- Bài 2: Biện pháp đẩy lùi "tín dụng đen", giảm tỷ lệ tội phạm
- Khởi tố 'cá mập tín dụng đen' ở Quảng Ninh
Hạn chế vay "tín dụng đen" để tránh rủi ro |
Tín dụng tiêu dùng gia tăng
Khuyến khích tín dụng tiêu dùng là xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở các nước phát triển, tỷ lệ tín dụng tiêu dùng chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 60-70% tổng dư nợ cho vay.
Theo Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, nước ta có khoảng 100 triệu dân nhưng tỉ lệ người dân sử dụng tín dụng tiêu dùng vẫn còn rất hạn chế, do lối tư duy của người tiêu dùng là không muốn vay nợ và chưa có kế hoạch chi tiêu dẫn tới không thể chi trả khoản nợ, tạo ra nợ xấu.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rất quan tâm tín dụng tiêu dùng vì hoạt động này không chỉ đáp ứng nhu cầu chi tiêu của người dân, góp phần kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mà còn giúp giảm quy mô và hoạt động “tín dụng đen”.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, hoạt động tín dụng tiêu dùng những năm qua đã có bước phát triển mạnh cả về quy mô dư nợ, số lượng tổ chức tín dụng tham gia và mức độ đa dạng về sản phẩm, dịch vụ.
Đến nay, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, trở thành một phần quan trọng trong cơ cấu tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng bình quân giai đoạn từ năm 2010 đến nay luôn cao hơn tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung của toàn nền kinh tế.
Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đến cuối tháng 9-2024 đạt 8,53%, trong khi cùng kỳ năm 2023 đạt khoảng 6,24%.
Còn theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 30-9, tín dụng ngân hàng tăng 9%. Mức tăng tín dụng này cho thấy sự cải thiện đáng kể của cầu tín dụng và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, khi hết ngày 30-6, tăng trưởng tín dụng mới đạt 6% so với cuối năm 2023. Đáng chú ý, tính đến cuối tháng 5-2024, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 2,4%. Như vậy, trong tháng 6-2024, tín dụng đã tăng 3,6%.
Theo thống kê và tổng kết trong những tháng đầu năm và những tháng cuối năm 2024, sự tăng trưởng tín dụng tiêu dùng ở một số ngân hàng có thể nhìn thấy rõ nhu cầu mua sắm cuối năm của người tiêu dùng. Tại ACB, tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm đạt 550.000 tỷ, tăng 12,8%. Đại diện TPBank kỳ vọng, tăng trưởng cho vay dư nợ tiêu dùng cuối năm khoảng 25%, trong đó riêng dư nợ các sản phẩm vay tiêu dùng qua kênh số sẽ tăng trưởng 35%, đạt hơn 5.000 tỷ đồng.
Quý III vừa qua VPBank đã hợp tác với Lotte C&F Việt Nam, trở thành tiền đề để hai bên khai thác thế mạnh song phương và tận dụng cơ hội từ sức mua mạnh mẽ của thị trường gần 100 triệu dân mang lại…
Tuy nhiên, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho rằng, hoạt động tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế và gặp nhiều thách thức. Từ năm 2020 đến nay, thị trường tài chính tiêu dùng đối mặt với những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và sự suy giảm tổng cầu.
Gần đây, xuất hiện tình trạng tội phạm lợi dụng môi trường mạng xã hội, tổ chức nhiều hội nhóm truyền bá, hướng dẫn nhau cách không phải trả nợ cho công ty tổ chức tín dụng; các công ty mạo danh, lừa đảo… đã làm ảnh hưởng tới hoạt động tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tín dụng nói riêng và sự phát triển ổn định, lành mạnh của thị trường tín dụng tiêu dùng nói chung.
Cần hạn chế “tín dụng đen”
Tâm lý không ít người tiêu dùng hiện nay vẫn là ngại tới các tổ chức, công ty tín dụng uy tín vì e ngại thủ tục rườm rà, ràng buộc pháp lý… Điều này đã tạo điều kiện cho “tín dụng đen” phát triển.
Để hạn chế “tín dụng đen”, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đưa ra một số giải pháp. Cụ thể là cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động cho vay nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người dân về vấn đề vay tiền để phục vụ đời sống của người dân, vay để tiêu dùng;
Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống của các tổ chức tín dụng, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hoạt động tín dụng tiêu dùng, tạo điều kiện để tổ chức tín dụng đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, bám sát với nhu cầu thị trường, đồng thời nêu cao việc phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm công nghệ cao;
Đặc biệt, cần tổ chức các khóa tập huấn, nâng cao kiến thức về tín dụng tiêu dùng đối cho chính quyền địa phương, phối hợp các cơ quan quản lý Nhà nước tuyên truyền các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến người dân, giúp người dân hiểu đúng về tín dụng tiêu dùng và các tổ chức uy tín; Đưa ra hệ lụy, hậu quả của "tín dụng đen".
“Bản thân các tổ chức tín dụng cần rà soát, đổi mới phương thức cung cấp thông tin, cách thức tiếp cận khách hàng vay để người dân hiểu đúng, đầy đủ về các sản phẩm, dịch vụ”- Ủy ban Cạnh tranh quốc gia khuyến cáo.
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Công an trong việc kết nối khai thác dữ liệu thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng dữ liệu này trong hoạt động tín dụng tiêu dùng; Triển khai hiệu quả Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen".
Mặt khác, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng liên quan đến các giao dịch trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng cũng được quy định tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Người dân cần tìm hiểu để không dính líu đến “tín dụng đen” nhằm tránh những rủi ro không đáng có.