Công dân hỏi - Bộ Công an trả lời

Xử lý trường hợp bật đèn khẩn cấp để đỗ xe trên tuyến đường cấm dừng, đỗ

ANTD.VN - Nhiều tuyến đường có biển cấm các phương tiện dừng, đỗ. Tuy nhiên, thực tế có nhiều xe ô tô vẫn dừng, đỗ thành hàng và bật đèn khẩn cấp, gây ùn tắc giao thông. Bộ Công an cho tôi hỏi, trường hợp lợi dụng việc bật đèn khẩn cấp để đỗ xe trên tuyến đường cấm dừng, đỗ thì bị xử lý như thế nào?

Xử lý trường hợp bật đèn khẩn cấp để đỗ xe trên tuyến đường cấm dừng, đỗ ảnh 1Cấp căn cước công dân

- Người hỏi Phạm Quang Dũng: Hàng ngày, tham gia giao thông trên đường tôi thấy nhiều tuyến đường có biển cấm các phương tiện dừng, đỗ. Tuy nhiên, thực tế có nhiều xe ô tô vẫn dừng, đỗ thành hàng và bật đèn khẩn cấp, gây ùn tắc giao thông. Bộ Công an cho tôi hỏi, trường hợp lợi dụng việc bật đèn khẩn cấp để đỗ xe trên tuyến đường cấm dừng, đỗ thì bị xử lý như thế nào?

- Bộ Công an trả lời: Khoản 1 Điều 11 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ, trong đó có hệ thống biển báo. Người điều khiển phương tiện khi dừng, đỗ xe trên đường bộ và trên đường phố phải tuân thủ các quy định tại Điều 18, Điều 19 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, không được để phương tiện ở lòng đường, hè phố trái quy định; nơi có biển cấm dừng, cấm đỗ xe.

Trường hợp các phương tiện khi tham gia giao thông gặp sự cố kỹ thuật, phải dừng, đỗ xe ở những tuyến đường có biển cấm phương tiện dừng, đỗ và bật đèn khẩn cấp; người điều khiển phương tiện cần nhanh chóng liên lạc với các đơn vị cứu hộ tiến hành di chuyển phương tiện đến vị trí thích hợp, tránh gây ùn, tắc giao thông.

Trường hợp các phương tiện mặc dù không bị sự cố kỹ thuật nhưng vẫn lợi dụng bật đèn khẩn cấp để dừng, đỗ xe ở những tuyến đường có biển cấm phương tiện dừng, đỗ là vi phạm quy định tại điểm e, Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ và bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng với hành vi đỗ xe tại nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”.

- Người hỏi Lương Thị Bé: Tôi năm nay 24 tuổi, có hộ khẩu ở Kon Tum và sổ tạm trú ở TP Hồ Chí Minh. Bộ Công an cho tôi hỏi, tôi muốn làm thẻ Căn cước công dân ở TP Hồ Chí Minh thì có được không?

- Bộ Công an trả lời: Việc phân cấp giải quyết cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân thực hiện theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 07/2016/TT-BCA ngày 01/02/2016 quy định chi tiết một số điều của Luật Căn cước công dân và Nghị định 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân, cụ thể như sau:

“Khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu Căn cước công dân chưa đi vào vận hành hoặc chưa thu thập đầy đủ thông tin về công dân thì thực hiện phân cấp giải quyết cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân như sau:

1. Cơ quan quản lý căn cước công dân Công an cấp huyện và đơn vị hành chính tương đương tiếp nhận hồ sơ giải quyết các trường hợp cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân có nơi đăng ký thường trú tại địa phương đó.

 2. Cơ quan quản lý căn cước Công an cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân có nơi đăng ký thường trú trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đó; các trường họp đổi thẻ Căn cước công dân theo quy định tại điểm a, b Khoản 1 Điều 23 Luật Căn cước công dân và cấp lại thẻ Căn cước công dân đối với công dân có nơi đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác... ”.

Căn cứ quy định trên, trường hợp của bạn đọc Lương Thị Bé có hộ khẩu thường trú ở Kon Tum mà chưa cấp thẻ Căn cước công dân lần nào thì không được cấp thẻ Căn cước công dân tại thành phố Hồ Chí Minh. 

Trường hợp bạn Lương Thị Bé đã được cấp thẻ Căn cước công dân, hiện tại muốn đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân thì có thể thực hiện tại thành phố Hồ Chí Minh.

Thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù

- Người hỏi Đỗ Duy Tú: Năm 2003 tôi bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xử phạt 8 năm tù và chấp hành án tại Trại giam Tân Lập. Vừa rồi, tôi bị mất Giấy ra trại nên không làm được thủ tục xóa án tích. Bộ Công an cho tôi hỏi, tôi muốn xin cấp lại Giấy ra trại thì phải làm những thủ tục gì?

- Bộ Công an trả lời: Theo quy định tại Khoản 2, Khoản 5 Điều 46 Luật Thi hành án hình sự năm 2019: “Vào ngày cuối cùng của thời hạn chấp hành án phạt tù, Trại giam, Trại tạm giam, Cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Cơ quan Thi hành hình sự cấp quân khu hoàn chỉnh thủ tục theo quy định của pháp luật để trả tự do cho phạm nhân; cấp Giấy chứng nhận đã chấp hành xong án phạt tù cho người đã chấp hành xong án phạt tù”. Cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đã chấp hành xong án phạt tù có trách nhiệm gửi giấy chứng nhận đó cho Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Tòa án đã ra quyết định thi hành án, Cơ quan Thi hành án dân sự (cùng cấp với Tòa án đã ra quyết định thi hành án đối với trường hợp chưa thực hiện xong hình phạt bổ sung, đền bù dân sự…), Cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện, UBND cấp xã nơi người chấp hành xong án phạt tù về cư trú. Đồng thời Giấy chứng nhận đã chấp hành xong án phạt tù được lưu vào hồ sơ phạm nhân.

Theo quy định của chế độ hồ sơ năm 2013, trong thời hạn không quá 06 tháng sau khi phạm nhân đã chấp hành xong án phạt tù, hồ sơ phạm nhân nộp lưu về cơ quan hồ sơ để quản lý, lưu trữ.

Hiện nay, không có quy định về việc cấp lại Giấy chứng nhận đã chấp hành xong án phạt tù. Để được cấp bản sao Giấy chứng nhận đã chấp hành xong án phạt tù, công dân cần có đơn đề nghị, có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú gửi Cục Hồ sơ nghiệp vụ, Bộ Công an để được giải quyết.