Ý kiến về việc ngành Tòa án lựa chọn biểu tượng công lý

ANTD.VN - Dư luận xã hội đang có những ý kiến về việc TAND Tối cao đang lấy ý về việc lựa chọn biểu tưởng của công lý. Là người thường xuyên tham gia tố tụng tại các cấp toà án, Luật sư Nguyễn Anh Thơm -  Trưởng VPLS Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng đã chia sẻ với Báo ANTĐ một vài suy nghĩ của mình.

Ngày 20-2, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã thống nhất tôn vinh Hoàng đế Lý Thái Tông là nhân vật biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử. TAND Tối cao đang tổ chức lấy ý kiến cán bộ, công chức ngành Tòa án đối với 3 mẫu phác thảo tượng Vua Lý Thái Tông để đặt tại trụ sở toà án các cấp.

Theo thuyết minh của TAND Tối cao, Vua Lý Thái Tông là người ban hành bộ “Hình thư” - Bộ luật chính thức thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam; Vua Lý Thái Tông đã trực tiếp xét xử nhiều vụ án nổi tiếng với tấm lòng bao dung, nhân từ…

Các mẫu phác thảo tượng Vua Lý Thái Tông đang được TAND Tối cao nghiên cứu.

Việc lựa chọn vua là biểu tượng công lý, dựng tượng tại trụ sở tòa án được TAND Tối cao kỳ vọng là công trình có ý nghĩa quan trọng về mặt kiến trúc, nghệ thuật; góp phần thể hiện tầm vóc, sự uy nghiêm của cơ quan tư pháp. Có 3 mẫu phác thảo tượng Vua Lý Thái Tông đang được gửi lấy ý kiến cán bộ ngành Tòa án.

Mẫu số 1 là Nhà vua cầm cuốn Hình thư trên ngực trái với hàm ý sâu xa việc xử án phải có trái tim nhân hậu; tay phải nâng cao như chỉ dạy, khuyên bảo. Mẫu số 2 là tay phải Nhà vua cầm gươm với hàm ý xét xử theo hình luật, đúng sai nghiêm minh, nghiêm trị. Và mẫu số 3 là tay phải Nhà vua cầm cuốn Hình thư, tay trái cầm cán cân công lý. Dự kiến, tượng được đúc bằng đồng đỏ mắt cua truyền thống, kích thước chiều cao là 5,3m.

Về việc TAND Tối cao dự định đúc tượng đài Vua Lý Thái Tông là nhân vật biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử cần phải được cân nhắc xem xét kỹ lưỡng trên cơ sở pháp luật và lịch sử văn hóa dân tộc. Việc đặt tượng có cần thiết hay chỉ cần tập trung nâng cao trình độ chuyên môn, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo luật định đang là nhiệm vụ cấp bách trong tình hình hiện nay.

Theo Từ điển tiếng Việt, các từ hoàng đế, vua là những từ đồng/gần nghĩa, đều nhằm chỉ "Người đứng đầu nhà nước quân chủ, thường lên cầm quyền bằng con đường kế vị". Vua là người đứng đầu hệ thống cai trị của nhà nước quân chủ phong kiến. Hoàng đế cũng là vua của một nước, nhưng có các nước khác yếu hơn, nhỏ hơn thần phục, triều cống.

Theo quan điểm của Luật sư, xét về hình thức, chức danh Vua hay Hoàng đế thời phong kiến có vị trí ngang như chế định Chủ tịch nước trong hệ thống pháp luật nước ta hiện nay.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng VPLS Nguyễn Anh.

Theo Điều 86 Hiến pháp 2013 “Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại”. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước được quy định tại Điều 88 Hiến pháp, trong đó có chức năng miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán các Tòa án khác, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định đặc xá; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, công bố quyết định đại xá;  

Bộ máy nhà nước là hệ thống các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, được tổ chức theo những nguyên tắc chung thống nhất, tạo thành một cơ chế đồng bộ để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước. Thông thường trong bộ máy nhà nước nói chung bao gồm ba loại cơ quan: cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp.

Theo Điều 102 - Hiến pháp 2013, Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Chức năng, nhiệm vụ của Tòa án được quy định tại Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tòa án là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp, là cơ quan xét xử duy nhất của Nhà nước thực hiện quyền tư pháp. Các cơ quan nhà nước khác tham gia vào việc xử lý, giải quyết đó không phải là cơ quan tư pháp, không có chức năng thực hiện quyền tư pháp, mà các cơ quan này chỉ thực hiện các hoạt động tư pháp như Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra,…

Như vậy, nếu TAND tối cao lấy nhân vật hoàng đế Lý Thái Tông là biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử là không phù hợp cả về mặt hình thức và ý nghĩa lịch sử dân tộc. 

Theo như ý tưởng của TAND Tối cao cần có một biểu tượng công lý thì có thể xét đến các nhân vật tương ứng như Quan ngự sử hay những nhân vật khác tương tự như Bao Công trong lịch sử Trung Hoa thì sẽ phù hợp hơn với vị trí, vai trò trong hệ thống tổ chức bộ máy Nhà nước.

Mặt khác, nếu các Cơ quan quyền lực Nhà nước khác cũng đều tự mình lựa chọn một biểu tượng công lý là một nhân vật lịch sử thì sẽ ra sao trong khi ngành Tòa là một vị Hoàng đế Lý Thái Tông? 

Trong tình hình hình hiện nay, TAND Tối cao nên chăng đặt tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị anh hùng giải phóng dân tộc đã có công rất lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và cũng là biểu tượng cho sự anh minh, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư mà bất kỳ ngành nào cũng phải học tập tấm gương vĩ đại của Bác.