Xử phạt xe không “chính chủ”: Bộ GTVT bỏ một số nội dung

ANTĐ - Dự thảo Nghị định (NĐ) xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt mà Bộ GTVT đang chủ trì soạn thảo tiếp tục làm “nóng” dư luận bởi một số quy định như phạt xe không sang tên đổi chủ, không nộp phí bảo trì đường bộ… Tuy nhiên, trong dự thảo lần 3 của NĐ, Bộ trưởng Bộ GTVT đã quyết định bỏ một số nội dung không xử phạt trong NĐ này.

Xác minh nguồn gốc phương tiện là điểm khó trong xử phạt xe không chính chủ

Xe chính chủ xác minh không dễ

Đại diện Vụ An toàn giao thông cho biết, chỉ trong thời gian ngắn lấy ý kiến đóng góp dự thảo NĐ, Ban soạn  thảo đã nhận được hơn 300 ý kiến khác nhau từ phía người dân. Trong đó, nổi cộm là một số nội dung được rất nhiều người quan tâm và còn nhiều ý kiến trái chiều là phạt hành vi không sang tên đổi chủ phương tiện khi mua bán, sang nhượng và hành vi không nộp phí bảo trì đường bộ đối với phương tiện. Thậm chí, ngay các thành viên, đại diện các bộ, ngành trong Ban soạn thảo cũng còn có những ý kiến trái chiều.

Đại diện Vụ An toàn giao thông phân tích, đối với quy định không chuyển quyền sở hữu phương tiện dù đã quy định trong NĐ 45 ban hành năm 2003, rồi trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác, song Vụ An toàn giao thông đề xuất trong dự thảo NĐ lần 3 không đưa nội dung xử phạt này vào. “Hệ thống văn bản hướng dẫn về sang tên đổi chủ hiện nay có nhiều vấn đề chưa rõ ràng. Khi nào chúng ta có đầy đủ, hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn cũng như mức lệ phí sang tên đổi chủ giảm xuống thì sẽ bổ sung”. Đối với quy định xử phạt chủ phương tiện không đóng phí bảo trì đường bộ, đại diện Vụ này cho rằng, lĩnh vực này liên quan với quy định về phí và lệ phí, nên xem xét đưa sang lĩnh vực phí và lệ phí để bảo đảm tính thống nhất và hợp lý hơn.

Đại tá Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt (Bộ Công an) bày tỏ, hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện đã được quy định trong Luật  Giao thông đường bộ. “Quan điểm của chúng tôi vẫn đề nghị đưa hành vi này vào NĐ xử phạt lần này. Vì trong các văn bản quy phạm pháp luật đã quy định, cần tránh tình trạng luật không chuẩn, không đi vào cuộc sống và cũng tránh tình trạng đưa vào nhưng khi ban hành thì không thực hiện được”, Đại tá Trần Sơn Hà nói. 

Cũng theo Đại tá Trần Sơn Hà, Chính phủ đã giao các bộ, ngành đưa việc xử phạt trong lĩnh vực này vào tài khoản của những người sở hữu phương tiện. Nếu không đưa quy định này vào NĐ thì không thể xử phạt được. Thực thi vừa đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, đảm bảo tính chặt chẽ của pháp luật, phòng ngừa tội phạm.

Bỏ xử phạt xe “chính chủ”

Mặc dù vậy, đại diện Vụ Pháp chế - Bộ Công an vẫn cho rằng, liên quan đến vấn đề chuyển quyền sở hữu phương tiện hiện Bộ Công an đang có 2 Thông tư hướng dẫn. Thông tư 36 đang thực thi quy định đối với phương tiện đăng ký lần đầu, còn phương tiện qua nhiều chủ sở hữu, nhiều thủ tục sẽ thực hiện theo Thông tư 12 vừa ban hành. Bộ Công an cũng quy định rõ, Thông tư 12 sẽ thực hiện hết năm 2014. Như vậy, đại diện Vụ Pháp chế nhận định, sau năm 2014 mới tiến hành xử phạt đối với các phương tiện đã mua bán, chuyển nhượng mà không sang tên đổi chủ. 

Vấn đề chưa xử phạt xe không sang tên đổi chủ vào thời điểm này được đại diện khá nhiều bộ, ngành đồng tình. Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nêu ý kiến, xác minh xe đã qua chuyển nhượng mà không sang tên đổi chủ làm sao phải vừa dễ, nhanh và chính xác, còn nếu phát hiện chỉ qua đối chiếu giữa người điều khiển và giấy đăng ký phương tiện là không đủ. Ông Quyền phân tích: “Cần nghiên cứu có hình thức nào quản lý rõ ràng, minh bạch hơn thì mới đưa quy định xử phạt này vào NĐ. Nếu không, chỉ đưa vào xử lý một số trường hợp như xe bị tạm giữ, điều tra TNGT. Còn để xử lý hết các đối tượng đi xe trên đường về vấn đề sang tên đổi chủ này thì rất rắc rối, không ổn”. 

Trước những ý kiến khá “nóng” về vấn đề sang tên đổi chủ phương tiện, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chỉ đạo: “Việc không chuyển quyền sở hữu phương tiện đã được quy định tại các NĐ trước. Nhưng, trong quá trình thực hiện NĐ 71/2012 do mức phạt cao, điều khoản thực hiện khó, tính khả thi lại không cao. Bởi vậy, quy định này sẽ đưa ra khỏi dự thảo NĐ lần 3 để tiếp tục nghiên cứu đồng bộ, tính khả thi cao thì mới bổ sung hoặc đưa vào văn bản khác”. Cũng theo ông Đinh La Thăng, việc đưa quy định xử phạt này vào NĐ rất dễ dẫn đến tình trạng, người vi phạm một hành vi nhưng lại bị kéo vào cuộc xác minh xe chính chủ. Trong khi, quy định này cần trao đổi minh bạch, kỹ lưỡng hơn. Nếu trong trường hợp các Bộ, ngành vẫn còn ý kiến trái chiều nhau thì sẽ báo cáo Chính phủ để biểu quyết. 

Đối với hành vi không nộp phí bảo trì đường bộ, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhận định việc xử lý là cần thiết và đã có căn cứ. Tuy nhiên, Bộ GTVT sẽ đề nghị Bộ Tài chính đưa nội dung xử phạt hành vi không nộp phí bảo trì đường bộ vào NĐ xử phạt hành chính trong lĩnh vực phí và lệ phí, không đưa nội dung xử phạt hành vi không nộp phí bảo trì đường bộ vào dự thảo NĐ xử phạt trong lĩnh vực giao thông.