Xử lý xe vô chủ, vì sao vẫn tắc?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết hiện có hàng nghìn chiếc xe vô chủ nằm trong các bãi trông giữ thời gian dài không ai đến nhận nên đã hư hỏng nặng chẳng khác nào những đống sắt vụn, gây lãng phí không nhỏ về tiền của, ảnh hưởng xấu đến môi trường và làm tăng nguy cơ xảy ra hỏa hoạn. Xin hỏi, pháp luật hiện hành có quy định ra sao về việc giải quyết đối với xe vô chủ, giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên? Nguyễn Xuân Tình (Hải Phòng)

Luật sư Lê Hồng Vân trả lời:

Luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Các bãi trông giữ phương tiện vi phạm ngày càng quá tải, nhất là sau khi Nghị định 100/2019 có hiệu lực. Tình trạng những xe ô tô, xe máy, xe ba bánh chồng đống lên nhau, bụi phủ mờ, hoen gỉ trong các điểm trông giữ phương tiện diễn ra khá phổ biến. Có chiếc xe nằm trong bãi tới gần chục năm và giá trị của xe chỉ tính như sắt vụn nên không có ai đến nhận.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là nhiều xe vi phạm có giá trị thấp, xe cũ, nhưng mức phạt cao nên người vi phạm không đến đóng phạt mà bỏ xe. Còn nếu đấu giá, tiền thu về chưa chắc đủ tiền thuê vận chuyển từ kho ra ngoài và trả tiền thuê lưu kho bãi do xe cũ nát có giá trị rất thấp.

Điều 230 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thủ tục xử lý, thanh lý đối với loại tài sản trên nêu rõ, chủ bến bãi nơi đang trông giữ xe gửi phải có trách nhiệm thông báo đến chủ sở hữu đến làm thủ tục nhận lại phương tiện. Trường hợp không nắm được địa chỉ của người gửi xe, chủ bến bãi thông báo và giao nộp số phương tiện không có người đến nhận cho UBND hoặc công an cấp xã, phường ở địa phương nơi bãi xe đang hoạt động để xác minh. Sau khi có kết quả xác minh, chủ bến bãi sẽ đăng báo 3 kỳ công khai thông tin để chủ sở hữu biết và đến làm thủ tục nhận lại tài sản. Trong vòng 1 năm, nếu vẫn không ai đến nhận thì được phép thanh lý tài sản.

Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hết thời gian tạm giữ nhưng người vi phạm không đến nhận đã có Nghị định 31/2020 và Nghị định 115/2013 quy định cách thức xử lý. Hết thời hạn quy định, người vi phạm không đến nhận thì người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu, đem bán đấu giá, sung quỹ nhà nước.

Quy định là vậy nhưng thực tế việc xử lý những chiếc xe vô chủ này còn nhiều vướng mắc. Trung bình quy trình thực hiện tính từ lúc xác định vô chủ đến hoàn tất công tác thanh lý tài sản mất thời gian khá dài. Để có thể thanh lý số tài sản này, nhiều bãi xe phải cử người cà số khung, số máy các phương tiện rồi lập danh sách gửi công an địa phương rà soát nhằm phát hiện xe gian, xe liên quan đến các vụ án. Số xe vô chủ còn lại được lập danh sách thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Mặc dù vậy, song nếu UBND, công an cấp xã không thực hiện thủ tục thông báo công khai hoặc không thực hiện xác minh và giao kết quả xác minh, xác định chủ sở hữu các phương tiện cho chủ bến bãi thì không đủ điều kiện để chủ bến bãi xác lập quyền sở hữu, thanh lý. Do đó, các cơ quan chức năng cần có trách nhiệm phối hợp với nhau, nếu không thực hiện sẽ không đầy đủ thủ tục, việc thanh lý sẽ bị vướng. Trong một số trường hợp chủ sở hữu phương tiện xuất hiện truy đòi tài sản sẽ phát sinh các khiếu nại, khiếu kiện.

Xe vô chủ xếp chồng đống trong các bãi xe gây ra nhiều hệ lụy

Xe vô chủ xếp chồng đống trong các bãi xe gây ra nhiều hệ lụy

Ngoài ra, có thể xử lý số xe này theo quy định về tài sản không xác định được chủ sở hữu. Tài sản dạng này là trường hợp không biết ai là người có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt và cũng không có căn cứ để xác định việc chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu. Người phát hiện loại tài sản dạng này phải thông báo hoặc giao nộp cho công an hoặc UBND cấp xã. Sau một năm kể từ ngày thông báo công khai mà không xác định được ai là chủ sở hữu tài sản là động sản thì quyền sở hữu đối với động sản đó thuộc về người phát hiện tài sản.

Mặt khác quan hệ pháp luật giữa người gửi xe và người nhận gửi xe là quan hệ hợp đồng gửi giữ tài sản. Khi hết thời hạn gửi giữ, người gửi không đến nhận lại tài sản thì có thể chuyển giao quyền sở hữu tài sản. Theo đó, người đang chiếm hữu, quản lý xe tùy từng trường hợp có thể xác lập quyền sở hữu dựa trên 3 căn cứ xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu hoặc tài sản do người khác bỏ quên.

Song, để xác định tài sản vô chủ phải chứng minh được chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu tài sản. Đó là việc họ tuyên bố công khai hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ việc mình từ bỏ quyền với tài sản. Trường hợp này khó xác định được chủ sở hữu có từ bỏ quyền sở hữu hay không nên khó coi là tài sản vô chủ.

Việc không thể thu phí trông giữ, mất một phần diện tích bãi xe làm ảnh hưởng doanh thu, lại tốn kém chi phí quản lý phòng cháy nổ… những chiếc xe gửi quá hạn không ai đến nhận đang khiến các chủ bãi giữ xe “đau đầu”. Để giảm thiệt hại và phiền phức do các phương tiện vô chủ gây ra, doanh nghiệp kinh doanh bãi giữ xe cần sớm phối hợp với cơ quan chức năng xác lập quyền sở hữu đối với tài sản theo quy định.

Về thủ tục thanh lý xử lý xe vô chủ, cơ quan Nhà nước cần nghiên cứu, rút ngắn công đoạn thực hiện nhằm giải phóng nhanh chóng đối với xe hành khách gửi xe nhưng không đến nhận như có thể giao cho công an cấp huyện trở lên xác minh, sàng lọc, giao cho cơ quan chức năng tổ chức bán đấu giá, sau khi trừ các loại chi phí thì còn bao nhiêu sẽ sung công Nhà nước.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn.