảy ra tình trạng vượt ngưỡng tiêu chuẩn cho phép, Sở sẽ có giải pháp để xử lý ngay những sự cố”, ông Cường khẳng định.