Yên bình bên vũ khúc ballet

(ANTĐ) - Có một cô bé con nhà nòi về nghệ thuật tuồng cổ lại mê đắm ballet đến cuồng si. Theo thời gian khổ luyện, cô bé ngày xưa đã trở thành một diễn viên múa đầy triển vọng. Rồi cô gái xinh đẹp ấy đột ngột dừng lại khiến không ít khán giả yêu nghệ thuật múa nuối tiếc. Những khúc cua cuộc đời, những lối rẽ định mệnh vẫn đưa cô gái ấy thỏa sức với những hoài bão gắn liền với múa; giờ cô đã bảo vệ luận án Thạc sỹ, vẫn giảng dạy và truyền nghề cho lớp lớp học sinh. Một chiều bình yên khi tiết trời chuyển hạ, nghệ sỹ - biên đạo múa Tuyết Minh đã có những phút giây trải lòng về “tình yêu” của đời mình với đôi mắt thoáng chợt ngấn nước...

Yên bình bên vũ khúc ballet

(ANTĐ) - Có một cô bé con nhà nòi về nghệ thuật tuồng cổ lại mê đắm ballet đến cuồng si. Theo thời gian khổ luyện, cô bé ngày xưa đã trở thành một diễn viên múa đầy triển vọng. Rồi cô gái xinh đẹp ấy đột ngột dừng lại khiến không ít khán giả yêu nghệ thuật múa nuối tiếc. Những khúc cua cuộc đời, những lối rẽ định mệnh vẫn đưa cô gái ấy thỏa sức với những hoài bão gắn liền với múa; giờ cô đã bảo vệ luận án Thạc sỹ, vẫn giảng dạy và truyền nghề cho lớp lớp học sinh. Một chiều bình yên khi tiết trời chuyển hạ, nghệ sỹ - biên đạo múa Tuyết Minh đã có những phút giây trải lòng về “tình yêu” của đời mình với đôi mắt thoáng chợt ngấn nước...

- Chị thôi múa đã lâu chưa?

- Cũng 9 năm đã qua tôi không còn múa nữa. Sau khi đoạt giải tại Cuộc thi Tài năng múa toàn quốc thì tôi dừng lại rồi chuyển sang biên đạo, dựng các vở kịch múa. Đó cũng là thời điểm tôi và anh Nguyễn Hồng Phong dựng vở múa “Quan Âm Thị Kính”, lúc đó tôi vẫn diễn vai Thị Mầu bởi kinh phí ít quá nên cố gắng diễn nốt, các vở múa sau tôi chỉ tham gia công tác đào tạo các lứa học sinh trẻ.

- Một lý do xác đáng hơn với quyết định “STOP”?

- Đó là thời điểm “chín” nhất của bản thân, của nghề nghiệp khi tôi liên tục được đảm nhận những vai chính, như vở nhạc kịch “Carmen”. Diễn viên ballet rèn luyện đến độ có thể bay bổng trên đôi giày mũi cứng là rất khó, trong khi mất nhiều thời gian đào tạo; ngày đó cộng tác với Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, tôi vẫn nhớ mấy biên đạo khó tính người Pháp chọn đi chọn lại cũng quẩn quanh được mấy người.

Thực tế, một khóa có từ 18 đến 20 diễn viên thì cùng lắm chỉ 1 đến 2 người múa được ballet, số học viên còn lại sẽ về các đoàn múa dân gian dân tộc hay các đoàn tỉnh, đơn giản vì nó dễ và an nhàn, trong khi thu nhập của các em vẫn được như thế thậm chí còn được cọ xát ở môi trường nước ngoài trong những chuyến lưu diễn. Tôi cảm thấy mình bị ảnh hưởng nhiều bởi các thầy cô đi trước, mình cũng chỉ có thời, các em ở phía sau mình còn nhiều trong khi cuộc sống còn muôn vàn khó khăn, vất vả; vậy nên tôi tự thành lập một đoàn múa, tự tìm kinh phí để các em được diễn nhiều hơn. 

- Ngày đó có ai nói rằng họ thấy tiếc cho chị?

- Không, bởi trong lĩnh vực nghệ thuật nếu có một “vị thế” sẽ “okie” hơn rất nhiều, nhìn lại về phía mình, tất cả đều phải tự thân cố gắng. Một kỷ niệm đã khắc sâu vào tâm trí tôi đó là ngày đi thi Cuộc thi Tài năng múa toàn quốc, những người khác được chăm chút, được thuê biên đạo, người dàn dựng trong khi kinh tế nhà mình không thể có được nên tôi phải tự dàn dựng, tự đi thi. (Im lặng) Sau này, khi các em lứa sau đi thi tài năng, tôi đều biên đạo và dàn dựng cho các em mà không lấy tiền. Các em khiến tôi nhớ lại những tháng ngày đã phải đơn lẻ trải qua - một con đường dài dằng dặc không có ai giúp đỡ quá vất vả. Và cứ thế, cuộc sống diễn ra một cách trầm lặng, tôi cảm thấy yên bình mỗi khi nghĩ về ballet. 

