"Y phục xứng kỳ đức"

ANTĐ - Nhiều lúc ngẫm sự đời, tôi thấy có những chuyện ngày trước rất hiếm gặp, giờ trở nên phổ biến. Nhưng vẫn có những chuyện ngày xưa đã hiếm, nay lại càng hy hữu hơn, ông có thấy thế không?

- Ông cứ thích vòng vo, chóng cả mặt! Có chuyện gì thì nói toẹt ra cho nhanh.

- Chuyện trẻ song sinh bây giờ không còn hiếm thấy, nhưng lại dính liền nhau thì ông có công nhận là hiếm không?

- Không chỉ là ca hiếm thấy mà còn cực kỳ rắc rối, phức tạp. Chắc ông định “tường thuật” ca phẫu thuật thành công chứ gì?

- Tôi đâu phải trong nghề... đỡ đẻ. Chuyện hiếm thấy là chính bác sỹ sau khi mổ vẫn mặc nguyên áo blouse ra chợ Vị Xuyên cầm tấm ảnh cặp song sinh xin tiền bà con để đưa 2 đứa về Hà Nội phẫu thuật, vì cha mẹ chúng chỉ có nổi 200.000 đồng.

- Bác sỹ ra chợ xin tiền cứu người bệnh thì đúng là xưa nay hiếm thật. Tôi chỉ thường thấy thầy thuốc nhận phong bì là nhiều thôi. Thế vị lương y đứng chợ “ngửa tay” xin được bao nhiêu tiền?

- Ông cũng không tin nổi đâu! Chỉ trong 2 giờ, những người giàu lòng trắc ẩn ở một chợ miền núi nghèo đã gom góp được hơn 7 triệu đồng. Chưa hết đâu! Chính ông bác sỹ ra chợ xin tiền ấy đã đưa chuyện cặp song sinh lên mạng xã hội. Chỉ sau hơn một ngày, cán bộ, y bác sỹ bệnh viện, bạn bè của ông ấy và những người xa lạ đã quyên góp được 40 triệu đồng.

- Chuyện quyên tiền làm việc thiện, tôi đã nghe nhiều. Tôi chỉ thắc mắc vì sao ông bác sỹ đó lại mặc blouse ra chợ xin tiền?

- À, ông ấy bảo nếu mặc comple thì người dân không tin, còn mặc áo blouse thì gần như bà con biết hết mặt, không nghi ngờ gì cả.

- Từ chiếc áo blouse tôi suy ra, để giữ cho được sự trắng trong trong lòng người dân thật ra cũng không đến mức quá khó.

- Thế nên mới có câu: “Y phục xứng kỳ đức” đấy thôi. Câu này không chỉ ứng với ngành y đâu.