Xung quanh vụ Đường Nhuệ ở Thái Bình hay Thủ Thiêm ở TP.HCM, vai trò của đoàn ĐBQH ở đâu?

ANTD.VN - Dẫn vấn đề gần đây nổi lên  là vụ Nguyễn Xuân Đường ở Thái Bình và vụ việc Thủ Thiêm ở TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng, cử tri đặt kỳ vọng nhiều hơn về vai trò của cơ quan giám sát…

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên thảo luận (Ảnh: quochoi.vn)

Sáng nay, 8-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên 45, cho ý kiến về dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa XIV.

Trình bày Dự thảo báo cáo này tại phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết, thông qua 1.396 cuộc tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đã tổng hợp được 2.102 kiến nghị. Các kiến nghị đã được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đến nay có 2.008 kiến nghị được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 95,53%.

Đối với việc trả lời kiến nghị cử tri của Chính phủ, qua giám sát cho thấy Chính phủ, các bộ, ngành rất tích cực, khẩn trương, tiến độ và chất lượng giải quyết kiến nghị cử tri đã có chuyển biến tốt. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít văn bản trả lời chưa đủ thông tin, chưa đúng nội dung cử tri kiến nghị, hoặc dựa trên báo cáo của cấp dưới mà chưa kiểm tra…

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại phiên họp

Thảo luận về nội dung này tại phiên họp, một số ý kiến cho rằng trong báo cáo cần phân tích rõ hơn các số liệu để có cái nhìn bao quát. Chẳng hạn, cần so sánh các số liệu năm 2019 với năm 2018 xem đơn thư, kiến nghị tăng hay giảm, tập trung nhiều ở lĩnh vực nào, chất lượng giải quyết ra sao…

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đề nghị dự thảo báo cáo cần bổ sung thêm một số nội dung. Cụ thể, cần cập nhật thêm nội dung trách nhiệm của các cơ quan, các cấp chính quyền, Bộ, ngành, đoàn thể về việc phối hợp công tác trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, mặc dù tình hình dịch bệnh phức tạp nhưng mọi hoạt động của các cơ quan đều diễn ra nhịp nhàng.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh góp ý, việc giải quyết kiến nghị của cử tri phản ánh rõ niềm tin của người dân với các cơ quan, do đó báo cáo cần đánh giá rõ hơn vấn đề này, nhất là cần nêu được những bức xúc nổi lên của kỳ này là gì?

“Trước đây chúng ta hay nói đến 60-70% liên quan đến đất đai thì lần này có phải vấn đề đất đai nữa không? Gần đây nổi lên vụ Đường Nhuệ ở Thái Bình hay xung quanh vấn đề Thủ Thiêm ở TP Hồ Chí Minh thì cử tri muốn nói đến vai trò của đoàn ĐBQH ở đâu?” – bà Thịnh đặt câu hỏi.

"Dĩ nhiên, đoàn ĐBQH không phải là cơ quan trực tiếp giải quyết kiến nghị nhưng trách nhiệm chuyển tải nội dung kiến nghị cử tri, cũng như đeo đám để giải quyết đến cùng một vấn đề, kiến nghị tới đâu? Tôi muốn nói đến điều này" – Phó Chủ tịch nước đặt vấn đề và đề nghị Ban Dân nguyện nghiên cứu thể hiện nội dung này trong báo cáo.