Xúi giục người khác đi trộm cắp tài sản cũng phải bị truy tố

ANTD.VN - Ngày 17-8, cháu Nguyễn Anh V. (SN 2001) bị chủ một cửa hàng điện thoại bắt được khi đang trộm cắp chiếc điện thoại di động (ĐTDĐ) có giá trị 5 triệu đồng tại cửa hàng này. Sau đó chủ cửa hàng đã giao cháu Nguyễn Anh V. cho cơ quan công an. Tại cơ quan công an, cháu Nguyễn Anh V. cho biết, buổi trưa cùng ngày có một người anh cùng chơi điện tử với cháu V. tên là Hoàng Quốc Đ. (SN 1995) nói rằng chỉ cần cháu V. đi trộm cho anh ta một chiếc ĐTDĐ thì sẽ cho cháu một nhân vật ở trong game mà cháu thích. Vấn đề đặt ra trong tình huống này, với việc xúi giục cháu Nguyễn Anh V. đi trộm cắp, Hoàng Quốc Đ. có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? 

Xúi giục người khác đi trộm cắp tài sản cũng phải bị truy tố ảnh 1Ảnh minh họa

Ý kiến bạn đọc

Đồng phạm tội trộm cắp tài sản

Căn cứ vào nội dung vụ việc, có thể thấy cháu Nguyễn Anh V. đã ăn trộm chiếc ĐTDĐ của cửa hàng có trị giá 5 triệu đồng. Như vậy cháu Nguyễn Anh V. đã phạm phải tội trộm cắp tài sản theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên việc cháu Nguyễn Anh V. trộm cắp tài sản là do Hoàng Quốc Đ. xúi giục với lời hứa là sẽ cho cháu một nhân vật ở trong game mà cháu thích. Theo quy định của pháp luật, những người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm. Như vậy với hành vi xúi giục của mình theo tôi, trong vụ việc này Hoàng Quốc Đ. cũng là đồng phạm về tội trộm cắp tài sản.

Nguyễn Anh Tuấn (Bắc Hà - Lào Cai)

Dụ dỗ người khác phạm tội

Trong vụ việc này rõ ràng Hoàng Quốc Đ. đã có hành vi xúi giục, dụ dỗ cháu Nguyễn Anh V. trộm cắp chiếc ĐTDĐ trị giá 5 triệu đồng của cửa hàng. Tôi cho rằng đây là hành vi mang tính cố ý của Hoàng Quốc Đ. đối với cháu Nguyễn Anh V. Vì muốn cháu V. trộm cắp chiếc ĐTDĐ trên cho mình nên Đ. đã nói rằng chỉ cần cháu V đi trộm cho anh ta một chiếc ĐTDĐ thì sẽ cho cháu một nhân vật ở trong game mà cháu thích. Việc Hoàng Quốc Đ. xúi giục cháu Nguyễn Anh V. trộm cắp cho mình theo tôi đã vi phạm vào quy định của pháp luật, đó là tội dụ dỗ, ép buộc người khác phạm tội và cần phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đoàn Quốc Quang (Quy Nhơn - Bình Định)

Không phạm tội 

Tôi cho rằng trong vụ việc này, người phạm tội chỉ có cháu Nguyễn Anh V., còn Hoàng Quốc Đ. không phạm tội và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc Hoàng Quốc Đ. hứa cho cháu Nguyễn Anh V. một nhân vật ở trong game mà cháu yêu thích nếu V. lấy cho Đ. chiếc ĐTDĐ, theo tôi, đây chỉ là một lời nói đùa và không có bằng chứng cụ thể, rõ ràng. Đ. cũng không bàn bạc, hướng dẫn, bày mưu cho V. cách ăn trộm chiếc ĐTDĐ này như thế nào, vì vậy, không thể nói rằng Hoàng Quốc Đ. là đồng phạm với Nguyễn Anh V. Theo tôi, Đ. cũng không phải dụ dỗ cháu V. phạm tội vì tôi cho rằng việc dụ dỗ, lôi kéo người phải được truyền bá bằng cả một quá trình lâu dài để thuyết phục người khác làm theo ý của mình chứ không thể chỉ bằng một vài câu nói mà dụ dỗ ngay được. Việc cháu V. phạm tội là do cháu có đã có ý đồ từ trước đó chứ không phải chỉ vì một lời nói của Đ. Vì vậy, theo tôi trong vụ việc này Đ. không phạm tội.

Phạm Thái Sơn (Tiên Lãng - Hải Phòng)

Bình luận của luật sư

Trước hết có thể khẳng định hành vi của cháu Nguyễn Anh V. đã phạm tội trộm cắp tài sản quy định tại khoản 1, Điều 138, Bộ luật Hình sự. Theo đó: “Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. 

