Xúc động, hào hùng chương trình "Bản hùng ca bất tử"

ANTD.VN - Ngày 12/7, tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức chương trình nghệ thuật “Bản hùng ca bất tử”. Chương trình nhằm phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người có công với đất nước; tưởng nhớ và tri ân các liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hi sinh vì nền độc lập của Tổ quốc. Ban Tổ chức trân trọng cảm ơn Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đồng hành cùng chương trình.

Đêm nhạc “Bản hùng ca bất tử” là món quà tri ân bằng âm nhạc đưa khán giả ngược thời gian để trở về những ngày tháng hào hùng của dân tộc, cùng nhau sống lại những năm tháng chiến tranh gian khổ nhưng vô cùng tự hào nhân kỷ niệm 72 năm ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947- 27/7/2019).

Chương trình có sự tham dự của: Ông Phan Xuân Dũng - uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Hà Ngọc Anh - Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương; Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu - Nguyên thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam…

Trong suốt các cuộc đấu tranh chống quân xâm lược, dân tộc Việt Nam đã ghi dấu hàng triệu anh hùng – những người đánh đổi xương máu mình để giành lại độc lập, tự do, hòa bình cho đất nước. Các anh, các chị là minh chứng sáng ngời cho chân lý: Tổ quốc 4 nghìn năm anh dũng kiên cường không bao giờ khuất phục trước những dã tâm xâm lược của quân thù.

Họ đã trở thành cảm hứng mãnh liệt để các nhạc sĩ viết nên những bản “anh hùng ca”, phác họa nên một thời kỳ “cả dân tộc hành quân ra trận” trong kho tàng âm nhạc Việt Nam. Bên cạnh những ca khúc, vũ khúc hay nhất ca ngợi người lính, ca ngợi quê hương đất nước anh hùng, chương trình còn mang đến phóng sự sinh động, đặc sắc với những thước phim của thời đã qua. 

Bước ra khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc, cũng có những người con trung hiếu trở về với cuộc sống đời thường khi đã gửi lại chiến trường một phần cơ thể. Họ sống bình dị, có ích ở giữa quê hương trong sự ngưỡng mộ, biết ơn của cộng đồng, làng xóm khi phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ luôn được phát huy. Từ biên cương đến hải đảo xa xôi có rất nhiều những người lính đã chiến đấu và chiến thắng quân thù, các anh đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều nhạc sỹ chắp bút.

Trong đêm nhạc, khán giả được đến với những tác phẩm: Hát về anh - Sáng tác: Thế Hiển, Biểu diễn: Hoàng Hồng Ngọc + Múa; Màu hoa đỏ - Sáng tác: Thuận Yến, Biểu diễn: NSND Thái Bảo; Vết chân tròn trên cát - Sáng tác: Trần Tiến; Biểu diễn: Vũ Thắng Lợi; Có những tuổi 20 như thế - Sáng tác: Nguyễn Hồng Sơn; Biểu diễn: Lê Anh Dũng; Ngày mai anh lên đường - Sáng tác: Thanh Trúc, Biểu diễn: Song ca Lan Anh + Lê Anh Dũng và múa duo; Chiếc gậy Trường Sơn - Sáng tác: Phạm Tuyên, Biểu diễn: Tốp Ca Nam và múa; Cô gái mở đường - Sáng tác: Xuân Giao, Biểu diễn: Tốp nữ và múa…

Xuyên suốt chương trình là hình ảnh những người lính đã hy sinh thân mình để chiến đấu vì độc lập tự do cho dân tộc. Và đằng sau họ là hình bóng những người mẹ, người vợ cũng hy sinh hạnh phúc của riêng mình, đau đáu chờ những người thân ngoài chiến trận trở về.

Có thể thấy trong chiến tranh gian khổ, tình yêu đôi lứa, tình yêu gia đình cùng hòa quyện với tình yêu đất nước, là động lực để những người con vững tay súng chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc. Vẫn còn đây dòng máu của một dân tộc anh hùng, vẫn còn đây ý chí bất khuất kiên cường của những người con trung hiếu, những người vợ chờ chồng với lòng thủy chung son sắt.  Họ sẽ sống mãi trong muôn triệu trái tim Việt Nam với tất cả yêu thương, thành kính và biết ơn vô hạn.

Đêm nhạc còn đưa khán giả đến với chùm ca khúc: Đêm nay anh ở đâu – Sáng tác: Sáng tác: Phan Huỳnh Điểu, biểu diễn: ca sỹ Hoàng Hồng Ngọc; Miền xa thẳm - Sáng tác: Đức Trịnh; Dòng sông linh thiêngSáng tác: Lời thơ: Khánh Toàn; Nhạc: Đức Tuyết; Con xin ở lại nơi này - Thơ: Nguyễn Văn Á, Nhạc: Hà Trương; Đất nước bên bờ sóng - Sáng tác: Thái Văn Hóa; Lời ru cỏ non - Sáng tác: Hữu Uớc - Biểu diễn: NSND Thái Bảo; Khúc hát ru người mẹ lính - Sáng tác: An Thuyên - Biểu diễn: Phạm Phương Thảo-Tốp Nam và múa; Người mẹ của tôi - Sáng tác: Xuân Hồng - Biểu diễn: Vũ Thắng Lợi.

Lúc sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Máu đào của liệt sỹ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do". Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm đến công tác chăm sóc các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ. “Bản hùng ca bất tử” là món quà nghệ thuật đặc sắc, là nén tâm nhang thể hiện lòng biết ơn công lao to lớn của thế hệ cha anh, qua đó nhắc nhở thế hệ trẻ ngày hôm nay tiếp tục đoàn kết, ra sức phấn đấu, phát huy truyền thống yêu nước và tinh thần cách mạng của thế hệ đi trước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu đẹp.