​ Xung quanh việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam: Lý chưa thấu, tình chưa đạt ​

ANTD.VN - “Hậu” cổ phần hóa, Ban lãnh đạo mới của Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) liên tiếp vấp phải sự phản ứng từ phía nghệ sĩ đã và đang công tác tại Hãng. Một cuộc họp với sự tham gia của đông đảo văn nghệ sĩ trong và ngoài Hãng đã diễn ra vào sáng nay 21-9 dưới sự chủ trì của Hội Điện ảnh Việt Nam.

Cuộc họp diễn ra tại trụ sở Hội Điện ảnh có sự tham gia của cả những nghệ sĩ gạo cội miền Bắc- những người từng gắn bó với VFS. Giới nghệ sĩ trong Nam cũng quay clip bày tỏ tâm trạng và suy nghĩ của mình trước câu chuyện cổ phần hóa “cái nôi” của điện ảnh Việt Nam. Các nghệ sĩ khẳng định, họ rất hy vọng  việc cổ phần hóa để vực dậy Hãng phim, nhưng rồi vẫn chưa thấy tín hiệu nào khả quan.

Không thể định giá thương hiệu của VFS bằng 0

Một trong những vấn đề “nóng” được các nghệ sĩ của VFS nhắc lại tại cuộc họp lần này là việc khi tiến hành cổ phần hóa VFS, giá trị thương hiệu của VFS được định giá bằng 0 (!?). Trong khi trước đó, vào cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ VHTT&DL phải tính lại giá trị thương hiệu của VFS căn cứ vào lịch sử truyền thống lâu đời.

Như chia sẻ của NSND Trà Giang thì hơn tài sản quan trọng của VFS trong 60 năm qua còn là hơn 400 bộ phim. Hơn 400 bộ phim này là xương máu, tình cảm của biết bao thế hệ nghệ sĩ VFS để lại và việc định giá khối tài sản tinh thần vô giá đó bằng 0 là vô lý. NSND Trà Giang cho biết, bà đã đại diện cho anh em nghệ sĩ phía Nam lên gặp lãnh đạo Bộ VHTT&DL để bày tỏ về việc này nhưng cuộc gặp đó vẫn không giải quyết được việc gì.

Các nghệ sĩ lão thành của điện ảnh Việt Nam khu vực phía Nam chia sẻ tâm tư về vấn đề cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam

Còn NSND Đoàn Dũng khẳng định, ông cũng như các nghệ sĩ cùng thời có được như ngày hôm nay đều từ xưởng phim truyện (tên gọi cũ của VFS), đó là cả kho di sản truyền thống của nền điện ảnh Việt Nam – nơi mà rất nhiều lứa nghệ sĩ đã lao tâm khổ tứ để rồi thành danh, nhiều thước phim “vàng” đã ra đời và được vinh danh trên cả trường quốc tế. Vì thế không thể có chuyện định giá thương hiệu của VFS bằng 0. Cùng quan điểm này, NSND nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn – người đã làm nên những thước phim đi vào lịch sử với “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” cho rằng nếu định giá thương hiệu của VFS bằng 0 thì rõ ràng là một sự đánh tráo giá trị.

Về điều này, tại một cuộc họp khác diễn ra cùng thời điểm do Bộ VHTT&DL tổ chức, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng do chưa có văn bản nào quy định việc tính giá trị truyền thống lịch sử nên chỉ có cách tính giá trị thương hiệu và lợi thế kinh doanh hiện hành. Theo đó, quá trình xác định lợi thế kinh doanh và định giá thương hiệu được thực hiện theo đúng Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần và Thông tư 127. Hiện Bộ VHTT&DL cũng đã có công văn gửi Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Tài chính phối hợp nghiên cứu và tính toán cho chính xác về việc này.

Ban lãnh đạo mới của VFS muốn làm phim “lãi trăm tỷ”

Liên quan đến những bất cập sau khi VFS được cổ phần hóa và có Ban lãnh đạo mới với cổ đông chiến lược là Tổng Công ty vận tải thủy (Vivasco), trong đấy có việc chậm trả lương, một lần nữa các nghệ sĩ khẳng định câu chuyện về tiền lương mà họ nhắc đến những ngày vừa qua chỉ là chuyện nhỏ. Như NSƯT Quốc Tuấn cho biết, nhiều năm qua anh không sống nhờ vào đồng lương ở hãng, cũng nhiều người từng khuyên anh bỏ hãng ra ngoài làm nhưng nhiều năm qua anh vẫn kiên trì ở lại chỉ với khao khát được cống hiến và tình yêu dành cho điện ảnh.

