Xử lý vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ

Xử lý vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ

>>> Xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ (Kỳ I)

>>>  Xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ  (Kỳ II)

5. Người điều khiển xe ôtô chở khách, ôtô chở người vượt quá số người quy định sẽ bị xử phạt theo khoản 3 điều 27 - Nghị định số 146/2007/NĐ-CP

- Cụ thể: “Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng trên mỗi người (hành khách) vượt quá quy định được phép chở của phương tiện (trừ xe buýt) đối với hành vi: chở quá 2 người trở lên trên xe đến 9 chỗ ngồi, chở quá từ 3 người trở lên trên xe 10 chỗ ngồi đến 15 chỗ ngồi, chở quá 4 người trở lên trên 16 chỗ ngồi đến xe 30 chỗ ngồi, chở quá từ 5 người trở lên trên xe 30 chỗ ngồi”.

- Cách tính số người vượt quá (x) để tiến hành xử phạt theo quy định trên như sau: X=Tổng số người trên xe khi kiểm tra - (số người hoặc số chỗ ghi trên giấy đăng ký xe + số người chở thêm của loại xe mà chưa đến mức bị xử phạt).

Ví dụ: Đối với xe 45 chỗ ngồi nếu chở 49 người (quá 4 người) thì không bị xử phạt nếu chở 54 người thì cách tính số người vượt quá để tiến hành xử phạt là:

X=54 người - (45 người + 4 người)= 5 người.

6. Việc đình chỉ lưu hành phương tiện vi phạm hành chính theo khoản 1 điều 49 - Nghị định số 146/2007/NĐ-CP. Cụ thể:

- Đối với phương tiện VPHC là xe môtô, xe gắn máy thì việc đình chỉ lưu hành phương tiện VPHC được thực hiện bằng hình thức tạm giữ xe môtô, xe gắn máy đó và đối với phương tiện VPHC là xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng thì việc đình chỉ lưu hành phương tiện VPHC được thực hiện bằng hình thức tạm giữ đăng ký phương tiện (đăng ký xe), biển số đăng ký gắn phía trước của xe, sổ chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoặc tạm giữ phương tiện.

- Việc tạm giữ đăng ký xe, biển số đăng ký gắn phía trước của xe, sổ chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong các trường hợp sau:

+ Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35km/h.

+ Điều khiển xe ôtô chở khách mà vượt trên 50% đến 100% hoặc trên 100% số người (hành khách) được phép chở của phương tiện.

+ Điều khiển xe không đăng ký tham gia kinh doanh vận tải khách mà chở khách hoặc để người đứng, ngồi, nằm trên mui xe, nóc xe, trong khoang chứa hành lý khi xe đang chạy.

- Việc tạm giữ phương tiện áp dụng đối với các trường hợp vi phạm quy định tại các điểm a, b, c khoản 1, điều 49 Nghị định số 146/2007/NĐ-CP.

- Người có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ lưu hành phương tiện vi phạm hành chính phải thực hiện theo đúng mẫu do Bộ Công an ban hành kèm theo Thông tư này.

7. Về thủ tục xử phạt áp dụng điều 48 - Nghị định 146/2007/NĐ-CP và việc ủy quyền xử phạt vi phạm hành chính áp dụng điều 41 - Pháp lệnh xử lý VPHC năm 2002; đã được sửa đổi, bổ sung các năm 2007, 2008.

Cấp phó được ủy quyền xử phạt phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước cấp trưởng, trước pháp luật và không được ủy quyền cho bất cứ cá nhân nào khác. Việc ủy quyền phải thực hiện bằng văn bản theo đúng mẫu do Bộ Công an ban hành kèm theo Thông tư này.