Xung quanh sự kiện Flappy Bird: Nguyễn Hà Đông giải thích

ANTĐ - Ngày 11-2, báo chí thế giới và trong nước vẫn tiếp tục khai thác các thông tin xung quanh việc trò chơi “hot” Flappy Bird bị chính tác giả gỡ bỏ khi đang đình đám. Bên cạnh những thông tin được cho là đảm bảo nguồn thì cũng có cả những tin đồn ác ý.

Báo mạng Trung Quốc đưa tin: “Sáng 11-2 lập trình viên Nguyễn Hà Đông đã có cuộc trả lời phỏng vấn riêng kéo dài 45 phút với tạp chí Forbes với điều kiện không đưa hình. Cuộc phỏng vấn diễn ra trong một khách sạn bị chậm vài giờ so với dự kiến, nguyên nhân do Nguyễn Hà Đông có cuộc gặp mặt bất ngờ với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Đối với một người cách đó 1 tuần hoàn toàn không được biết đến thì đây quả là một bước chuyển ngoặt lớn”. Trong cuộc phỏng vấn, Đông hơi căng thẳng, anh cho biết mình không muốn mọi người chơi game trong nhiều giờ. “Tôi chỉ muốn tạo ra trò chơi mọi người có thể giải trí trong vài phút. Nhưng Flappy Bird đã quá gây nghiện và có tác động tiêu cực. Vì thế tôi quyết định gỡ trò chơi xuống”, Đông nói. 

Trước đó, trang công nghệ nổi tiếng Mashable cho hay, một số người hâm mộ trò chơi Flappy Bird đã đe dọa “lấy mạng” của Nguyễn Hà Đông nếu anh này không khôi phục trò chơi. Những phản ứng tiêu cực kể trên xuất hiện sau khi Hà Đông thông báo trên Twitter hôm 9-2 rằng anh sẽ gỡ bỏ trò chơi gây sốt sau 22 giờ. Nhiều người hâm mộ đã khẩn thiết đề nghị anh giữ trò chơi nhưng đúng 1h sáng 10-2, trò chơi này không còn cho phép tải xuống. Trong khi đó, trên mạng internet cũng xuất hiện tin đồn thất thiệt rằng Nguyễn Hà Đông đã tự sát sau khi gỡ bỏ trò chơi Flappy Bird khỏi các kho ứng dụng trực tuyến. Bản tin được cho là giả mạo thậm chí còn miêu tả chi tiết rằng Hà Đông được tìm thấy nằm chết trong nhà vì một phát đạn vào đầu.

Hiện Đông đang sống cùng cha mẹ tại Hà Nội, nhưng anh bị nhiều người quấy rầy khi đi bộ ra ngoài. Đông cho biết, anh thực sự không vào mạng internet cũng như không kiểm tra thư điện tử trong những ngày qua. Thay vào đó, anh đi du lịch và chưa rõ khi nào làm việc trở lại. Cũng theo Đông, hiện anh “có cảm giác cực kỳ không thoải mái” và mong muốn cuộc sống của mình trở lại bình thường.   

Bình luận về hiện tượng Flappy Bird, nhà báo Anh Rory Cellan-Jones đã đăng bài trên BBC News Online cho rằng: “Bài học cần rút ra trong trường hợp này là chúng ta đã chứng kiến sự ra đời của một thiên tài về marketing”. Theo Rory, “nhờ giết nhanh chóng con ngỗng vàng, Đông đã đảm bảo rằng một số đông công chúng ngoài kia đang nín thở chờ game sắp tới của anh. Và nếu game đó không hay, anh vẫn luôn có thể cho Flappy Bird bay trở lại...”.

NSƯT Hà Thủy: “Phải sống chung với lũ!”

Sự kiện Nguyễn Hà Đông và trò chơi Falappy Bird khiến tôi liên tưởng đến “showbiz” Việt, bởi xét ở góc độ nào đó thì bản chất của “showbiz” là “ném đá” và thị phi, luôn có sự cạnh tranh gay gắt giữa người này với người kia, luôn có sự phục và không phục, luôn có chê bai vùi dập lẫn tung hô. Cuộc sống ngoài xã hội cũng như vậy thôi.

Chưa cần biết Hà Đông là ai, nhưng mọi người sẽ biết “cha đẻ” của trò chơi gây “sốt” toàn cầu ấy là người Việt, đó đã là điều tự hào lớn lao rồi. Nhưng chỉ vì “con gà tức nhau tiếng gáy” mà góp phần dẫn đến việc sản phẩm đó bị khai tử thì không đáng chút nào. Nhiều người Việt mình xưa nay vẫn có tính rất hay “quan tâm” đến người khác quá, chỉ cần hơi “nổi” một chút là đã bị soi mói rồi. Cho nên ai mà bị “soi” là chịu nhiều áp lực lắm. Song thay vì rút lui thì chúng ta nên tìm mọi cách làm thay đổi suy nghĩ của những người hay nhòm ngó và đố kị thì hơn, buộc họ phải thay đổi cách nhìn nhận của mình và thôi “ném đá”. Nói theo giọng điệu “showbiz” là phải “sống chung với lũ”, đối diện với mọi thị phi, đố kị, vùi dập để tồn tại và vươn lên khẳng định mình. 

Ca sĩ Minh Quân: “Sao người Việt lại không ủng hộ?”

Tôi nghĩ “cha đẻ” của Flappy Bird đã phải chịu rất nhiều áp lực nên mới quyết định khai tử trò chơi này, trong đó có áp lực không nhỏ từ dư luận. Bản thân những người nghệ sĩ có nhiều năm làm nghệ thuật như chúng tôi khi đối mặt với thị phi, đố kị nhiều lúc còn “choáng” nữa là người làm công nghệ ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài như Hà Đông. Bản thân các hãng sản xuất game nước ngoài còn chưa ra kháng cáo hay kiện cáo gì cậu ấy thì nghĩa lý gì mà người Việt chúng ta lại không ủng hộ những sản phẩm của Việt Nam mình đang được phổ biến trên thế giới. Tôi biết ở nhiều nước khác, bất kể cái gì đó của nước họ được nước ngoài biết đến thì họ sẽ ủng hộ, thậm chí còn tìm cách đẩy mạnh lên để PR cho đất nước của mình. Vậy nên người Việt mình, đặc biệt là các bạn trẻ nên khuyến khích, ủng hộ sáng tạo của những người như Hà Đông nhiều hơn thay vì đả kích với “vạch lá tìm sâu”. Có như vậy thì những người trẻ sau này mới có niềm tin mà dám làm, dám sáng tạo. Việc Đông dám phổ biến sản phẩm của mình ra thế giới đã chịu áp lực không hề nhỏ từ sự cạnh tranh mang tính quốc tế rồi, giờ bản thân người trong nước còn quay sang “ném đá” nữa thì nặng nề quá.