Xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42: Chỉ có vài vụ tranh chấp được xử lý theo thủ tục rút gọn tại tòa

ANTD.VN - Tại Công ty Quản lý tài sản - VAMC, chưa có vụ nào trong số hơn 2.000 vụ tranh chấp tài sản bảo đảm tại tòa được xử lý theo thủ tục rút gọn. Còn tại Ngân hàng Agribank, cũng chỉ có 2 trong số 3.166 vụ được xử lý theo thủ tục này.

Sau một năm Nghị quyết 42 có hiệu lực, ngành ngân hàng đã xử lý tổng cộng 138,29 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Đã có nhiều chuyển biến tích, tình trạng “đứng cho vay, quỳ đòi nợ” đã được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn không ít vướng mắc cần tháo gỡ để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu ngành ngân hàng.

Hạn chế tình trạng "quỳ đòi nợ"

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính từ năm 2012 đến hết tháng 6 vừa qua, toàn hệ thống đã xử lý tổng cộng hơn 785 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, chỉ trong 1 năm thực hiện Nghị quyết 42, đã có 138,29 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết này được xử lý, không bao gồm 61.040 tỷ dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng.

Chỉ tính trong nửa đầu năm 2018 vừa qua, cũng đã có trên 58 nghìn tỷ nợ xấu được xử lý trong đó chủ yếu là nợ do các tổ chức tín dụng (TCTD) tự xử lý còn lại là bán cho Công ty Quản lý tài sản VAMC và các tổ chức, cá nhân khác một phần nhỏ.

Riêng đối với VAMC, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch HĐTV VAMC cho biết, đơn vị này đã thí điểm ký kết với 6 TCTD có nợ xấu bán cho VAMC và tổ chức phân loại trên 26.000 khoản nợ xấu đã mua và quản lý với dư nợ trên 10 tỷ đồng trở lên để nắm rõ thực trạng và phương án xử lý phù hợp.

Tính đến 15/8, VAMC đã thu hồi gần 100 nghìn tỷ đồng trên tổng số 227 nghìn tỷ đồng nợ gốc mà công ty đã mua và đang quản lý. Trong đó, từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực tốc độ xử lý nợ xấu đã tăng lên rõ rệt. Trong số gần 100 nghìn tỷ đồng nợ thu hồi nói trên thì có 48 nghìn tỷ thu năm 2017, phần còn lại thu từ đầu năm 2018 đến nay. 

“Trước đây có những khoản nợ 5-7 năm không thu được một đồng nào. Tuy nhiên, đến nay có những khoản VAMC mua theo giá thị trường ở mức 10 tỷ đồng cũng đã thu hồi được 5 tỷ đồng. Tổng nợ mua 3.500 tỷ đồng thì VAMC đã thu được trên 90%, ước đạt 3.402 tỷ đồng” – Chủ tịch VAMC cho biết.

Theo ông Nguyễn Tiến Đông, điều quan trọng của Nghị quyết 42 là phát đi thông điệp bảo vệ đến cùng quan hệ có vay, có trả, tạo tiền đề cho VAMC và TCTD thu hồi nợ. Thông qua việc thu giữ, phát mại tài sản bảo đảm cũng như thái độ hợp tác của khách vay, đã khẳng định được quyền của chủ nợ  - điều mà các tổ chức tín dụng mong mỏi đã lâu.

Cùng với đó, các bộ ngành, địa phương cũng đã phối hợp nhịp nhàng với VAMC và TCTD trong việc thu giữ tài sản bảo đảm, điển hình là những vụ việc lớn như thu giữ dự án Sài Gòn One Tower hay một số dự bán bất động sản dở dang khác…

Cũng đánh giá cao Nghị quyết 42, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) cho rằng, hiệu ứng tích cực nhất từ Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 là thay đổi nhận thức của xã hội rằng nợ xấu không phải phát sinh từ ngân hàng mà chủ yếu từ thị trường, như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn, thua lỗ, phá sản, một số khách hàng bất hợp tác, thiếu thiện chí giải quyết nợ. Do đó, trách nhiệm xử lý nợ xấu không chỉ của ngân hàng mà của các ban ngành, các cấp và của khách hàng.

