Xúi giục người khác tìm đến cái chết có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

ANTD.VN - Ngày 18-8, anh Bùi Quốc T. bị tai nạn giao thông khi đang trên đường đi làm. Sau tai nạn, anh T. bị liệt nửa người, không thể đi lại và tự chăm sóc mình được. Trần Đình H. là người quen của Bùi Quốc T., trước đó đã xảy ra mâu thuẫn với anh T. 

Nội dung vụ việc

Thấy anh T. bị như vậy, H. tìm đến anh T. và khuyên anh T. hãy tìm đến cái chết cho gia đình đỡ vất vả. Ngày 28-8, nghe theo lời khuyên của H., anh T. đã tìm cách tự sát nhưng không thành, gia đình anh T. hiện rất lo lắng rằng anh T. sẽ nghe lời H., tiếp tục tìm đến cái chết. Trong tình huống này, Trần Đình H. có phải chịu trách nhiệm hình sự không?

Ý kiến bạn đọc

Phạm tội giết người

Hành vi của Trần Đình H. trong vụ việc này đã phạm vào tội giết người. Việc anh Bùi Quốc T. bị tai nạn và sau đó bị liệt nửa người đã tác động rất lớn đến tình cảm, tâm lý của anh T. Hành vi tìm gặp anh T. và sau đó khuyên anh T. tìm đến cái chết để cho gia đình đỡ vất vả của Bùi Quốc H. đã dẫn đến việc anh T. đã tìm đến cái chết. Như vậy có thể thấy, lời nói của H. là nguyên nhân chính, trực tiếp khiến cho anh T. có hành động dại dột này. Tôi cho rằng tính mạng, sức khỏe con người là điều đáng quý nhất, mọi hành vi xâm phạm đến tính mạng người khác đều phải trả giá trước pháp luật. Tuy anh T. may mắn không chết nhưng Trần Đình H. vẫn phải bị truy tố về tội giết người ở giai đoạn chưa hoàn thành.

Nguyễn Ánh Hà (Đồng Đăng - Lạng Sơn)

Phạm tội bức tử

Có thể thấy, hành vi, lời nói của Trần Đình H. đã khiến anh Bùi Quốc T. phải tự sát. Vì trước đó anh Trần Đình H. bị tai nạn bị liệt nửa người, không có khả năng đi lại cũng không có khả năng lao động nên chúng ta hiểu lời nói của H. với anh T. bao hàm ý đồ miệt thị khi coi anh T. là gánh nặng của gia đình và mong rằng anh T. sẽ kết thúc cuộc sống của mình để “gia đình đỡ vất vả”. Như vậy, có thể thấy rằng lời nói của H. đã buộc anh T. phải chọn cái chết. Hành vi đó của Trần Đình H. đã cấu thành tội bức tử. Vì vậy theo tôi cơ quan chức năng vẫn phải truy cứu trách nhiệm hình sự của Trần Đình H. về hành vi này.

Phạm Chi Lan (Mai Châu - Hòa Bình)

Xúi giục người khác tự sát

Trong vụ việc này, những lời “khuyên bảo” của Trần Đình H. với anh Bùi Quốc T. thực chất chính là những lời nói kích động, dụ dỗ của người phạm tội nhằm thúc đẩy nạn nhân đến chỗ tự sát. Vì H. đã từng có mâu thuẫn với anh T. từ trước đó nên có thể thấy ý thức của H. là mong muốn làm sao cho nạn nhân tự sát. Do đó, đây là một hành vi cố ý của H. Hành vi này theo tôi đã phạm vào tội cố ý xúi giục người khác tự sát và cần phải bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Đoàn Việt Trung (Đức Thọ - Hà Tĩnh)

Không phạm tội

Trong vụ việc này, Trần Đình H. không phạm tội. Mặc dù H. đã khuyên anh Bùi Quốc T. tìm đến cái chết để cho gia đình đỡ vất vả nhưng theo tôi anh T. đã có ý định này từ trước đó nên khi nghe H. khuyên anh T. mới có động lực để tìm đến cái chết. Hơn nữa trong vụ việc này mặc dù anh T. tự sát nhưng lại không thành, vụ việc này không có nạn nhân và do đó hành vi của Trần Đình H. không cấu thành tội phạm.

