Xuất khẩu gạo tăng nhưng nông dân lỗ nặng

ANTĐ - Nông dân trồng lúa đang phải bán thóc dưới giá thành, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng kêu lỗ, giá gạo Việt Nam trên thị trường thế giới đang thấp kỷ lục, lượng tồn kho tăng cao. Nhìn nhận hiện tượng này như thế nào và tìm phương hướng giải quyết là việc không dễ trong bối cảnh nước ta đến nay về cơ bản vẫn là một nước nông nghiệp với 70% lao động hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tính đến năm 2013, nước ta đã qua 25 năm xuất khẩu gạo, và lần đầu tiên, năm 2012 chúng ta trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Có thể nói đó là thành công có tính lịch sử của chính sách đổi mới, hội nhập kinh tế thế giới. Tuy nhiên đến thời điểm này, khi cả nước đang đứng trước một năm được mùa, một câu hỏi lớn đang được đặt ra: Chúng ta có nên tiếp tục xuất khẩu gạo? 

Thực trạng thị trường lúa gạo

Nông nghiệp nước ta đã đáp ứng nhu cầu nội địa từ 25 năm trước và đã chuyển sang nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa. Đảng và Chính phủ cũng đã có những quyết sách cùng những biện pháp để cố gắng cho nông dân có được lợi nhuận 30% trong sản xuất lúa gạo. Tuy nhiên đến nay mục tiêu đó không đạt được. Ngay trong quyết định hỗ trợ mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ hè thu năm 2013, lần đầu tiên trong nhiều năm mục đích đảm bảo nông dân có lãi đã không được đặt ra. Trong báo cáo mới nhất của Oxfam, trong khi thu nhập từ xuất khẩu lúa gạo của doanh nghiệp ngày càng tăng thì thu nhập của người trồng lúa ngày càng giảm. Thậm chí có ý kiến cho rằng, trong tất cả các ngành nghề, hình thức lao động ở Việt Nam, chỉ có nông dân, mà cụ thể ở đây là người trồng lúa, là thu nhập năm sau giảm hơn năm trước.

Tại đồng bằng sông Cửu Long, những ngày đầu tháng 6/2013, nông dân buộc phải bán cho thương lái với giá từ 3900 đồng đến 4050 đồng/kg trong khi Bộ Tài chính đã tính toán giá thành 1kg lúa do nông dân sản xuất vụ hè thu là 4142 đồng/kg. Còn trên thị trường thế giới, gạo Việt Nam còn ê chề hơn. Đầu tháng 6/2013, giá gạo trắng 5% tấm của Thái Lan ở mức 540 USD/tấn. Giá gạo cùng loại của Pakistan và Ấn Độ tương ứng ở các mức 435 USD/tấn và 440 USD/tấn. Còn với các doanh nghiệp Việt Nam, các nhà xuất khẩu gạo tiếp tục giảm giá để thu hút khách mua. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam, FOB cảng Sài Gòn, giữa tuần qua giảm còn 370-375 USD/tấn, từ mức 370-380 USD/tấn vào giữa tuần trước. Rõ ràng kinh doanh lúa gạo đang có vấn đề. Theo chuyên gia Nguyễn Đình Bích, một người chuyên theo dõi thị trường lúa gạo, cho đến tháng 12/2012 gạo của Ấn Độ cùng phẩm cấp với gạo Việt Nam chưa bao giờ bằng được giá gạo Việt Nam, nhưng kể từ đầu năm 2013 giá gạo Ấn Độ lại vượt lên và đạt đỉnh cao hơn giá gạo Việt Nam đến 75 USD/ tấn. Và nếu chỉ cần gạo Việt Nam giữ được vị thế như cuối năm 2012, bán bằng giá gạo Ấn Độ tình hình đã không thậm tệ như hiện nay. Mỗi tấn gạo chúng ta thu thêm 1,5 triệu đồng, mỗi kg gạo chúng ta có thêm 1.500 đồng, mỗi kg thóc chúng ta có thêm cỡ 1.000 đồng, nông dân có lãi và các doanh nghiệp cũng có lãi. Vậy tại sao giá gạo chúng ta thấp? 

Tại sao chúng ta bán gạo với giá thấp?

Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) nguyên nhân của việc các doanh nghiệp (DN) Việt Nam chào bán gạo với giá thấp là lượng tồn kho lớn, thị trường lúa gạo thế giới sụt giảm cả về giá và lượng tiêu thụ, sản lượng trong nước tăng mạnh. Theo VFA đến tháng 5/2013 lượng gạo tồn kho chưa xuất khẩu lên đến 2 triệu tấn. Vụ hè thu 2013, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ thu hoạch 1,680 triệu ha lúa. Theo Bộ NN&PTNT, đến nay, các tỉnh miền Nam đã thu hoạch trên 1,9 triệu ha lúa đông xuân, đạt 98%; năng suất bình quân đạt 66,2 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 13 triệu tấn. Riêng vùng ĐBSCL đã hoàn tất việc thu hoạch 1,6 triệu ha lúa đông xuân, năng suất đạt 68 tạ/ha, sản lượng đạt gần 11 triệu tấn, tăng 200.000 tấn so với vụ trước. Hiện toàn vùng cũng đã xuống giống gần 1,4 triệu ha lúa vụ hè thu, trong đó riêng vùng ĐBSCL đạt 1,27 triệu ha, bằng 97%. Cục Trồng trọt cho biết, đến 10-6 nông dân các tỉnh, thành ĐBSCL đã thu hoạch hơn 220.000ha lúa hè thu, năng suất đạt từ 5,3-5,5 tấn/ha. Theo kế hoạch, trong tháng 6-2013, ở ĐBSCL tiếp tục thu hoạch hơn 170.000ha lúa hè thu, sản lượng ước đạt 926.500 tấn lúa; tháng 7 thu hoạch 680.000ha, sản lượng hơn 3,8 triệu tấn lúa… Nguồn cung càng lúc càng nhiều, vì vậy đẩy mạnh tiêu thụ lúa hè thu nhằm bảo vệ lợi ích nông dân đang là vấn đề cấp bách. Và với tình hình sản lượng tăng như vậy, các DN Việt Nam càng nôn nóng bán ra với bất cứ giá nào và giá gạo thấp là đương nhiên. 