Tỷ lệ xử lý tranh chấp tài sản bảo đảm theo thủ tục rút gọn còn rất ít

Đặc biệt, theo ông Nghiêm Xuân Thành, Nghị quyết 42 tái lập quyền bình đẳng về dân sự là quyền thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm của các TCTD khi khách hàng vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Qua đó, tác động tới thái độ khách hàng trong xử lý nợ xấu. “Nhiều khách hàng trước đây chây ỳ, thiếu thiện chí trong việc bàn giao tài sản bảo đảm, sau khi có Nghị quyết 42 đã quay trở lại hợp tác, chủ động bàn giao tài sản bảo đảm để các TCTD xử lý, phát mại, thu hồi nợ” – ông Thành cho biết.

Vẫn còn nhiều vướng mắc

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Đông, hiện nay quá trình xử lý nợ xấu vẫn còn một số vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ.

Cụ thể, tại Nghị quyết 42 có ghi “khách hàng tự nguyện bàn giao tài sản”, nhưng trong các hợp đồng giao dịch bảo đảm lại chỉ ghi “khách hàng bàn giao tài sản, nếu không trả được nợ cho ngân hàng”. Trong quá trình triển khai, khách hàng cứ giở hợp đồng giao dịch bảo đảm ra “cò quay”, khiến việc thu giữ tài sản gặp không ít trở ngại.

Trong khi đó, Nghị quyết 42 cũng có nội dung rút gọn quá trình tố tụng và xử lý tranh chấp tài sản đảm bảo, nhưng trên thực tế hơn 2.000 vụ việc liên quan đến việc đòi nợ của VAMC chưa có vụ nào được xử lý theo hình thức rút gọn này.

Các tài sản đảm bảo là bất động sản dở dang khi VAMC thu giữ hoặc bán chuyển cho chủ đầu tư mới còn vướng mắc về phía hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường khiến chủ đầu tư mới chưa thể triển khai vì ở mỗi địa phương lại có cách hiểu, cách làm khác nhau. Có nơi thì cho chuyển giao, có nơi thì bảo là “chưa có hướng dẫn”.

Ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cũng cho rằng, hiện sự vào cuộc của các cơ quan hữu quan, cách ứng xử đối với vấn đề xử lý nợ xấu vẫn “còn ở mức độ khác nhau”. “Có những vụ như Công ty Diệp Bạch Dương TP.HCM dư nợ gần 3.000 tỷ đồng, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã nhiều lần chỉ đạo nhưng khách hàng không những không bàn giao tài sản bảo đảm mà có dấu hiệu tẩu tán tài sản thế chấp làm tăng nguy cơ thất thoát nhưng chưa được các cơ quan phụ trách giải quyết” – ông Khánh cho hay.

Việc áp dụng thủ tục rút gọn khi tranh chấp về nghĩa vụ bàn giao tài sản bảo đảm, theo lãnh đạo Agribank, còn chưa nhiều. “Với 3.166 vụ tranh chấp dân sự của Agribank tại tòa án, mới 2 vụ áp dụng thủ tục rút gọn” – ông Trịnh Ngọc Khánh cho biết.

Ngoài ra, nhiều tài sản bảo đảm là vật chứng trong các vụ án hình sự nhận được nhiều quan điểm của cơ quan tiến hành tố tụng, chưa có văn bản pháp luật nào phân tích cụ thể. “Agribank thực sự lúng túng chưa có hướng giải quyết đối với việc phát mại một tài sản bảo đảm trị giá hơn 500 tỷ đồng bằng hình thức trả chậm 20 năm nhưng phải trả trước 40 tỷ đồng tiền thuế, làm tăng nguy cơ thất thoát” – lãnh đạo Agribank than thở.