- Nền tảng được sinh ra trong gia đình nghệ thuật tác động nhiều đến quyết định của chị?

- Bố mẹ tôi đều là nghệ sỹ tuồng truyền thống, vậy nên nghèo và vất vả lắm! (Lặng im) Nhưng nếu so sánh thì múa vẫn hơn. Bây giờ tôi vẫn động viên các em phải yêu nghề, nhưng cứ yêu như vậy cũng không được bởi các em còn phải sống. Có mấy khi cô làm được một vở ballet, tiền tập của các em cô trả được có 50.000 đồng, tiền diễn thì mấy trăm không bằng các em chạy show một buổi nhảy latin. Phải những em say mê, yêu nghề hoặc quý mến cô giáo lắm tôi mới truyền nghề, hoặc vì nghề sẽ cùng các em làm.

- Ngay từ đầu chị có thích múa?

- Trẻ con cũng chẳng biết thích đâu. Sống từ nhỏ trong Khu văn công Mai Dịch giúp tôi biết đến nhiều môn nghệ thuật. Sự va đập nghệ thuật diễn ra hàng ngày khi các cô, các bác, các chú ở trong khu cứ đêm ngày diễn nên tôi thấy bình thường. Đến khi theo học, bị học và rèn luyện nhiều quá, suốt 9 năm trời nghệ thuật múa ngấm dần và âm thầm chảy trong huyết mạch tôi.

- Từ diễn viên chuyển sang biên đạo múa, chị có gặp nhiều khó khăn?

- Không gặp khó khăn lắm bởi khi vẫn là diễn viên thì tôi đã tự dựng cho bản thân và bạn bè cùng múa, cùng diễn. Tôi có thuận lợi là học được quy luật phát triển của múa hiện đại, rồi quay trở lại để phát triển múa truyền thống. Tác phẩm đầu tiên của tôi được khán giả, các thầy lớn tuổi công nhận nên tôi thấy vững tin. 

- Xinh đẹp, tài năng nhưng thật khó hình dung chị đã vất vả như thế nào để có một Tuyết Minh ngày hôm nay?

- Tôi không bao giờ nghĩ mình khổ với nghề, nhưng nó truân chuyên. Tôi được như bây giờ là nhờ các thầy, bởi tôi học được sự nhân hậu từ những con người đáng kính trọng ấy. Ballet thực sự không phải của Việt Nam, nhưng nếu người Việt Nam không biết “Hồ thiên nga”, “Đôn Kihôtê”, “Thằng gù nhà thờ Đức Bà”... là gì thì đi ra thế giới người ta cười cho. Tuy nhiên ngoài việc dàn dựng và biên đạo các vở quốc tế vẫn phải đưa tích của Việt Nam để mọi người hiểu hơn về lịch sử.

- Trò chuyện đến đây buộc tôi phải nhận định, nghề của chị khắc nghiệt quá?

- Khắc nghiệt thì vẫn phải tiếp tục làm vì đằng sau mình còn có các em, chúng tội lắm. Học sinh của tôi có nhiều em rất giỏi, để đầu tư có thể đi thi thế giới. Học xong ballet, tôi động viên nhưng các em vẫn chuyển sang làm những nghề khác, hoặc bỏ tiền đi học lại một ngành khác mà nhất định không theo. Chỉ tiếc công sức các em 7 năm theo ngành, nhưng khi tôi gọi vẫn quay về làm vở với tôi vì nghệ thuật, vì tình yêu. Tôi đánh giá những người giỏi ballet rất thông minh, khéo và nhanh, nên khi bỏ các em thích ứng khá tốt với thị trường.

- Sự hy sinh ắt hẳn ảnh hưởng đến cuộc sống riêng của chị?

- Tôi xin giữ lại cho riêng mình! (Im lặng) Thực ra cái gì cũng có sự trả giá, mình cảm thấy điều hòa được thì làm có mức độ. Lúc nào có điều kiện, kinh tế gia đình cân bằng thì mình mới làm được nghệ thuật. Không phải lúc nào tôi cũng say sưa quá với múa đâu, có quãng thời gian 3 năm tôi bỏ nó, chỉ giảng dạy và đi làm đủ thứ nghề khác. Sau quãng thời gian đó tôi quay lại, bởi suy nghĩ khi làm thêm nghề khác cuộc sống của mình đỡ hơn nhưng tâm không yên.

