Xuôi cùng sông Mã

ANTĐ - “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi / Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi…”, câu thơ về dòng sông Mã dữ dằn nhưng đầy lãng mạn đã in sâu trong tâm trí của nhiều thế hệ người Việt. Thuộc thơ của nhà thơ Quang Dũng là một chuyện, nhưng không phải ai cũng được dạo trên dòng sông ấy, từ khúc khởi đầu của dòng sông cho đến tận phía cuối nguồn.

Bên dòng sông Mã thanh bình

Sông Mã có hai nguồn chính, nguồn thứ nhất từ phía Nam tỉnh Điện Biên (núi Tuần Giáo) chảy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam qua huyện Sông Mã của tỉnh Sơn La rồi qua lãnh thổ Lào, nguồn thứ hai bắt đầu từ sườn phía Bambusao bên nước bạn Lào, hai nguồn này đều đổ vào một dòng tại địa phận huyện Sầm Nưa, tỉnh Hủa Phăng, Lào rồi xuôi về Thanh Hóa. Sông tiếp tục giữ hướng Tây Bắc - Đông Nam chảy qua các huyện phía Bắc của tỉnh, hội lưu với sông Chu rồi đổ ra vịnh Bắc bộ theo 2 nhánh sông (nhánh phía Nam vẫn gọi là sông Mã, nhánh phía Bắc gọi là sông Lèn) ở Lạch Hới (cửa Hới) nằm giữa huyện Hoằng Hóa và thị xã Sầm Sơn cùng Lạch Sung (cửa Sung) nằm giữa 2 huyện Hậu Lộc và Nga Sơn.

Chúng tôi tiếp cận dòng sông Mã oai hùng ở khúc đầu tiên dòng sông bắt vào con đường Tây Tiến bên đất bạn Lào. Khúc sông đầu nguồn sao bình yên quá đỗi so với những mường tượng trong tâm trí kẻ hậu sinh. Sau những cú cua đổ dốc tưởng như không bao giờ dứt, khi đôi cánh tay đã tê mỏi rã rời bởi độ dốc hun hút của chặng đường hơn 20 cây số từ cửa khẩu Pa Háng đến thị trấn Sop Bao. Dòng Nậm Ma (tên gọi của Sông Mã khúc chảy qua nước bạn Lào) trong xanh, êm ả. Ven hai bờ dòng Nậm Ma là những nếp nhà sàn của các bản làng người dân tộc Thái, Mông, Lào nối nhau trong nắng sáng thật yên bình. Từ đây, dòng sông bắt với con đường Tây Tiến (đường quốc lộ 6 của Lào) như hai người tri kỷ để rồi lại quay về Việt Nam qua cửa khẩu Sop Hau (Lào) và Tén Tằn (Việt Nam) chảy xuyên Thanh Hóa về với biển. Con đường và dòng sông cùng song hành qua những bản làng, những vạt rừng xanh thẫm, những thung lũng bát ngát mây trời. 

Sông Mã mùa này đẹp thanh bình, lãng mạn bởi màu trắng hoa ban tô điểm. Suốt dọc hai bên bờ róc rách, lốc cốc tiếng guồng nước nâng chày giã vào cối gỗ. Những cô gái Lào, Thái… từ thượng nguồn cho tới hạ lưu dường  như mang một nét đẹp chung, nét đẹp hoang dã mà tươi thắm như hoa ban nở giữa núi rừng, thẹn thùng giấu nét duyên trong nụ cười dáng váy, giấu tình sau ánh mắt liếc nhanh.

Nậm Ma hay Sông Mã dù có đôi đoạn dữ dội thác ghềnh nhưng nó chẳng hề cô độc trên con đường tìm về với biển. Bởi bên cạnh nó, con đường Tây Tiến xưa luôn song hành, những dấu ấn lịch sử của một thời hào hùng, bi tráng. Những hình ảnh cuộc sống hiện tại thanh bình, giản đơn mà ấm áp tình người đang hiện hữu như minh chứng cho mối tình Sông Mã – đường Tây Tiến vẫn còn đang xuôi chảy mãi.