Hoàng Quốc Đệ (Lý Nhân - Nam Định)

Bình luận của luật sư

Qua nghiên cứu nội dung vụ việc có thể thấy, hành vi của Trần Đình H. không phải là hành vi giết người bởi hành vi khách quan của tội giết người phải là hành động như: bóp cổ, đấm đá, bẻ cổ, bịt miệng, mũi... hay sử dụng vũ khí hoặc các chất độc tác động lên người khác (đâm, chém, bắn, bỏ thuốc độc…).

Hành vi khách quan của tội giết người cũng có thể là không hành động nhưng đó phải là các trường hợp mà chủ thể có nghĩa vụ phải hành động, phải làm những việc cụ thể nhất định để đảm bảo sự an toàn về tính mạng của người khác nhưng chủ thể đã không hành động và là nguyên nhân gây ra cái chết của nạn nhân.

Hành vi của H. cũng không phải là tội bức tử bởi theo quy định của pháp luật thì người bị coi là phạm tội bức tử khi có một trong những hành vi sau đây: Đối xử tàn ác đối với nạn nhân, thường xuyên ức hiếp nạn nhân, ngược đãi nạn nhân, làm nhục nạn nhân.

Để xác định đúng tội phạm thì về phía người bị hại phải là người lệ thuộc vào người phạm tội, tức là họ phải dựa vào người phạm tội trong cuộc sống về các mặt vật chất và tinh thần. Mặt khác, nạn nhân phải là người tự tước đoạt tính mạng của mình và nguyên nhân dẫn đến việc nạn nhân tự sát phải là do hành vi của người phạm tội gây ra.

Căn cứ vào nội dung vụ việc, có cơ sở để khẳng định hành vi của Trần Đình H. trong vụ việc này là hành vi xúi giục hoặc giúp người khác tự sát theo Điều 101, Bộ luật Hình sự.

Theo quy định của pháp luật, xúi giục người khác tự sát là hành vi của một người đã có những lời lẽ kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác tự tước đoạt tính mạng của mình. Giúp người khác tự sát là hành vi của một người tạo điều kiện vật chất hoặc tinh thần cho người khác tự tước đoạt tính mạng của họ.

Đây là điều luật quy định 2 hành vi phạm tội. Nếu người phạm tội có cả 2 hành vi xúi giục và giúp người khác tự sát thì tội danh mà họ bị truy cứu là tội “xúi giục và giúp người khác tự sát” chứ không có từ “hoặc” và nếu người phạm tội chỉ có hành vi xúi giục thì định tội là “xúi giục người khác tự sát”, nếu chỉ có hành vi giúp thì định tội là “Giúp người khác tự sát”.

Hành vi xúi giục người khác tự sát bao gồm:

- Kích động người tự sát, đó là có những lời lẽ nhằm thúc đẩy bằng cách tác động tâm lý làm cho người bị kích động tự ái tới mức cao độ nên đã tự sát. Nếu không có những lời lẽ kích động đó thì nạn nhân dù có chán  đời, có những uẩn khúc trong cuộc sống cũng chưa tới mức tự sát. 

- Dụ dỗ người khác tự sát là người phạm tội đã có những lời lẽ khuyên bảo một cách khéo léo để làm cho người khác tự sát theo ý muốn của mình. 

Những lời nói kích động, dụ dỗ của người phạm tội là nhằm thúc đẩy nạn nhân đến chỗ tự sát. Vì vậy, ý thức của người phạm tội là mong muốn làm sao cho nạn nhân tự sát. Nếu chỉ vì một vài lời nói có tính chất kích động mà nạn nhân sẵn có ý muốn tự sát, còn người có lời nói đó hoàn toàn không mong muốn cho nạn nhân tự sát thì cũng không phạm tội xúi giục người khác tự sát. 