- Vậy múa đã đem lại cho chị những gì?

- Nếu nói về vật chất thì chưa đem lại chút gì, nếu nói về giải thưởng thì tôi rất nhiều. Cái quý và lớn nhất nghệ thuật múa mang lại cho tôi tình cảm bạn bè và học trò! 

- Những người hy sinh cho nghệ thuật thường rất nghiêm khắc với bản thân, còn chị?

- Tôi rất nghiêm khắc. Khi tôi đi học ở nước ngoài cũng vậy, người ta thường nói sinh viên các trường nghệ thuật thoải mái lắm nhưng không có đâu, chuyên ngành ballet tôi học ở Pháp các bạn nghiêm túc và nghiêm khắc với bản thân lắm.

- Nếu nhìn vào nhiều bộ môn nghệ thuật khác, người nghệ sỹ vẫn có thể làm giàu, còn nghề múa như chị nói thì không, điều đó có thôi thúc chị nghĩ đến một nghề khác?

- (Cười) Bây giờ tôi vẫn cố làm thêm, tôi không nghĩ đó là nghề mà đơn giản để duy trì cuộc sống. Múa thì lúc nào mình cũng yêu và sẽ mãi đeo đuổi, còn kiếm tiền bằng nghề múa để sống được thì tôi chưa bao giờ thấy mình làm được. Gia đình lớn của tôi từ trước đến nay không giàu, có cái nhà là do Nhà nước phân, ngay từ năm thứ 5, 6 tôi đã phải lao động, tự lập với cuộc sống, tôi không quan trọng về sự giàu nghèo, không thích so sánh và không ham hố những cái đấy. 

- Hãy nói về công việc của chị ở trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh?

- Hàng ngày tôi đi dạy tại khoa Múa, trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh, ngoài ra tôi đảm nhiệm cương vị Phó Giám đốc Nhà hát Thể nghiệm.

- Thế còn Đoàn múa “Khám phá”?

- Nhóm “Khám phá” của tôi ra đời năm 2002, ngày xưa được gọi là Đoàn Ballet trẻ. Nhóm múa của tôi ra đời vất vả lắm, đầu tiên khi dàn dựng vở “Quan Âm Thị Kính” mọi người chê suốt, không hề tạo điều kiện bởi nói rằng đây là tự phát. Thật may đó cũng là thời điểm chúng tôi được đào tạo về múa hiện đại, sau dùng những kỹ thuật đó quay trở lại với đề tài dân tộc thì được mọi người khen và ghi nhận; mọi chuyện sau đó dường như dễ dàng hơn.

- Chị có mong con mình sau này sẽ nối nghiệp mẹ?

- Tôi nghĩ là không. Cô con gái của tôi bây giờ đã thấy bộc lộ năng khiếu nhưng tôi không muốn con theo nghề. Bố mẹ rồi đến thế hệ tôi đều là nghệ sỹ, có lẽ thế là đủ. Nếu nó tài năng quá thì tôi sẽ để con mình phát triển tự nhiên, chứ không định hướng.

- Múa và cuộc sống có điểm gì giống nhau không chị?

- Cũng có giống nhưng khác nhiều hơn. Nghệ thuật đôi khi chẳng ai bắt mình làm, còn cuộc sống buộc mình phải lựa chọn. Tôi cũng là người thực tế, không quản ngại và cũng có thể làm những nghề khác, tôi đam mê nhưng không sống chết, bởi nếu mình phụ thuộc vào nó mà không có sức mạnh tiềm lực của bản thân thì không bao giờ chứng tỏ là mình có thể làm được.

- Có sự ảnh hưởng gì khi sinh viên không chuyên tâm rèn luyện kỹ thuật mà quá mải mê chạy múa minh họa, múa tụ điểm kiếm tiền?

- Tôi không bao giờ phê phán việc đi làm thêm một cách trong sáng là xấu, bởi đi kiếm tiền mà lo được cho bản thân, gia đình thì rất tốt. Thực tế là học sinh nếu thành lập nhóm để đi diễn quá sớm thường không thể giỏi được ballet, bởi cuộc sống bị xen vào, sự say mê mất đi, khi họ đã lựa chọn một cách dễ dàng kiếm ra đồng tiền thì đương nhiên bị ảnh hưởng và mất nhiều. Thực tế chứng minh có những khóa học sinh tốt nghiệp mà không có ai múa được ballet...

- Cảm ơn và chúc chị toại nguyện!

Quân.Trần (Thực hiện)