Xử phạt như... phủi bụi

(ANTĐ) - Chỉ còn khoảng hơn 2 tuần nữa, Luật An toàn thực phẩm (ATTP) sẽ chính thức có hiệu lực, tuy nhiên những lo ngại về thực trạng VSATTP vẫn chưa hề suy giảm. Ngay cả phía cơ quan chức năng cũng phải thốt lên: “ATTP hiện nay thật… đáng sợ”.

Tràn ngập thực phẩm không đảm bảo:

Xử phạt như... phủi bụi

(ANTĐ) - Chỉ còn khoảng hơn 2 tuần nữa, Luật An toàn thực phẩm (ATTP) sẽ chính thức có hiệu lực, tuy nhiên những lo ngại về thực trạng VSATTP vẫn chưa hề suy giảm. Ngay cả phía cơ quan chức năng cũng phải thốt lên: “ATTP hiện nay thật… đáng sợ”.

Thực trạng đáng sợ

Liên tục phát hiện nhiều phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc tại chợ Đồng Xuân
Liên tục phát hiện nhiều phụ gia thực phẩm không rõ nguồn  gốc tại chợ Đồng Xuân

Là địa phương có số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lớn nhất nhì cả nước, 5 tháng đầu năm 2011 này, Sở Y tế Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm cho gần 1.000 cơ sở mới. Cùng với đó, các đoàn kiểm tra VSATTP của thành phố cũng đã tăng cường thanh, kiểm tra và phát hiện 25% số cơ sở vi phạm các tiêu chí về VSATTP. Ở tuyến quận/ huyện/thị xã và xã/phường/ thị trấn, số cơ sở bị kiểm tra có vi phạm thậm chí còn ít hơn, chiếm 18%. Cũng trong thời gian này, toàn thành phố chỉ ghi nhận 2 vụ ngộ độc thực phẩm với 31 người mắc, không có tử vong… Thế nhưng theo nhận xét của chính một số người trong cuộc, những con số báo cáo trên mới chỉ lột tả được một phần bề nổi của vấn đề. Thực tế, vi phạm VSATTP tại Hà Nội đáng sợ hơn rất nhiều.

Bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương, đồng thời là Trưởng một đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP của thành phố trong Tháng hành động vì chất lượng VSATTP vừa qua (từ ngày 15-4 đến 15-5) cho rằng, có đi kiểm tra thị trường mới biết chỗ nào cũng tràn ngập thực phẩm không đảm bảo. Vi phạm VSATTP xảy ra tràn lan từ các chợ cho đến nhà hàng, siêu thị. Nhiều loại thực phẩm đóng hộp, thực phẩm đông lạnh đã hết “đát” từ lâu, thậm chí đã bốc mùi thối vẫn được người kinh doanh, chủ cơ sở xử lý lại, tẩy “đát” để bán. Phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn ngập. Ngay đến sản phẩm cà phê, quản lý thị trường thành phố cũng vừa phát hiện, tịch thu hơn 50.000 sản phẩm quá “đát”. Gần đây nhất là đêm 11-6, lực lượng quản lý thị trường thành phố đã bắt giữ 4 xe vận chuyển 12,5 tấn gà sống không rõ nguồn gốc, không có kiểm dịch thú y, được nhập về từ Trung Quốc qua tỉnh Quảng Ninh về khu vực chợ Hà Vĩ…

Báo cáo từ Sở Công Thương chỉ rõ hơn, riêng trong Tháng hành động, các đoàn kiểm tra của Sở đã tịch thu tiêu hủy trên 3,2 tấn gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ; 1,1 tấn nội tạng động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch đã bốc mùi hôi thối; tịch thu 3,8 tấn bánh kẹo do nước ngoài sản xuất không rõ nguồn gốc; thu giữ 1.000 chai rượu ngoại nhập dán tem nhập khẩu giả…

Ngày càng “nhờn” luật

ATVSTP luôn là nỗi lo của người tiêu dùng
ATVSTP luôn là nỗi lo của người tiêu dùng

Từ 1-7, Luật ATTP sẽ chính thức có hiệu lực với rất nhiều quy định mới chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn. Thế nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa có Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành luật, do đó rất khó để áp dụng các chế tài xử phạt mới với các hành vi vi phạm về VSATTP. Điều đó cũng có nghĩa, khi chưa có Nghị định hướng dẫn thì giai đoạn trước và sau khi luật có hiệu lực, để đảm bảo VSATTP thì công tác quan trọng nhất vẫn là đẩy mạnh tuyên truyền. Bởi với các quy định hiện hành, việc xử lý vi phạm về VSATTP chẳng khác nào… phủi bụi, chứ chưa nói gì đến sức răn đe.

Chẳng hạn như vụ Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội kết hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ hơn 1 tấn thịt và nội tạng dê đã bốc mùi, không có nguồn gốc xuất xứ, do một cơ sở chế biến thịt dê trên đường K3 (Cầu Diễn, Từ Liêm) nhập để sơ chế và tiêu thụ ra thị trường cách đây nửa tháng. Đây là hành vi vi phạm rất nghiêm trọng song dù đã áp dụng mức xử phạt nặng nhất theo quy định, phía cơ sở cũng chỉ phải nộp phạt 20 triệu đồng. Số tiền phạt này chưa đủ để… tiêu hủy lô thịt, nội tạng dê nói trên. Tương tự, tại cuộc họp Ban chỉ đạo liên ngành thành phố Hà Nội về VSATTP diễn ra sáng  13-5, đại diện Cảnh sát môi trường - Công an TP Hà Nội lấy dẫn chứng, ở Trung Quốc, vụ việc sữa bột chứa hóa chất độc hại cho trẻ em, chủ cơ sở gây nên tác hại nghiêm trọng này phải nhận án tử hình, còn ở nước ta hiện nay chưa có bất cứ hành vi vi phạm về VSATTP nào bị khởi tố.

Bà Mai cho rằng, vi phạm về VSATTP liên quan đến phạm trù đạo đức, liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người nên không thể nương nhẹ được. Do vậy, ngoài tuyên truyền cần sớm kiến nghị có chế tài xử phạt nặng với hành vi vi phạm. Về điều này, GS.TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng cho rằng, dù công tác tuyên truyền về VSATTP đã được thực hiện rất mạnh trong những năm gần đây song vẫn còn khoảng 30-40% số cơ sở vi phạm do chưa thực sự ý thức về vấn đề này hoặc biết nhưng vì lợi ích, lợi nhuận mà cố tình vi phạm.

Duy Tiến