Cổng sau của Hãng phim truyện Việt Nam sau khi cổ phần hóa đã được mở thành cổng chính, trong khi cổng chính đã đóng lại

Cũng tại đây, nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng bày tỏ nghi ngờ những việc Vivasco chậm trả lương, dồn phòng làm việc, đóng cửa chính – mở cửa sau…cũng chỉ để chạm vào tự ái của các nghệ sĩ để mọi người bỏ đi, sau đó việc làm phim hay kinh doanh thế nào là việc của họ. Minh chứng là sau khi cổ phần hóa, trong cuộc gặp với anh em nghệ sĩ trong VFS, người đứng đầu Vivasco có thẳng thừng nói rằng mình chẳng biết gì về điện ảnh, rồi bảo các nghệ sĩ nếu không có việc gì làm thì công ty tạo điều kiện cho đi…bán phở, bán bún. Đoạn ghi âm lời nói của vị lãnh đạo Vivasco cũng được các nghệ sĩ trưng ra trong cuộc họp.

Một nghệ sĩ chia sẻ, trong quá trình dọn kho đạo cụ, khi một số anh em thấy đạo cụ làm phim chiến tranh của hãng bị vứt chỏng chơ định ra bốc vào thì đại diện Vivasco còn lấy chân đá vào nói bây giờ làm phim “chân dài” chứ ai làm mấy phim này. Đạo diễn Xuân Sơn bức xúc chia sẻ, ông rất đau xót khi biết câu chuyện đạo diễn Vũ Quốc Việt chạy theo nhặt lại đạo cụ - chiếc mũ sắt lại từ hàng đồng nát thì lại bị nói là “ăn trộm” (!?).

Liên quan đến việc này, trước đó, ông Nguyễn Thủy Nguyên – Chủ tịch HĐQT Vivasco thừa nhận công ty mình kinh doanh rất nhiều lĩnh vực và phim ảnh nằm trong số đấy. Tuy nhiên, người đứng đầu Vivasco cũng cho biết: “Có thể hôm nay điện ảnh là chiến lược, mai có thể là thứ yếu, chưa thể nói trước được”. Về việc làm phim chiến tranh như truyền thống của VFS, đại diện Vivasco cho rằng thời buổi này mà làm phim đề tài đó thì: “có ai đóng đâu, mà đóng cũng  ít người xem” và không giấu giếm ý định muốn tìm được kịch bản hay, đạo diễn giỏi để “làm phim chục tỷ mà lãi cả trăm tỷ”.

Hội Điện ảnh lên tiếng về cách ứng xử của Vivasco

Trước lá đơn kêu cứu từ các hội viên trực thuộc VFS, lãnh đạo Hội Điện ảnh đã họp khẩn và làm văn bản trình Chính phủ cùng các cơ quan chức năng có liên quan để báo cáo về sự việc này. NSND Đặng Xuân Hải – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết, sau khi nghiên cứu và nắm tình hình thực tế, Hội nhận thấy việc cổ phần hóa VFS còn tồn tại một số vấn đề. Trong đó, cách ứng xử của nhà đầu tư chiến lược.

Người đứng đầu Hội Điện ảnh Việt Nam cũng khẳng định, việc định giá thương hiệu của VFS bằng 0 cho thấy cần phải xem lại nhận thức của những người có trọng trách và Ban chỉ đạo Cổ phần hóa. Bởi lẽ, đây là nơi đã sản sinh ra tất cả lớp nghệ sĩ tiêu biểu nhất, tạo dựng nên thương hiệu của điện ảnh Cách mạng Việt Nam, cho dù sau này tình hình có thế nào thì hơn 400 tác phẩm điện ảnh ra đời, được công chúng biết đến, nhiều phim góp phần đưa điện ảnh Việt Nam vươn trường quốc tế…mà đánh giá bằng 0, vô hình chung giá trị các tác phẩm ấy bằng 0 là điều không thể chấp nhận.

Cũng theo NSND Đặng Xuân Hải, việc định giá đất đai của VFS trước khi cổ phần hóa cũng cần phải được xem xét lại thận trọng, tránh tạo kẽ hở về sau. Bởi chỉ riêng nhà Thủy phi cơ thuộc quyền sở hữu của VFS với diện tích 90m2 đã có sổ đỏ rồi, chưa kể hàng nghìn m2 đất mà Hãng được thuê với giá ưu đãi của thành phố và 7 ha đất ở phim trường Cổ Loa.

Đại diện Hội Điện ảnh Việt Nam bày tỏ, việc cổ phần hóa là cần thiết nhưng sau này, việc sản xuất phim thế nào, những cam kết có được thực hiện đúng hay không, nhất là những nhà lãnh đạo mới lại không "liên quan" gì đến điện ảnh thì thực sự là điều đáng lo ngại.