Ý đồ xấu xa, hành động toan tính

(ANTĐ) - Sau khi xảy ra vụ tàu Hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 tại lô 148 thuộc thềm lục địa của Việt Nam, vào lúc 6h sáng hôm qua 9-6, một tàu cá Trung Quốc cố tình lao vào tuyến cáp của tàu Viking II do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thuê đang tiến hành thu nổ địa chấn.

Ý đồ xấu xa, hành động toan tính

(ANTĐ) - Sau khi xảy ra vụ tàu Hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 tại lô 148 thuộc thềm lục địa của Việt Nam, vào lúc 6h sáng hôm qua 9-6, một tàu cá Trung Quốc cố tình lao vào tuyến cáp của tàu Viking II do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thuê đang tiến hành thu nổ địa chấn.

Trả lời phỏng vấn tại cuộc họp báo quốc tế diễn ra chiều 9-6, bà Nguyễn Phương Nga - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã khẳng định hành động của tàu cá Trung Quốc là: “Hoàn toàn có chủ ý, được tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng”. Diễn biến sự việc trên như sau:

Vào lúc 6h sáng 9-6, trong khi tàu Viking II mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thuê đang tiến hành thu nổ địa chấn 3D lô 136/03 (tọa độ 60 47,5 Bắc và 1090 17,5 Đông) tại khu vực thềm lục địa của Việt Nam thì tàu cá Trung Quốc mang số hiệu 62226, được sự yểm trợ của 2 tàu ngư chính Trung Quốc số hiệu 311 và 303 đã chạy ngang qua mũi tàu Viking II, sau đó đổi hướng và gia tăng tốc độ. Mặc dù phía tàu Việt Nam đã phát pháo hiệu cảnh báo nhưng tàu 62226 vẫn cố tình lao vào tuyến cáp khảo sát của tàu Viking II và bộ phận cắt cáp chuyên dụng của tàu 62226 đã mắc vào tuyến cáp của tàu Viking II, làm cho tàu Viking II không thể hoạt động bình thường. Sau đó, 2 tàu ngư chính 311 và 303 cùng với một vài tàu cá khác của Trung Quốc đã vào giải cứu cho tàu 62226.

Trả lời câu hỏi của các phóng viên cho biết phản ứng của Việt Nam về sự việc này, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao nêu rõ: “Khu vực hoạt động thu nổ địa chấn nói trên của tàu Viking II nằm trong thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam, hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Hành động nói trên của các tàu cá và tàu ngư chính Trung Quốc là hoàn toàn có chủ ý, được tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng, đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, vi phạm tinh thần của Tuyên bố chung về ứng xử trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc ký năm 2002, và đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam”.

Ý đồ toan tính, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng của tàu cá và tàu ngư chính Trung Quốc thể hiện ở chỗ, trước khi xảy ra sự việc đối với tàu Viking II, hôm 26-5 vừa qua, tàu Hải giám Trung Quốc đã cắt cáp tàu Bình Minh 02 tại lô 148 thuộc thềm lục địa Việt Nam. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ rõ: “Những hành động của tàu cá và tàu ngư chính Trung Quốc đã làm cho tình hình Biển Đông tiếp tục căng thẳng. Các hành động có tính hệ thống này của phía Trung Quốc là nhằm biến khu vực không có tranh chấp thành có tranh chấp, nhằm biến đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc thành hiện thực. Đây là điều phía Việt Nam không thể chấp nhận”.

“Phía Việt Nam phản đối mạnh mẽ việc làm nói trên của phía Trung Quốc; yêu cầu phía Trung Quốc xuất phát từ tầm cao chiến lược của quan hệ Việt - Trung, chấm dứt ngay và không để tái diễn mọi hành động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bồi thường thiệt hại đã gây ra cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam”, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh. Được biết, chiều  9-6, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để phản đối hành động này của phía Trung Quốc và nêu rõ lập trường của Việt Nam.

Quyết bám biển, sẵn sàng đối phó với những âm mưu phá hoại của Trung Quốc

Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, ông Nguyễn Hùng Dũng, Tổng giám đốc Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí (PTSC) cho biết: “Ngay từ khi vụ tàu Bình Minh 02 bị tàu Hải giám Trung Quốc cắt cáp, lãnh đạo tập đoàn và lãnh đạo tổng công ty đã chỉ đạo cho cán bộ, công nhân viên đang làm công tác thăm dò, khảo sát trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam phải hết sức bình tĩnh, không được manh động.

Việc tàu đánh cá Trung Quốc xâm phạm vào sâu trong lãnh hải của Việt Nam và xông thẳng vào vị trí tàu Viking II đang hoạt động mặc dù tàu bảo vệ và tàu Viking II đã có cảnh báo bằng pháo hiệu, gọi loa, kéo còi báo động nhưng họ vẫn bất chấp, điều đó cho thấy rằng đây không phải là tàu đánh cá bình thường mà họ hoạt động phá hoại theo những âm mưu, bài bản đã được tính toán. Cán bộ và công nhân viên trên các tàu của PTSC vẫn quyết tâm bám biển, sẵn sàng đối phó với những âm mưu phá hoại của Trung Quốc”.

Theo Năng lượng Mới

Philippines: Cần “tiếp cận đa phương” để giải quyết tranh chấp

Trước cáo buộc của Philippines về việc Trung Quốc xâm nhập vùng lãnh hải của nước này 6 lần kể từ tháng 2-2011 và xảy ra sự cố nổ súng ít nhất 1 lần, hôm qua 9-6, Bắc Kinh đã lần đầu tiên lên tiếng bác bỏ các cáo buộc này.

Phát biểu về những phản đối của Manila, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Liu Jianchao bác bỏ việc Trung Quốc xâm nhập lãnh hải nước ngoài. Phát biểu trước phóng viên báo chí, ông Liu Jianchao khẳng định, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền toàn bộ vùng Biển Đông. Được hỏi điều gì xảy ra nếu các nước không nhượng bộ Trung Quốc, ông Liu nói: “Chúng tôi sẽ không bao giờ sử dụng vũ lực trừ khi bị tấn công”.

Trong số sự cố nghiêm trọng nhất liên quan đến Philippines, hôm 25-2, một tàu hải quân Trung Quốc bị cáo buộc nã pháo để đuổi ngư dân Philippines khỏi Jackson Atoll, khu vực mà Philippines tuyên bố chủ quyền. Chính phủ Philippines cũng cáo buộc hai tàu tuần tra Trung Quốc cản trở hoạt động một tàu khai thác dầu hôm 2-3 tại Reed Bank (Vùng cỏ rong). Ngay lập tức, quân đội Philippines điều hai máy bay quân sự đến hiện trường nhưng tàu Trung Quốc đã rời khỏi đây.

Trong phát biểu hôm qua, ông Liu Jianchao nói cáo buộc của Manila chỉ dựa trên tin đồn. Ngay lập tức, người phát ngôn Tổng thống Philippines Benigno Aquino, ông Edwin Lacierda khẳng định Philippines sẽ khẳng định chủ quyền lãnh thổ “khi có mọi cơ hội và với cách cư xử phù hợp của một nước tự do, có chủ quyền”. Ông Lacierda nói Manila sẽ “dùng cách tiếp cận đa phương” để phản đối quan điểm của Trung Quốc chỉ thương lượng song phương để giải quyết tranh chấp.

Yến Chi (Theo AP)

Hoàng Quân