Xuyên rừng ngắm “Thác Vua”

ANTĐ - Serepok, dòng sông hùng vĩ vào bậc nhất của Tây Nguyên với biết bao nhiêu  huyền thoại và ghềnh thác. Và những con thác hung dữ đều mang trong mình truyền thuyết về vùng đất Tây Nguyên xanh đầy bí ẩn này. 

Ngay đoạn đầu của dòng Serepok, nơi cách không xa đoạn hợp nhất của hai dòng sông Krông Ana và Krông Nô hùng vĩ có một dòng thác mang trong nó những câu chuyện ngàn đời, chuyện về một vị vua gắn liền với sự khởi đầu triều Nguyễn ở phương Nam, tên của ông cũng chính là tên gọi của dòng thác tuyệt đẹp này, thác Gia Long.

Ở phía thượng nguồn Serepok, thác Gia Long xưa từng được người dân địa phương gọi là Đ’ray Sap thượng để phân biệt với thác Đ’ray Sap hạ và Đ’ray Nu -cách 3km về phía hạ nguồn. Nằm ở gần ranh giới giữa hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk, thác Gia Long được nhiều người biết đến bởi vẻ đẹp hoang sơ, thuần khiết, gần như chưa có bàn tay con người chạm tới. Nước của con thác từ sông Serepok về đến đây bị những khối đá chắn lại tạo thành những tầng bậc, lúc thì dịu dàng lách qua những hòn đá để chảy về hạ nguồn, lúc thì tuôn trào dữ dội. Vào mùa mưa, mặt thác rộng hơn 100 mét, nước từ trên cao 10 mét đổ xuống tạo thành cuộn sóng lớn. Vào mùa cạn, con thác lặng lẽ chia đôi thành hai dòng ở phía hai đầu. Chân thác mở hình thành một hồ nước rộng lớn. Đây là các hồ tự nhiên nhưng hoàn chỉnh đến mức người ta cứ nghĩ có sự can thiệp của con người. 

Từ phía ngoài khu bảo tồn rừng có thể đi bộ chừng hơn 10 cây số trong không gian xanh bát ngát của cây rừng, thỉnh thoảng lại bắt gặp một vài chú sóc chuyền qua, chuyền lại trên những tán cây, lắng nghe chim hót và tận hưởng những cảm xúc của người đi khám phá thiên nhiên trước khi ngắm thác. Còn nếu những ai không thích đi bộ cũng có thể di chuyển bằng xe gắn máy bởi những còn đường mòn đến thác nay đều đã được trải nhựa rất dễ đi. 

Có nhiều lý giải cho tên gọi thác Gia Long, một trong những tích đó là, sau khi bị quân Tây Sơn đánh bại, chúa Nguyễn Ánh đã có thời gian tìm đến đây ẩn náu và chiêu tập binh mã để khôi phục triều Nguyễn. Sau khi giành lại cơ đồ, chúa Nguyễn Ánh lên ngôi vua lấy hiệu là Gia Long. Thế nhưng, thác Gia Long lại mang đậm dấu ấn của vua Bảo Đại, ông vua cuối cùng của triều Nguyễn. Theo các tài liệu, năm 1930 vua Bảo Đại từng đặt chân đến ngọn thác này. Cảm hứng trước thiên nhiên xinh đẹp, ông cho xây dựng một dinh thự vào năm 1930 để vãn cảnh, lấy tên vua Gia Long đặt tên cho thác, cho tôn tạo, sửa sang khu vực thác Gia Long và cho xây dựng chiếc cầu treo bên thác để tiện cho việc đi lại, nghỉ ngơi, săn bắn mỗi khi tới đây. Tuy nhiên, công việc đã không thể hoàn thành… Vì vậy, nếu đến đây bạn sẽ thấy những dấu tích còn lại, dạo chơi trên những con đường quanh co bên thác, nghỉ ngơi dưới bóng cây rừng mát rượi để hòa mình vào với thiên nhiên, với dòng thác vẫn ngày đêm ầm ào kể lể về câu chuyện “Thác Vua”.