Ý nghĩa sâu xa từ đề thi dạng “mở”

ANTĐ - Kỳ thi ĐH-CĐ năm học 2011- 2012 đã kết thúc. Ở góc nhìn một giáo viên tôi thấy “điểm sáng” nhất bước đầu thể hiện quyết tâm cải tiến thi cử là ý tưởng ra đề thi.

Ở đề Văn, khối C, thí sinh được yêu cầu suy nghĩ và phát biểu ý kiến của mình về câu: “Kẻ cơ hội thì nôn nóng lập thành tích, còn người kiên nhẫn thì sẽ tạo nên thành tựu”. Đáng chú ý, đề thi môn Địa lý, thí sinh phải trả lời câu hỏi “Các huyện đảo Trường Sa và Hoàng Sa… thuộc các tỉnh thành phố nào ở nước ta?”.

Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ là chọn nhân tài cho đất nước. Các đề thi sát với chương trình học là cần thiết. Nhưng như vậy là chưa đủ. Và đáng mừng là đề thi đã bắt đầu ra ở dạng “mở”, gắn liền với lẽ sống của tuổi trẻ, nhân cách sống và tình hình thời sự của đất nước, thế giới nhằm khảo sát thí sinh không chỉ kiến thức sách vở thuần túy mà còn đánh giá thái độ, nhận thức, ý thức, tình cảm của thế hệ trẻ đối với đất nước, với xã hội. Như vậy, học sinh không những phải biết cải tiến phương pháp học tập, tránh học vẹt “tầm chương trích cú” thuộc làu sách giáo khoa, mà còn phải biết dành thời gian theo dõi, làm công tác xã hội, quan tâm, bày tỏ thái độ, quan điểm về những vấn đề thời sự, xã hội đang diễn ra. Vì vậy, đề thi năm nay tôi thấy mang ý nghĩa giáo dục rất lớn. 

Đưa yêu cầu giáo dục lòng “yêu nước, yêu người, yêu cỏ hoa” vào bài giảng, đề thi, thậm chí các trò chơi quả là cách làm hay và cần thiết để các em có ý thức công dân ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Qua đó, ngành giáo dục góp phần đẩy lùi lối sống vô cảm, hoặc đặt cái “Tôi” quá lớn, đồng thời bồi đắp cho “thế hệ cách mạng của đời sau” lòng tự tôn ý thức dân tộc, “Uống nước nhớ nguồn”. Để từ đó, thế hệ sau càng hiểu, biết ơn các thế hệ tiền bối hy sinh máu xương bảo vệ nền độc lập, tự do cho Tổ quốc.