Tuy nhiên nhiều chuyên gia về lúa gạo lại cho rằng năm 2012 mặc dù sản lượng lúa có tăng, nhưng lại là năm chúng ta xuất khẩu đạt kỷ lục trên 8 triệu tấn gạo và vì vậy lượng tồn kho không thể lớn. Đầu năm 2013, sản lượng lúa vụ đông xuân tăng 200.000 tấn trong khi lượng gạo xuất khẩu tăng hơn con số đó nhiều lần nếu so với cùng kỳ năm 2012. Vậy lượng gạo tồn ở đâu ra? Các chuyên gia cho rằng có thể có một vài DN có tồn kho nhưng nếu xét toàn diện, lượng gạo tồn kho không thể là áp lực với các DN xuất khẩu gạo được. Về lý do thị trường thế giới đang có dấu hiệu sụt giảm cả về nhu cầu lẫn giá gạo cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Mặt khác trong khi Việt Nam chào giá gạo rất thấp thì các nước xuất khẩu khác vẫn xuất khẩu với giá cao như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan…Tại sao họ bán cao mình lại bán thấp. 

Vấn đề ở chỗ các DN Việt Nam có bản lĩnh kinh doanh quá thấp và chưa có trách nhiệm với nông dân, người tạo ra nguyên liệu cho họ kiếm lợi nhuận. Các DN Việt Nam chưa có dự báo thị trường tốt. Đã xuất hiện thường xuyên tình trạng nếu giá gạo thế giới tăng cao thì chúng ta hạn chế xuất khẩu, khi giá thế giới hạ chúng ta lại ào ào bán ra. Bản lĩnh đàm phán giá tốt của thương nhân Việt Nam cũng quá kém do trình độ một phần nhưng quan trọng hơn là thiếu trách nhiệm với nông dân. Các DN thường ký hợp đồng xuất khẩu trước, sau đó về nước ép mua lúa của nông dân theo giá mình ký mà không làm ngược lại là căn cứ vào giá mua lúa của nông dân mà tìm thị trường bán ra. Chính vì vậy giá nào các DN cũng bán và sự sụt giảm về giá là dễ hiểu. 

Thêm nữa sự phụ thuộc vào một số thị trường xuất khẩu chủ yếu cũng làm bó chân bó tay các DN. Trung Quốc là thị trường lớn nhập khẩu đến trên 30% gạo xuất khẩu của chúng ta. Chưa bàn đến các thủ đoạn kinh doanh của các thương nhân Trung Quốc, ngay khi một số DN Việt Nam có ý định tăng giá gạo xuất khẩu họ lập tức hủy hàng loạt hợp đồng nhập khẩu. Vậy là các DN Việt Nam chùn tay. Nhưng như chuyên gia Nguyễn Đình Bích đã chỉ rõ: Trung Quốc không thể tìm đâu được nguồn gạo có chất lượng và giá rẻ cùng với chi phí vận tải, nhập khẩu tốt hơn Việt Nam. Và nếu họ có hủy hợp đồng nhập hôm nay thì  ngày mai họ sẽ ký lại với giá cao hơn. Họ là người thực tế.Theo tôi ngay tại thời điểm này có thể dễ dàng tăng giá gạo bán ra lên đến 410USD một tấn mà không phải giảm sản lượng.Theo ông Phan Thế Ruệ nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, người theo dõi việc xuất khẩu gạo nhiều năm  thì cho rằng việc hủy bỏ giá sàn xuất khẩu gạo trong những năm vừa qua là một việc làm bất hợp lý, thiếu trách nhiệm với nông dân.

Theo các chuyên gia, việc khẩn cấp là phải điều tra chi tiết tình hình tồn trữ và xuất khẩu gạo. Khôi phục giá sàn xuất khẩu đi cùng với tái cấu trúc nền nông nghiệp, trong ngành sản xuất lúa gạo cần hỗ trợ mạnh công tác xây dựng cánh đồng mẫu lớn để chủ động trong sản xuất và xuất khẩu lúa gạo. Về đề xuất giảm sản lượng lúa gạo, cần phải cân nhắc. Thêm nữa, trong công tác quản lý ngành, sớm yêu cầu các DN xuất khẩu gạo phải gắn kết và cùng chung lợi ích vơi nông dân các vùng nguyên liệu. Chỉ có vậy gánh nặng trên vai hàng chục triệu nông dân mới nhẹ bớt.