Xuất khẩu hoa quả sang Mỹ, Úc: Mở cửa thị trường chỉ là bước đầu

ANTĐ - Vào vụ thu hoạch, xuất khẩu hoa quả sang thị trường Trung Quốc lại xảy ra ùn tắc trong khi, một số thị trường tiềm năng như: Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand… lượng hoa quả xuất sang lại vô cùng ít ỏi. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạt - Giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN&PTNT) đã trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô về vấn đề này.

Xuất khẩu hoa quả sang Mỹ, Úc: Mở cửa thị trường chỉ là bước đầu ảnh 1
- Một số thị trường khó tính đã “mở cửa” cho hoa quả Việt Nam. Khai thác tốt các thị trường này, hoa quả Việt Nam sẽ hạn chế được tình trạng “được mùa mất giá”, thưa ông? 

- Thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản hay Mỹ, Úc là những thị trường khó tính. Muốn xuất khẩu hoa quả vào đây phải đảm bảo 2 vấn đề. Một là đảm bảo không có dịch hại. Nước nhập hàng không muốn hoa quả nhập khẩu mang theo dịch bệnh lạ vào phá hoại tài nguyên của nước họ. Hai là điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Hàng xuất an toàn thì thị trường mới mở cửa.

Để xuất khẩu đòi hỏi phải có kỹ thuật, thao tác nông nghiệp tốt, làm giảm thiểu dịch hại ngoài đồng. Sau đó, đối với thị trường Mỹ, New Zealand, Úc thì chọn phương pháp chiếu xạ để xử lý dịch hại. Còn các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) lại yêu cầu xử lý bằng hơi nước nóng. Năm 2008, chúng ta đã mở cửa thị trường Mỹ cho quả thanh long và quả xoài. Năm 2010, mở cửa thị trường Hàn Quốc. Ngoài ra, hoa quả Việt Nam cũng đã vào được một số thị trường như: Ấn Độ, Chile, Hà Lan, Nga, Đài Loan (Trung Quốc)…

Xuất khẩu hoa quả sang Mỹ, Úc: Mở cửa thị trường chỉ là bước đầu ảnh 2Quả thanh long đã được một số thị trường khó tính chấp nhận

- Tại sao chúng ta có nhiều loại hoa quả nhiệt đới, nhưng số lượng xuất khẩu vào các thị trường trên lại không nhiều?

- Thời gian đàm phán để xuất được hoa quả sang thị trường mới thông thường mất 3 năm. Do đó, năm 2008, quả thanh long được xuất khẩu vào Mỹ, năm 2011 thêm quả chôm chôm, năm 2014 thêm nhãn và vải. Trong khi đó, với thị trường New Zealand, các loại quả vào lần lượt là: xoài, thanh long, chôm chôm… Thứ tự ưu tiên quả nào là do hai nước thỏa thuận. Bên cạnh đó, mở cửa thị trường chỉ là bước đầu. Để loại quả đó được người tiêu dùng của nước nhập khẩu biết đến thì doanh nghiệp phải tự quảng bá, giới thiệu sản phẩm. 

Chúng ta phải đàm phán “cuốn chiếu”, hết quả này rồi mới đến quả khác. Các nước cũng làm như vậy. Quả táo của New Zealand muốn vào Mỹ phải mất tới 12 năm đàm phán. Chúng ta đang rất tích cực đưa hoa quả vào các thị trường khó tính này. 

- Dường như vùng trồng hoa quả đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu này hiện rất ít. Vì sao, thưa ông?

- Chúng ta phải áp dụng các giải pháp kỹ thuật để sản xuất hoa quả tiêu chuẩn. Ví dụ, phải bọc quả lại để giảm dịch hại. Kéo theo đó là chi phí đầu tư tăng, nên làm bao nhiêu phải tính tới đầu ra. Từ đó, chúng tôi xây dựng vùng mã số tương ứng. Nếu đầu tư tăng mà người dân chỉ thu hoạch để bán cho các thị trường thông thường như Trung Quốc thì sẽ rất lãng phí. Vừa tăng về lượng nhưng cũng vừa phải đảm bảo hiệu quả kinh tế. Hiện tại, trồng trọt vẫn phải gắn vào thị trường tiêu dùng bình thường.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, rau quả Việt Nam đã được xuất đi trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, 10 thị trường xuất khẩu chính là: Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Indonesia, Hà Lan, Thái Lan và Singapore. Thị trường Hoa Kỳ chiếm 5-6% tổng lượng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam… Giá thanh long xuất khẩu sang Hoa Kỳ cao gấp 10 lần giá cùng mặt hàng xuất sang Trung Quốc.