Xuất hiện bệnh tay chân miệng ở trẻ em

(ANTĐ) - Sở Y tế Hà Nội cho biết, 2 tuần trở lại đây, Hà Nội đã ghi nhận một số bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng. Các ca bệnh xuất hiện rải rác, chưa có chùm ca bệnh, cũng chưa có bệnh nhân nặng, tử vong.

Hà Nội:

Xuất hiện bệnh tay chân miệng ở trẻ em

(ANTĐ) - Sở Y tế Hà Nội cho biết, 2 tuần trở lại đây, Hà Nội đã ghi nhận một số bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng. Các ca bệnh xuất hiện rải rác, chưa có chùm ca bệnh, cũng chưa có bệnh nhân nặng, tử vong.

Trên thực tế, đây không phải là những bệnh nhân tay chân miệng đầu tiên được ghi nhận ở Hà Nội trong năm nay. Bởi theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi - BV Bạch Mai, từ giữa mùa xuân, khoa này đã rải rác tiếp nhận bệnh nhi mắc tay chân miệng vào điều trị. Trong khi đó, kết quả giám sát của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy, từ đầu năm đến nay các tỉnh miền Bắc ghi nhận được 14 ca mắc chân tay miệng tại 6 tỉnh, thành phố.

Đáng chú ý, chủng virus gây bệnh tay chân miệng ở miền Bắc rất đa dạng, bao gồm cả virus EV71 (C4) (đây là loại virus nguy hiểm, đã khiến 13 trường hợp tử vong tại miền Nam), và virus Coxsackievirus (CA16). Tính trên phạm vi cả nước, số ca mắc chân tay miệng từ đầu năm đến nay là 6.112 trường hợp, xuất hiện tại 30 địa phương, trong đó đã có 17 ca tử vong (96,6% ở khu vực miền Nam).

Theo PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Bệnh dễ lây, lây rất nhanh qua đường hô hấp, tiếp xúc nên thường phát tán và gia tăng ở nhóm trẻ trong các trường mầm non, nhà trẻ, nơi đông dân cư. Triệu chứng nhận biết ban đầu của bệnh gồm: sốt, đau họng, trẻ biếng ăn hoặc bỏ ăn, sau 1 - 2 ngày xuất hiện những nốt hồng ban đường kính vài mm nổi trên nền da bình thường, sau đó trở thành bóng nước.

Bên trong miệng, lưỡi có dạng vết loét. Những bóng nước ngoài da thường xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, cẳng chân hoặc ở cánh tay. Bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, liệt mềm cấp, viêm cơ tim, phù phổi cấp... Hiện tại, bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc phòng bệnh theo các khuyến cáo của ngành y tế và đưa trẻ đi khám sớm khi phát hiện các triệu chứng bệnh là cực kỳ quan trọng.

Duy Tiến