Xử lý tình trạng nghẽn lệnh trên HOSE: Vì sao cần tới sự hỗ trợ của tư nhân?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nếu sử dụng tiền ngân sách để khắc phục tình trạng nghẽn lệnh trên HOSE, theo quy định đầu tư công sẽ phải kéo dài rất lâu về thủ tục, dẫn đến tắc nghẽn kéo dài, nguy cơ sập hệ thống.

Nếu dùng tới ngân sách, quá trình sửa chữa sẽ kéo dài

Tại buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Tài chính với lãnh đạo Tập đoạn FPT và Sovico liên quan đến vấn đề giải quyết nghẽn lệnh trên hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, cho biết, nhờ sự hỗ trợ của 2 doanh nghiệp này, hiện tượng nghẽn lệnh HOSE đã xong kịp trong 100 ngày.

Còn nếu sử dụng tiền ngân sách theo quy định đầu tư công sẽ phải kéo dài rất lâu về thủ tục, sàn HOSE sẽ tiếp tục tắc nghẽn, làm ảnh hưởng tới hoạt động doanh nghiệp, mất cơ hội của nhà đầu tư và cả nền kinh tế.

Chia sẻ rõ hơn với báo chí, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng thiết kế hệ thống giao dịch của sàn HOSE tối đa 900 nghìn lệnh/phiên. Trong các năm từ 2020 trở về trước, số lượng giao dịch chỉ khoảng 160 - 170 nghìn lệnh/phiên, thanh khoản khoảng 6.800 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cuối năm 2020 đầu năm 2021, thị trường chứng khoán bùng nổ, khối lượng giao dịch, thanh khoản thị trường đều vượt ngưỡng thiết kế của hệ thống của HOSE. Điều này dẫn đến hệ thống hoạt động quá tải liên tục trong thời gian dài dẫn đến trục trặc, nguy cơ sập hệ thống.

“Nếu hệ thống bị sập, hậu quả rất lớn, không chỉ là tiền với nhà đầu tư, doanh nghiệp, còn ảnh hưởng uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam trên thị trường quốc tế”, ông Dũng nói.

Trong khi đó, về vấn đề chi phí, theo lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM là doanh nghiệp nhà nước, do đó, thủ tục chi đầu tư của doanh nghiệp nhà nước cũng gần như chi ngân sách nhà nước, quy trình có thể kéo dài. Do đó, cần nhờ hỗ trợ của doanh nghiệp tư nhân về công nghệ và tài chính để khắc phục, còn nếu không được hỗ trợ cũng sẽ phải dùng tới kinh phí của HOSE.

Tình trạng nghẽn lệnh trên HOSE đã được xử lý dứt điểm

Tình trạng nghẽn lệnh trên HOSE đã được xử lý dứt điểm

Sẽ chỉnh sửa phần mềm để áp dụng giao dịch “lô 10”

Chia sẻ về lý do tại sao hệ thống giao dịch đã vận hành ổn định nhưng chưa áp dụng lô tối thiểu 10 cổ phiếu, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán cho biết, hệ thống giao dịch FPT sử dụng cho sàn HOSE là bản quyền phần mềm của sàn HNX, với thiết kế xử lý “lô 100”. Muốn chuyển xuống “lô 10” phải đánh giá và điều chỉnh lại phần mềm. Trong khi đó, nhân sự thiết kế phần mềm lại hầu hết ở Hà Nội. Vừa qua, đường bay kết nối với TP.HCM bị ảnh hưởng dịch bệnh nên nhân sự chưa thể đi lại.

“Nay hàng không giữa 2 địa phương đã nối lại, nhân sự thiết kế của FPT có thể vào TP.HCM để nghiên cứu điều chỉnh phần mềm cho giao dịch “lô 10”. Dự kiến thời gian chỉnh sửa phần mềm mất 1-2 tháng sẽ vận hành được” – ông Trần Văn Dũng cho biết.

Về sự khác nhau đối với hệ thống KRX do Hàn Quốc xây dựng, ông Dũng cho biết, hệ thống đang vận hành cho HOSE chỉ đơn thuần phục vụ giao dịch cổ phiếu. Trong khi hệ thống của Hàn Quốc đang xây dựng cho Việt Nam còn thêm chức năng phục vụ giao dịch trái phiếu, thị trường phái sinh, bù trừ thanh toán trung tâm (CCP); dịch vụ giao dịch trong ngày, giao dịch chứng khoán chờ về... Hệ thống tổng thể do Hàn Quốc xây dựng cũng giúp cơ quan quản lý giám sát, theo dõi hoạt động của nhà đầu tư, công bố thông tin của doanh nghiệp, công ty chứng khoán, người hành nghề...

Do đó, giải pháp cho sàn HOSE hiện chủ yếu để giao dịch cổ phiếu ổn định trong khi chờ hệ thống tổng thể dùng chung và sáp nhập HOSE với HNX.

Về tiến độ triển khai hệ thống KRX, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán cho hay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên dù hệ thống đã lắp đặt phần cứng, xong phần mềm, nhưng chuyên gia Hàn Quốc chưa thể sang để vận hành thử và chỉnh sửa hệ thống.

“Việc vận hành thử mất rất nhiều thời gian, do công nghệ phục vụ thị trường chứng khoán, tài chính không cho phép có lỗi” – ông nói.