Hành vi giúp người khác tự sát là hành vi tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất để người khác tự sát, như: tìm kiếm, cung cấp phương tiện để nạn nhân tự sát hoặc hứa hẹn trước với nạn nhân giữ kín việc tự sát của họ. Người phạm tội phải nhận thức được hành vi của mình là tạo điều kiện cho nạn nhân tự sát thì mới là phạm tội giúp người khác tự sát. Nếu họ không biết và không thể biết hành động của mình tạo điều kiện cho nạn nhân tự sát thì không phạm tội này.

Cũng tương tự như trường hợp bức tử, nạn nhân bằng nhiều phương pháp khác nhau, đã tự mình thực hiện việc tước đoạt tính mạng của chính mình như: thắt cổ, uống thuốc độc, nhảy xuống sông, đâm vào bụng, bắn vào đầu... Nếu nạn nhân tuy muốn chết nhưng lại không thực hiện hành vi tự tước đoạt tính mạng của mình mà nhờ người khác giúp thì không phải là giúp người khác tự sát mà người có hành vi tước đoạt tính mạng của nạn nhân phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo Điều 93, Bộ luật Hình sự. 

Cả hai trường hợp xúi giục và giúp người khác tự sát, chỉ cần người bị xúi giục hoặc được giúp đỡ có hành vi tự sát là tội phạm đã hoàn thành, còn nạn nhân có chết hay không, điều đó chỉ có ý nghĩa khi xem xét đến việc quyết định hình phạt hoặc xem xét đến việc có truy tố người phạm tội này hay không chứ không có ý nghĩa định tội.

Tội phạm này cũng không có giai đoạn phạm tội chưa đạt, bởi lẽ dù có bị xúi giục hoặc được giúp đỡ đến mức nào đi nữa mà người bị xúi giục, người được giúp đỡ không tự sát thì vẫn chưa phải là tội phạm. Cả hai trường hợp phạm tội trên, người phạm tội thực hiện hành vi của mình đều do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân, thấy trước được hành vi xúi giục hoặc giúp người khác tự sát nhất định hoặc có thể dẫn đến nạn nhân tự sát và mong muốn hoặc bỏ mặc cho việc tự sát xảy ra.

Nếu nạn nhân bị chết thì cái chết của nạn nhân chỉ là hậu quả gián tiếp do hành vi xúi giục hoặc giúp đỡ nạn nhân của người phạm tội chưa không phải là hậu quả trực tiếp. Vì vậy, không nên xét lỗi của người phạm tội đối với cái chết của nạn nhân.

Như vậy, theo như thông tin của vụ việc, chúng tôi nhận định rằng, hành vi của Trần Đình H. có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát theo Điều 101, Bộ luật Hình sự, bởi, H. đã có hành vi kích động và thúc đẩy anh Bùi Quốc T. tự tước đoạt đi tính mạng của mình, hậu quả của hành vi này là anh T. đã có hành động tự sát.

Tuy rằng anh T. không chết, thế nhưng như đã phân tích ở trên, đối với tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát chỉ cần người bị xúi giục hoặc được giúp đỡ có hành vi tự sát là tội phạm đã hoàn thành, còn nạn nhân có chết hay không, chỉ có ý nghĩa xem xét đến việc quyết định hình phạt chứ không có ý nghĩa định tội.

Theo đó, H. có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát với khung hình phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Tuy nhiên, đây là loại tội phạm ít nghiêm trọng, nên đường lối xử lý nói chung chỉ truy tố xét xử những trường hợp nạn nhân bị chết hoặc bị thương tật nặng, còn đối với các trường hợp nạn nhân tuy đã tự sát nhưng không bị chết hoặc chỉ bị thương tật nhẹ, thì nói chung không truy tố xét xử mà chủ yếu giáo dục hoặc xử lý bằng biện pháp khác. 

  Luật sư Đoàn Mạnh Hùng (Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)