Xung quanh bê bối đầu cơ đất đai gây chấn động Hàn Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong cuộc họp nội các ngày 16-3, Tổng thống Moon Jae-in đã lần đầu tiên xin lỗi người dân về vụ bê bối đầu cơ đất của nhân viên Tổng công ty Đất đai và nhà ở Hàn Quốc (Korea Land & Housing, gọi tắt là KLH). Vụ bê bối đầu cơ đất đai gây chấn động này đã gây ảnh hưởng đến uy tín của chính phủ cầm quyền.
Trụ sở KLH - trung tâm bê bối đầu cơ nhà đất ở Jinju, cách Seoul 434km

Trụ sở KLH - trung tâm bê bối đầu cơ nhà đất ở Jinju, cách Seoul 434km

Đầu cơ từ thông tin nội gián

Giá bất động sản tiếp tục tăng tại một số địa phương ở Hàn Quốc kể từ khi ông Moon Jae-in nhậm chức tổng thống năm 2017. Điều này khiến Chính phủ Hàn Quốc phải áp dụng biện pháp cứng rắn để xử lý tình trạng đầu cơ bất động sản và bình ổn thị trường nhà ở. Để bình ổn giá chung cư và giảm bớt mật độ dân trong trung tâm Thủ đô Seoul, Chính phủ Hàn Quốc trong thời gian qua đã thực hiện các chính sách “Khu đô thị mới” ở các thành phố vệ tinh, dự kiến mở bán các căn hộ từ năm 2021. Tuy nhiên, dự án “Khu đô thị mới” đang trong quá trình thực hiện thì xảy ra vụ đầu cơ bất động sản của KLH.

Hãng tin Yonhap ngày 19-3 đưa tin, Chính phủ Hàn Quốc đã xác định 28 nhân viên của KLH đã mua đất tại các khu vực phát triển “đô thị mới”, trong đó có 23 người bị nghi ngờ tham gia vào các giao dịch đầu cơ. Trong số đó, 13 nhân viên KLH cùng gia đình họ đã mua 12 lô đất với giá 10 tỷ won từ năm 2018, trước khi khu bất động sản được công bố công khai. Điều đó làm dấy lên nghi ngờ rằng, có thể họ đã lợi dụng thông tin nội bộ để mua đất nông nghiệp tại khu vực được chính phủ cân nhắc lựa chọn phát triển nhà ở sau này.

KLH vốn trực thuộc Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông, có vai trò quan trọng trong việc giúp Chính phủ Hàn Quốc triển khai tái phát triển, tái xây dựng đất đai và nhà ở. Khi sự việc còn đang trong quá trình cần làm sáng tỏ thì tối 12-3, một lãnh đạo của KLH đã tự tử tại nhà riêng ở quận Bundang (thành phố Seongnam). Người này để lại di thư bày tỏ hối hận vì đã làm “những điều không mong muốn” khi đứng đầu văn phòng KLH ở tỉnh North Jeolla. Ngày 13-3, quan chức cấp cao thứ hai của KLH đã tự tử, mặc dù ông này dường như không phải là đối tượng của cuộc điều tra.

Phép thử với đảng cầm quyền

Vụ bê bối này đã khiến Bộ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Byeon Chang-heum phải đệ đơn xin từ chức lên Tổng thống Moon Jae-in hôm 12-3. Ông Byeon Chang-heum là người đứng đầu KLH thời kỳ phát sinh một số giao dịch đáng ngờ. “Một số điều cáo buộc là đúng. Tôi thành thật xin lỗi vì sự việc như vậy đã xảy ra tại một công ty nhà nước có trách nhiệm thực hiện các dự án phát triển công dựa trên sự minh bạch và tin cậy. Dưới sự chỉ đạo của Văn phòng Thủ tướng, chúng tôi đã bắt đầu điều tra đầy đủ về tất cả các nhân viên của Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông, các tổ chức công liên quan và chính quyền địa phương” - tờ Joongangdaily dẫn lời Bộ trưởng Byeon phát biểu tại một cuộc họp báo về sự việc này. Hôm 11-3, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun tuyên bố, chính phủ sẽ tuyên chiến với tội phạm bất động sản sau bê bối đầu cơ ở một tập đoàn quốc doanh.

Vụ bê bối khiến tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Moon Jae-in xuống mức thấp. Ngoài ra, do nó diễn ra 1 tháng trước cuộc bầu cử thị trưởng tại 2 thành phố lớn nhất Hàn Quốc là Seoul và Busan, nên đây được coi là phép thử đối với đảng Dân chủ Hàn Quốc cầm quyền trước thềm bầu cử Tổng thống vào năm sau. Tờ Bloomberg đưa tin, trong phát ngôn mới nhất hôm 16-3, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết, chính phủ đã nỗ lực để quét sạch tham nhũng, tiêu cực. Nhưng sau vụ KLH lần này, Tổng thống nhận ra rằng con đường phía trước vẫn còn rất dài. Đặc biệt, phải coi vụ việc này là cơ hội để cải cách căn bản toàn bộ các cơ quan nhà nước. Tổng thống cũng nhấn mạnh sẽ truy cứu trách nhiệm một cách nghiêm khắc nếu nhân viên nhà nước có hành vi vượt ra khỏi đạo đức công chức.

Bê bối đầu cơ bất động sản tại Hàn Quốc khiến dư luận bất bình vì nó làm sụp đổ sự tin tưởng của người dân, gây mất công bằng xã hội khi nhiều người khó có cơ hội mua nhà. Tính tới năm 2017, trong khi người dân Hàn Quốc phải tích góp mức lương tối thiểu trong 37 năm mới đủ tiền mua nhà, thì hiện tại sẽ phải mất tận 43 năm. Còn nhóm 20% thu nhập thấp nhất tại Hàn Quốc phải mất tới 72 năm mới đủ tiền mua một căn hộ giá trung bình ở Thủ đô Seoul.