Y học cổ truyền đang “chết mòn”

ANTĐ - Y học cổ truyền (YHCT) là một gia sản văn hóa, tinh thần quý báu mà cha ông ta để lại, thế nhưng bởi một số lý do nền YHCT nước ta trở nên “méo mó”, mất uy tín. Bằng chứng là lượng “thầy rởm, thuốc giả” ngày càng nhiều.

Cơ quan chức năng liên tục phát hiện thuốc đông y rởm, không rõ nguồn gốc xuất xứ

Cảnh giác với thầy rởm

Trong thực tế có những thầy lang chưa học qua trung học phổ thông. Không ít thầy chẳng hiểu Kinh Dịch là gì trong khi Hải Thượng Lãn Ông, danh y thế kỷ thứ 18 đã nói “Hãy đọc Kinh Dịch rồi mới nói đến chuyện làm thuốc” và cổ nhân đã khẳng định “Bất học Dịch, bất khả tri y lý” có nghĩa là không học Kinh Dịch thì không hiểu về y lý. Những người tìm hiểu qua về YHCT đều hiểu rằng YHCT chữa bệnh phải dựa trên các nguyên tắc, học thuyết như: Âm dương, Ngũ hành, Bát cương, Bát pháp, Tứ chẩn và biện chứng luận trị... Vậy mà ngày nay, không ít thầy “mù tịt”.

Theo quy định của Nhà nước (Pháp lệnh Hành nghề y - Dược), muốn mở phòng chẩn trị YHCT phải có đủ các điều kiện như: có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn, có thời gian thực hành, có đủ điều kiện về địa điểm, cơ sở vật chất..., nhưng thực tế không ít “thầy” chưa hề qua đào tạo, không có bằng cấp, chứng chỉ vẫn hành nghề dưới hình thức “gia truyền”, thậm chí có thầy còn lạnh tanh “Thánh cho ăn lộc” và chữa được cả những căn bệnh hiểm nghèo như ung thư, HIV (?!).

Theo nguyên lý của YHCT là “Hàn ngộ hàn tắc tử”, nghĩa là có cơ địa hàn, bệnh hàn mà dùng thuốc có tính lạnh có thể dẫn đến chết người. Cổ nhân còn dặn lại bài học đắt giá “Phúc thống phục nhân sâm tắc tử” - đau bụng do lạnh mà dùng nhân sâm, một vị thuốc tính hàn để điều trị có thể dẫn tới chết người. YHCT cũng chỉ ra rằng “Nhật ngộ nhật tắc cuồng” - người có cơ địa nhiệt, bệnh nhiệt mà dùng thuốc có tính nóng sẽ phát điên. Hay cổ nhân cũng đã từng nhắc nhở “Dụng dược như dụng binh”, có nghĩa là dùng thuốc như dùng binh, vừa khó khăn, phức tạp lại phải tinh tế, uyên thâm… Với những ông thầy rởm, âm dương chưa thông, hàn - nhiệt chưa phân biệt được thì người bệnh “lãnh đủ” là điều dễ hiểu.

Hãi hùng thuốc giả

Không chỉ thuốc tây y mới bị làm giả mà trong Đông y, thuốc giả cũng khá phổ biến. Nó rất đa dạng, thiên hình vạn trạng nhằm đánh lừa người bệnh với mục đích thu lợi nhuận và hậu quả mà nó gây ra cho người bệnh ít nhất là mất tiền vô ích, nặng hơn có không ít trường hợp “tiền mất tật mang”, “chữa lợn lành thành lợn què”.

Vậy thế nào là thuốc giả? Trong đông y, phổ biến nhất là dùng loại hoạt chất tương tự với hoạt chất thật cần có trong vị thuốc nhưng dễ kiếm, rẻ tiền hơn và hình thái gần giống với hoạt chất gốc. Chẳng hạn như: Cây bồ bồ biến thành nhân trần, dùng vỏ cam, vỏ bưởi làm vị trần bì (vỏ quýt); dùng khoai lang chế thành thục địa, sinh địa… Vô nhân đạo hơn là tình trạng làm giả hoàn toàn thuốc và không có tác dụng chữa bệnh. Có thể kể ra một số ví dụ thường gặp như: dùng củ sắn làm bạch linh (là một loại nấm sống ký sinh trên cây thông) có tác dụng thẩm thấp; dùng cây thanh thảo để làm giả đông trùng hạ thảo - một dược liệu quý hiếm, đắt tiền; dùng củ sắn để làm giả vị thuốc thiên ma; dùng móng chân lợn làm giả xuyên sơn giáp (vẩy tê tê) - một vị thuốc đắt tiền có tác dụng lợi sữa, dùng cho phụ nữ sau khi sinh nở, mất sữa…

Đặc biệt, với các loại cao nấu từ xương động vật, việc làm giả là khá phổ biến. Xương  trâu, bò, dê, chó biến thành cao ngựa bạch. Cao ban long làm từ sừng trâu, bò thay cho sừng hươu. Thậm chí cao rẻ tiền như a giao (cao da lừa) được làm bằng da trâu bò... Còn mật ong rừng, mật ong hoa nhãn, hoa lim... phần lớn là từ ong cho ăn đường hoặc mạch nha trộn với mật nguyên chất.

Ngoài việc bị làm giả, điều cần lưu ý là các dược liệu phần lớn có thành phần dưỡng chất cao nên là môi trường thuận lợi cho các vi sinh vật (nấm mốc) phát sinh, phát triển và là nguồn thức ăn hấp dẫn với sâu mọt (côn trùng). Do đó, để bảo quản các dược liệu được lâu dài, tránh nấm mốc, sâu mọt người ta thường xông khí sunfurơ (SO2), còn gọi là xông diêm sinh (đốt lưu huỳnh). Có trường hợp phun cả formol để bảo quản… Hệ quả của việc dùng phải dược liệu giả hoặc dược liệu có xông thuốc bảo quản như vậy là rất nghiêm trọng.