Ý chí của người chiến sĩ từng 9 ngày hôn mê

ANTD.VN - Năm 2010, khi mới 22 tuổi, vừa được điều động về công tác tại CAH Đan Phượng (Hà Nội), chiến sỹ Phạm Văn Khánh đã gặp nạn kinh hoàng trong lúc đang thi hành công vụ. Anh bất tỉnh liền 9 ngày, sống chết chỉ còn trông vào… số phận. Thế nhưng, sau cơn thập tử nhất sinh, ý chí của Khánh càng thêm mạnh mẽ.

Ý chí của người chiến sĩ từng 9 ngày hôn mê ảnh 1Trung úy Phạm Văn Khánh đến nhà dân để làm nhiệm vụ về quản lý hành chính trên địa bàn

Ký ức không thể nào quên

29 tuổi, đã trải qua nhiều vị trí công tác tại CAH Đan Phượng nhưng ký ức về ngày “định mệnh” khiến Phạm Văn Khánh trở thành một trong những thương binh trẻ tuổi nhất của CAH Đan Phượng vẫn như vừa mới xảy ra ngày hôm qua.

Năm 2009, Phạm Văn Khánh bắt đầu đi lính nghĩa vụ CAND. Trải qua khóa huấn luyện 6 tháng, anh được điều động về làm chiến sĩ nghĩa vụ, thuộc quân số của Đội Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp - CAH Đan Phượng. Tại đây, anh được điều động bổ sung sang Đội Cảnh sát giao thông, được phân công tham gia trông giữ xe của các đối tượng vi phạm. Lúc này anh mới 22 tuổi, quân hàm trung sĩ. 

“Hôm đó là đêm 22-8-2010, nhận được tin báo về một nhóm thanh niên tổ chức đua xe ở khu vực Tượng đài Phụ nữ ba đảm đang (thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng), tôi được điều động tham gia cùng gần 10 đồng chí khác trong Đội CSGT-TT-CĐ, CAH Đan Phượng lập tức tới hiện trường, nơi nhóm thanh niên với 5-6 xe máy đang lạng lách trên đường.

Đồng chí tổ trưởng ra tín hiệu cho nhóm thanh niên dừng xe lại nhưng các đối tượng không tuân thủ mà còn lạng lách qua ngay trước mặt, lao cả xe lên vỉa hè. Một xe với tốc độ rất nhanh lao thẳng vào tôi và  trong nháy mắt tôi không còn biết gì nữa” - Trung úy Phạm Văn Khánh kể.

Chiếc xe máy  đâm thẳng vào người anh khiến Phạm Văn Khánh ngã về phía sau rồi bất tỉnh. Anh được đưa tới Bệnh viện 19-8 Bộ Công an cấp cứu, tính mạng hết sức nguy kịch. Tại bệnh viện, Khánh được chẩn đoán chấn thương sọ não, liệt nửa người bên phải, tụ máu ngoài màng cứng. Các bác sĩ phải sử dụng một thiết bị khoan qua xương sọ để hút phần máu tụ ra.

Dù được cấp cứu tích cực song suốt 9 ngày liền, Khánh luôn trong tình trạng hôn mê, đồng đội và cả bố mẹ Khánh đều đã nghĩ đến tình huống xấu nhất, thậm chí bác sĩ điều trị cho Khánh lúc đó phải giải thích rằng “Khánh có sống được hay không đành phải nhờ… hồng phúc của gia đình”. 

“Đến ngày thứ 10 thì tôi tỉnh lại, lúc này mới biết mình đang nằm trong bệnh viện cấp cứu, lạ thay là tôi ngay lập tức nhớ lại được hết những gì đã xảy ra trước thời điểm bị nạn. 22 ngày sau, tôi được xuất viện, các bác sĩ còn lo ngại tổn thương não của tôi sẽ để lại những di chứng nặng nề, ít nhất là méo tiếng, chân đi lại khó khăn.

Nghĩ mình còn trẻ, không thể làm người tàn phế, về nhà tôi tự đặt quyết tâm phải cố gắng tập luyện phục hồi chức năng. Những ngày đầu đi lại rất khó khăn, chân đau nhức nhưng tôi kiên trì không bỏ cuộc, ngày cố đi 3 lần, hôm sau cố bước đi được nhiều hơn hôm trước, trời mưa tôi cũng quàng áo mưa đi dọc đường. Có lẽ nhờ nền tảng thể lực của tôi vốn rất tốt và kiên trì luyện tập, sau 6 tháng, sức khỏe tôi đã cơ bản phục hồi, chỉ còn cái chân phải đi lại “hơi chấm phảy” như hiện nay” - Trung úy Phạm Văn Khánh tự hào kể lại.

Động lực để tiến lên

Sau sự việc năm 2010, Phạm Văn Khánh được làm hồ sơ thương binh và 1 năm sau được công nhận là thương binh với tỷ lệ thương tật 28%. Năm 2012, Khánh được xét tuyển vào biên chế CAND, được đi học Cao đẳng Cảnh sát nhân dân 1, năm 2014 khi ra trường được điều về công tác tại Đội Cảnh sát Hình sự - CAH Đan Phượng và sau đó chuyển sang Đội Cảnh sát QLHC về TTXH.

Dù là thương binh nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ và cái máu nghề sẵn có, Khánh thường xuyên xung phong tham gia vào các vụ án khó. Một lần anh cùng các đồng đội về tận Xuân Trường (Nam Định) để truy bắt đối tượng phạm tội lừa đảo trên địa bàn Đan Phượng về để điều tra. Lần khác, anh cùng các đồng đội sang huyện Mê Linh (Hà Nội) đưa 2 đối tượng cướp xe máy của một phụ nữ trên địa bàn huyện Đan Phượng và truy tìm lại được chiếc xe máy Honda Lead để trả cho người bị hại …

Năm 2016, thương binh Phạm Văn Khánh được chỉ huy CAH Đan Phượng chuyển về Đội CSGT-TT-CĐ, phân công nhiệm vụ trực đường dây nóng 113, tiếp nhận các tin báo tố giác tội phạm và một số công tác hành chính…

Dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27-7-1947/ 27-7-2017) đang đến gần, như các thương binh khác, Trung úy Phạm Văn Khánh cũng nhận được nhiều sự quan tâm. Tất cả càng hun đúc thêm lòng yêu nghề trong người chiến sĩ trẻ. Khi được hỏi có nguyện vọng gì, Khánh trả lời giản dị: “Tôi chỉ muốn được tiếp tục học tập, rèn luyện và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.