Xuôi theo “dòng” thị trường

ANTĐ - Giá thực phẩm đã có dấu hiệu tăng trở lại sau một thời gian trầm lắng, ngoài yếu tố thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài gây ảnh hưởng lớn tới đàn gia súc cũng như sản xuất rau củ, còn có tác động của mùa cưới hỏi, Tết cổ truyền đang đến gần. Việc thực hiện lộ trình theo cơ chế giá thị trường của các doanh nghiệp giữ vị thế độc quyền thường diễn ra khi giá tiêu dùng vừa mới tăng thấp. Nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành giữa Trung ương, địa phương; nếu không điều hành uyển chuyển thì có thể làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao.

Bắt đầu từ ngày 1-1-2013 Luật Giá có hiệu lực, để Luật đi vào cuộc sống rất cần nhìn lại chính sách điều tiết giá những mặt hàng thiết yếu trong năm qua để “cầm trịch” giá cả trong năm 2013. Trong năm 2012, giá điện đã 2 lần điều chỉnh với mức tăng 10%. Biểu giá điện sau mỗi lần tăng dù có được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được 3 mục tiêu chủ yếu là hiệu quả kinh tế, công bằng xã hội và khả thi tài chính. Nhận định này của một số chuyên gia thị trường khi phân tích những bất cập của giá bắt nguồn từ năng lực quản lý của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, do sức ỳ quá lớn vì hoạt động quá lâu trong cơ chế cũ.

Về giá xăng dầu, trong năm 2012 đã có 12 lần điều chỉnh, trong đó 6 lần tăng, 6 lần giảm. Trên thị trường xăng dầu vẫn tồn tại, tình trạng độc quyền, lại để cho doanh nghiệp tự định giá là trái với nguyên tắc quản lý trong cơ chế thị trường và gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Giá cơ sở là căn cứ để điều hành giá xăng dầu, song các yếu tố về cấu thành của nó còn chưa hợp lý. Việc hình thành nguồn sử dụng và quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn nhiều điểm bất cập.

Thiếu sự thanh tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ giá đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Mặc dù giá sữa, thuốc chữa bệnh và giá gas không thuộc diện Nhà nước định giá, nhưng có ý nghĩa rất quan trọng và thiết yếu đối với đời sống người dân, vậy mà giá cả luôn biến động thất thường và chỉ đi theo chiều hướng tăng cao. Điều đáng ngạc nhiên là, trong khi thu thập bình quân đầu người Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước khu vực, thì giá bán lẻ sữa ở nước ta cao gấp 2 lần so với Malaysia, gấp 1,5 lần so với Thái Lan. Đặc biệt, giá thuốc chữa bệnh ở Việt Nam thuộc vào hàng đắt nhất thế giới. Theo khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới, với 7 nhóm thuốc thông dụng nhập khẩu cho thấy, giá thuốc ở nước ta cao gấp từ 5 đến 20 lần so với các nước khu vực. Ngoài ra, trong năm 2012 giá gas cũng đã tới 9 lần tăng và hiện còn nhiều bất hợp lý.

Giá cả luôn là vấn đề nhạy cảm và phức tạp của mọi nền kinh tế. Chính sách điều tiết giá có vai trò hết sức quan trọng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Từ những bất cập, yếu kém trong quản lý giá năm qua, Luật Giá có hiệu lực liệu có đủ sức xoay chuyển, điều tiết giá cả những mặt hàng thiết yếu chảy xuôi theo cơ chế thị trường?