Tuy nhiên khi phạm tội, cháu Nguyễn Anh V. vẫn là người chưa thành niên nên việc truy cứu trách nhiệm hình sự, quyết định hình phạt với cháu V. sẽ áp dụng theo những quy định về người phạm tội chưa thành niên của Bộ luật Hình sự. Cụ thể, theo Điều 12, Bộ luật Hình sự về tuổi chịu trách nhiệm hình sự:

“1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.

2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

Cùng với đó, pháp luật hiện hành cũng có một số điểm khoan hồng với người chưa thành niên (Điều 69, Bộ luật Hình sự quy định về nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội) như sau:

“2. Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục.

3. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm về nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm. 

4. Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, thì Tòa án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 70, Bộ luật Hình sự.

5. Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội. Khi xử phạt tù có thời hạn, Toà án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng. Không áp dụng hình phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội ở độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội.

6. Án đã tuyên đối với người chưa thành niên phạm tội khi chưa đủ 16 tuổi, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm”. 

Như vậy, hành vi trộm cắp chiếc ĐTDĐ trị giá 5 triệu đồng của cháu Nguyễn Anh V., theo khoản 1, Điều 138, Bộ luật Hình sự thì thuộc khung hình phạt cao nhất là 3 năm tù. Tuy nhiên, theo khoản 3, Điều 8, Bộ luật Hình sự quy định về tội phạm ít nghiêm trọng (Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù), thì hành vi của cháu V. là tội phạm ít nghiêm trọng; ngoài ra cháu V. lại là người chưa thành niên phạm tội, vì vậy trong vụ việc này cháu V. không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Đối với trường hợp của Hoàng Quốc Đ., theo nội dung vụ việc, cháu V. thực hiện hành vi lấy trộm ĐTDĐ là do Hoàng Quốc Đ. xúi giục. Khoản 2, Điều 20, Bộ luật Hình sự có quy định về người xúi giục như sau: “Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm”. 

Theo đó, đặc điểm của người xúi giục là tác động đến tư tưởng và ý chí của người khác, khiến người này phạm tội. Người xúi giục có thể là người đã nghĩ ra việc phạm tội và đã thúc đẩy cho tội phạm có được thực hiện thông qua người khác. Do vậy, có thể gọi người xúi giục là tác giả tinh thần của tội phạm. Nhưng người xúi giục cũng có thể chỉ có tác động thúc đẩy người khác thực hiện ý định phạm tội đã có. Người xúi giục cũng có thể cùng tham gia vào việc thực hiện tội phạm nhưng cũng có thể không. Sự xúi giục có thể được thực hiện bằng nhiều thủ đoạn như kích động, lôi kéo, cưỡng ép, dụ dỗ, lừa phỉnh. Hành vi xúi giục phải trực tiếp, nghĩa là kẻ xúi giục phải nhằm vào một hoặc một số người nhất định. Việc kêu gọi, hô hào mà không hướng tới những người xác định thì không phải là hành vi xúi giục. Hành vi xúi giục phải cụ thể, nghĩa là phải nhằm gây ra việc thực hiện tội phạm nhất định. Về mặt chủ quan, cần xác định người xúi giục cần có ý định rõ ràng thúc đẩy người phạm tội. 

Do đóng vai trò là người xúi giục nên Hoàng Quốc Đ. cũng là đồng phạm với cháu Nguyễn Anh V. về tội trộm cắp tài sản. Mặc dù vậy, như đã phân tích ở trên, do cháu Nguyễn Anh V. không bị xử lý hình sự về tội trộm cắp tài sản nên Hoàng Quốc Đ. cũng không bị xử lý hình sự về tội trộm cắp tài sản. Tuy nhiên, trong trường hợp này, Hoàng Quốc Đ. sẽ bị truy tố về tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp theo Điều 252, Bộ luật Hình sự.

Theo quy định của pháp luật, dụ dỗ người người chưa thành niên phạm pháp là hành vi rủ rê, xúi giục, lôi kéo, thúc đẩy bằng các hình thức khác nhau (như cho ăn, uống, hút thuốc phiện, cho vay, bán chịu, kích thích sự ham muốn vật chất… để buộc họ phải tìm cách trả nợ bằng việc trộm cắp, gây rối…) để từng bước đưa người chưa thành niên tham gia vào hoạt động phạm tội. Do Hoàng Quốc Đ. đã dụ dỗ cháu Nguyễn Anh V. bằng việc hứa sẽ cho cháu nhân vật game mà cháu thích để khiến cho cháu V. thực hiện hành vi phạm tội, hành vi là một dạng hành vi khách quan của tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp. Do vậy, Hoàng Quốc Đ. sẽ bị truy tố về tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp theo Điều 252, Bộ luật Hình sự.

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng (Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)