Ý thức PCCC kém, nơi ở "đa chức năng", nguy cơ cháy hiển hiện

ANTD.VN - Người dân ở phố cổ Hà Nội luôn canh cánh nỗi lo hỏa hoạn, nhất là từ sau khi xảy ra vụ cháy tại phố Hàng Giấy, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm vào 9h15 sáng 5-11, khiến 2 người thiệt mạng. 

Vụ hỏa hoạn tại phố Bát Đàn khiến 1 người tử vong

Nhắc đến phố cổ, người ta liên tưởng ngay đến một nơi ở “đa chức năng” vừa là nhà ở, kho hàng, vừa là nơi kinh doanh buôn bán, đun nấu… tất cả cùng nằm trong một diện tích chật hẹp, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Ngoài ra, ý thức của người dân trong lĩnh vực an toàn PCCC rất kém. Có lẽ, do không gian chật chội và sự tận dụng tối đa diện tích ở, nên nhiều người đã bỏ qua khâu an toàn PCCC, khiến “ngõ nhỏ, phố nhỏ” khi xảy hỏa hoạn thì hậu quả khôn lường.

Nguy cơ cháy lớn

Vụ hỏa hoạn xảy tại ngõ 31, phố Hàng Giấy, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm sáng 5-11, khiến 2 nam thanh niên tử vong,  lại gióng thêm hồi chuông cảnh báo an toàn PCCC ở phố cổ Hà Nội. Trước đó, khoảng 15h10 ngày  15-2, tại số nhà 15, phố Nhà Hỏa, quận Hoàn Kiếm cũng phát hỏa. Vụ cháy này lan sang số nhà 40 phố Bát Đàn, quận Hoàn Kiếm, khiến một cụ bà hơn 80 tuổi tử vong.

Những vụ cháy nêu trên đều xảy ra ban ngày, nhưng vẫn có người tử vong. Nhất là vụ cháy xảy ra tại số 31, phố Hàng Giấy, các nạn nhân đều là thanh niên  nhưng không ai có cơ hội thoát nạn khỏi đám cháy. Vì vậy, vấn đề an toàn PCCC đặt ra đối với phố cổ Hà Nội rất đáng báo động.

Có mặt tại hiện trường vụ cháy tại phố Hàng Giấy sáng 5-11, phóng viên nhận thấy căn nhà này có diện tích khoảng 17m2, được xây cao 4 tầng. Phía trong gia chủ chất nhiều hàng hóa, chủ yếu là đồ nhựa gia dụng và chủ nhà cũng sinh hoạt tại đây hàng ngày. Để chữa cháy ngôi nhà này, lực lượng cứu hỏa phải dùng đèn pin chiếu sáng, dẫn ống nước vào hiện trường, bởi ngôi nhà nằm trong ngõ sâu, chật hẹp và thiếu ánh sáng.   

Theo chỉ huy Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội, hiện trường vụ cháy ở phố Hàng Giấy chưa phải là điển hình về sự khó khăn trong công tác PCCC ở phố cổ Hà Nội. “Nhà xuống cấp, hạ tầng kém, người dân không thường xuyên kiểm tra thay thế các hạng mục cũ nát... Thêm vào đó, mối nguy cơ lớn nhất hiện nay là tất thảy nhà trong ngõ nhỏ ở phố cổ đều không có lối thoát nạn và không có hệ thống báo cháy, chữa cháy, nhưng chủ nhà vẫn biến thành nơi ở “đa năng” theo kiểu vừa sinh hoạt, vừa làm kho chứa hàng, bếp và là nơi thắp hương thờ cúng…” - một cán bộ Cảnh sát PCCC thành phố cho biết. 

Không gian như vậy, còn ý thức người dân thì sao? Thực tế cho thấy, chúng tôi đặt câu hỏi với một số người dân có bàn thờ để trên lối đi chung trong ngõ nhỏ tại phố Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm, bên cạnh đó là một cái giá để đủ thứ đồ đạc dễ bén lửa… thì nhận được câu trả lời: “cháy làm sao được”. Vẫn biết không gian hạn chế nên nhiều người phải tận dụng, nhưng nếu cứ quan niệm và có ý thức thờ ơ với hỏa hoạn như vậy, thì nguy cơ cháy có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Theo Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, thuộc Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội, chỉ cần mỗi người dân có ý thức phòng cháy cho chính gia đình mình, thì hậu quả đáng tiếc sẽ không xảy ra. Ngược lại, nhiều người dân phòng cháy tốt mà có một người ý thức kém, hậu quả sẽ khôn lường. 

Chữa cháy từ ý thức

Để ghi nhận ý thức về an toàn PCCC trong sinh hoạt của người dân nơi đây chưa tốt, chúng tôi đến tập thể Đường sắt, ở ngõ 15 - phố Hàng Điếu, quận Hoàn Kiếm. Một con ngõ chật hẹp, hai người đi vào phải nghiêng người để tránh nhau. Trong ngõ ngày cũng như đêm phải dùng đèn điện thắp sáng và luôn thường trực sự hiện diện của vài bếp than tổ ong đang ủ nằm trên lối đi.

Mạng điện chằng chịt như mớ bòng bong và có nơi phía trên phơi quần áo, bên dưới đặt bếp than. Có gia đình chỉ sinh hoạt gói gọn trong căn phòng 10m2, toàn bộ nơi ở như một hầm tối. Giả sử nếu xảy cháy, khói sẽ không thoát được đi đâu và đương nhiên nó sẽ đe dọa mạng sống con người. 

Trở lại vụ cháy tại số 31 phố Hàng Giấy, hiện trường vụ cháy thể hiện có cửa sổ song sắt, nhưng đã bịt lưới sắt chống côn trùng. Lối duy nhất có thể thoát khói đã bị lưới chống côn trùng che kín, khiến nạn nhân ngạt khói bất tỉnh dẫn đến tử vong. 

Đại tá Trần Văn Vụ cho biết thêm: “Hiện trạng phố cổ Hà Nội đang là bài toán nan giải về an toàn PCCC song không phải không có giải pháp. Để khắc phục tồn tại, cần đẩy mạnh tuyên truyền ý thức PCCC đến từng người dân. Chẳng hạn như, căn hộ vừa sử dụng sinh hoạt, vừa làm nơi chứa hàng hóa kinh doanh, cần sắp xếp hàng hóa có khoảng cách ít nhất 75cm để chống cháy lan. Trong khi đó, nhiều người kinh doanh thường thắp hương, nến vào ngày lễ hoặc khai mở hàng hóa, nên người dân cần chú ý trông coi cẩn thận, tránh để xảy ra hỏa hoạn”. 

Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội khuyến cáo: “Để hạn chế xảy ra hỏa hoạn, hàng ngày người dân phải kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị điện trong nhà, nhất là khi đun nấu cần và phải trang bị bình chữa cháy để khi phát hiện xảy cháy thì kịp thời xử lý. Đối với những căn hộ làm lồng sắt chống trộm, cần có cửa thoát hiểm và không bịt kín bằng các vật liệu khác, để khi xảy cháy sẽ có đường thoát khói chống ngạt.