Ý tưởng làm bánh giày nặng 3 tấn cung tiến giỗ Tổ vua Hùng: "Lòng thành" không thể "chạy đua"!

ANTD.VN - Giữa lúc cao điểm của mùa lễ hội đầu năm, dư luận còn chưa kịp “hoàn hồn” vì lễ lạt to nhỏ diễn ra ở nhiều nơi thì thông tin về một kỷ lục mới sắp được xác lập khiến nhiều người không khỏi hoảng hốt!

Nguồn cơn của sự hoảng hốt này bắt đầu từ việc UBND thành phố Sầm Sơn có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị được làm chiếc bánh giầy nặng hơn 3 tấn để dâng lên lễ giỗ Tổ vua Hùng dịp 10-3 (Âm lịch) sắp tới. Theo đó, chiếc bánh kỷ lục trên được làm từ gạo nếp và sau khi hoàn thiện xong xuôi sẽ được tổ chức rước từ địa phương này lên đến đền Hùng (Phú Thọ) vào đúng ngày giỗ Tổ.

Thông tin này ngay lập tức gây xôn xao, vấp phải ý kiến trái chiều và nhận về vô số dấu cảm thán từ dư luận. Đây không phải lần đầu tiên một sản vật khổng lồ được thực hiện trong sự nghi ngại và thiếu tha thiết của đông đảo mọi người. Trước đó từng có không ít câu chuyện dở cười dở khóc, những điều chẳng mấy hay ho liên quan đến các sản vật khổng lồ được cung tiến chỗ nọ, chỗ kia. Ấy thế nhưng kỳ lạ thay, người ta dường như chưa “chừa” mà vẫn muốn “cố đấm ăn xôi” (!?).

Còn nhớ năm 2008, một cặp bánh chưng – bánh giày khổng lồ có tổng trọng lượng hơn 3 tấn cũng được một công viên ở TP.HCM làm để dâng lên ngày Quốc giỗ với nguyện vọng bày tỏ lòng thành kính với bậc tiền nhân.

Sau rất nhiều công sức của biết bao nhiêu người thợ gộp lại, cặp bánh này đã hoàn thiện và được vận chuyển vượt qua chặng đường hơn 2.000 cây số từ TP.HCM vào đến tận sân đền Hùng ở Phú Thọ.

Có điều sau khi cung tiến và cắt ra, bánh chưng thì vữa, lên men, còn bánh giày thì bị phát hiện là độn những miếng xốp dày tới hàn chục centimét. Bác lại sự chỉ trích dữ dội của dư luận, đơn vị thực hiện cặp bánh “khủng” trên giải thích, việc đưa xốp vào bánh giày là kỹ thuật tạo đế bánh chứ không phải để đánh lừa mọi người, còn bánh chưng bị mốc là do ảnh hưởng của thời tiết và sơ suất trong quá trình vận chuyển.

Kèm đó, đơn vị này không quên hứa sẽ thực hiện tốt hơn trong… những lần tham gia sau này(!?). May nhất là hai lễ vật trên được Ban tổ chức phát hiện ra bị mốc nên kịp thời dừng việc chia cho khách về dự lễ, nếu không thì một cuộc ngộ độc thực phẩm quy mô lớn là điều e rằng khó tránh khỏi.

Không ít lần, lễ giỗ Tổ Hùng Vương được cung tiến những sản vật được xếp vào hàng ngoại cỡ như thế, từ bánh trái đến ly cà phê dung tích hàng nghìn lít, rồi chiếc chiếu dài hàng chục mét. Và lần nào cũng vậy, các lễ vật trên sau khi gây ồn ào, tò mò và chú ý khắp nơi thì đều được lặng lẽ xử lý vì có chia cũng chẳng dùng được.

Đến mức cách đây 4 năm, trước phản ứng bức xúc từ dư luận, chính Ban tổ chức lễ hội đền Hùng đã phải lên tiếng nói “không” với các lễ vật khổng lồ. Cũng trong năm ấy, một đơn vị định cung tiến lá cờ có diện tích kỷ lục đành ngậm ngùi từ bỏ ý định này.

Những người thợ đi chân đất dẫm lên khuôn bánh để xếp lá dong gói chiếc bánh chưng khổng lồ 

Không chỉ bị đánh giá là lãng phí, tốn tiền của, công sức, thời gian, những lễ vật khổng lồ còn đặt ra dấu hỏi to uỵch về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Ví như, với kích thước quá dày thì khả năng thịt ở trong nhân chiếc bánh chưng nặng cả tấn kia sẽ bị thiu, vỏ ngoài dễ bị mốc.

Hình ảnh về những người thợ đi chân đất dẫm lên khuôn bánh để xếp lá dong gói chiếc bánh chưng khổng lồ hay dùng găng tay nilong cắt thành từng miếng, bốc vào hộp xốp để chia cho người dân từng khiến mọi người phải lắc đầu ngao ngán và rụt tay lại không muốn nhận. Ấy là chưa kể, để luộc được chiếc bánh chưng kỷ lục trên phải cần tới hơn chục tấn củi và vài tạ trấu lúa.

Chẳng hiểu từ bao giờ và xuất phát từ đâu mà người ta nảy ra cái ý định dâng lễ vật “khủng” lên vua Hùng để tỏ lòng thành kính. Với suy nghĩ ấy, có lẽ lễ càng to thì chứng tỏ lòng thành càng lớn (!?). Thế nhưng, chắc hẳn những tổ chức, cá nhân có tư tưởng này không hiểu được rằng, lòng thành không phải là thứ có thể “cân, đong, đo, đếm”, càng không phải là thứ để “chạy đua” lập kỷ lục.

Ấy là chưa nói đến việc, xưa kia ngay cả đồ ăn thường ngày của vua chúa cũng thường là những thứ được chế biến, bày biện nhỏ nhắn nhưng vô cùng tinh tế. Chuyện kể rằng vua Duy Tân – vị vua thứ 11 của triều đại nhà Nguyễn trước bữa ngự thiện đầy đủ món sơn hào hải vị nhưng chỉ húp một chén cháo trắng rồi đứng dậy. Vậy mà chẳng hiểu sao người ta lại có ý nghĩ phải thật to, thật hoành tráng thì mới xứng dâng bậc tiền nhân?

Chiếc bánh chưng khổng lồ năm 2008 phải huy động xe cẩu để đưa bánh vào nồi nấu

Được biết, việc làm bánh giày hơn 3 tấn để cung tiến lễ giỗ Tổ mới chỉ là ý tưởng của UBND thành phố Sầm Sơn, việc có làm hay không còn phải chờ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa xem xét và quyết định. Đai diện Sở VHTT&DL Thanh Hóa cũng khẳng định, việc làm chiếc bánh này dù có từ nguồn kinh phí xã hội hóa thì cũng phải làm sao cho hợp lý, không phản cảm.

Trong khi đó, bà Trịnh Thị Thủy – Thứ trưởng Bộ VHTT&DL mới đây đã lên tiếng cho biết, đề xuất dâng bánh giầy trên là mang nặng tính hình thức và lãng phí, trong khi ở chính Thanh Hóa còn nhiều người nghèo. Hy vọng rằng, với cách nhìn nhận đúng đắn trên của Bộ VHTT&DL, đơn vị đề xuất ý tưởng này không vì hiểu chưa đúng về hai chữ “lòng thành” mà một kỷ lục khổng lồ nữa được ra đời!