Xử lý nong, cắt bao quy đầu ở phòng khám tư: Rất dễ gây biến chứng

ANTD.VN - Trên thực tế, tình trạng đưa con đi nong bao quy đầu ở phòng khám tư đang xảy ra khá phổ biến chứ không riêng các phụ huynh có trẻ mắc bệnh sùi mào gà ở Khoái Châu (Hưng Yên) vừa qua. Theo các bác sĩ, thực tế này cảnh báo tình trạng thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân.

Từ thực tiễn điều trị bệnh nhân, bác sĩ Trần Thu Thủy, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hẹp bao quy đầu khá phổ biến ở trẻ em nhưng nhiều phụ huynh không biết phải làm gì để khắc phục tình trạng này.

Một số nghe theo chỉ dẫn của bạn bè, vội vàng đưa các em nhỏ, thậm chí mới chỉ vài tháng tuổi đi nong bao quy đầu. Sau khi nong, nhiều bé đau đớn, khóc thét mỗi lần đi tiểu, lúc này nhiều bậc cha mẹ vì xót con, không dám động đến chỗ đau của bé, không vệ sinh bộ phận sinh dục cho bé dẫn tới bao quy đầu hẹp trở lại.

Đó là chưa kể tới những rắc rối mà các can thiệp ngoại khoa (nong hoặc cắt bao quy đầu) có thể gây ra như biến chứng chảy máu, phù nề, nhiễm trùng, tổn thương quy đầu hoặc niệu đạo ngay sau mổ, hoặc các biến chứng mãn tính có thể xảy ra như để lại sẹo xấu, hẹp da quy đầu tái phát, hẹp lỗ tiểu hoặc rò niệu đạo… Do vậy, với bé trai (nhất là bé dưới 4 tuổi) không nên cố gắng nong bao quy đầu vì có thể gây dính và sẹo xơ, dẫn tới hẹp bao quy đầu thứ phát. 

Tương tự, bác sĩ Trần Anh Quỳnh, Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, với trẻ bị hẹp bao quy đầu, việc nong và cắt bao quy đầu cần phải có chỉ định chặt chẽ của bác sĩ và chỉ thực hiện khi có những biến chứng như: sưng nhiều lần, viêm nhiễm bao quy đầu, viêm đường tiết niệu, xơ bao quy đầu... 

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bình quân mỗi ngày có từ 30 - 50 trẻ đến khám vì hẹp bao quy đầu, trong số này chỉ có khoảng 50 - 60% trẻ được chỉ định nong bao quy đầu. “Có tới 96% trẻ sơ sinh bị hẹp bao quy đầu. Tuy nhiên, không phải tất cả đều được chỉ định nong hay cắt bao quy đầu. Các bác sĩ luôn tư vấn gia đình nên xử lý ban đầu khi trẻ chưa có các biến chứng bằng cách lộn nhẹ bao khi tắm cho trẻ hoặc sử dụng thuốc bôi chứa steroid làm mềm da trước khi lộn. Có tới 90% trẻ có thể thoát khỏi tình trạng này mà không cần phải can thiệp bằng kỹ thuật nong hoặc cắt bao quy đầu, hạn chế ảnh hưởng tới tâm lý cũng như một số biến chứng có thể xảy ra sau khi làm thủ thuật” - bác sĩ Quỳnh khuyến cáo.

Cũng theo bác sĩ Trần Anh Quỳnh, để tránh lây nhiễm những căn bệnh tình dục, sùi mào gà khi tiến hành thủ thuật can thiệp ngoại khoa cắt bao quy đầu cần phải tuân thủ các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt. Cụ thể, dao cắt bao quy đầu chỉ được sử dụng một lần; các dụng cụ bằng inox phải được hấp sấy ở nhiệt độ trên 160 độ C bằng máy chuyên dùng hoặc sử dụng máy tiệt trùng dùng khí E.O. Người thực hiện phải đeo găng tay và sử dụng panh, nếu không thay găng tay và vô khuẩn dụng cụ thì khi tiến hành dễ có nguy cơ nhiễm khuẩn do niêm mạc ở trẻ em rất dễ trầy xước…

Do vậy, dù nong, cắt bao quy đầu là kỹ thuật không phức tạp song nếu thực hiện ở các phòng khám “chui”, được làm không đúng quy trình, kỹ thuật, không đảm bảo vô khuẩn, thậm chí người hành nghề không đủ chuyên môn nghiệp vụ là vô cùng nguy hiểm, rất dễ gây ra các biến chứng, trong đó có biến chứng sùi mào gà.